Thảm họa biến đổi khí hậu (K2): Xáo trộn xã hội

(ĐTTCO) - Biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm thay đổi xã hội, khi con người phải đối mặt với những đe dọa về sức khỏe cũng như phải di cư số lượng lớn ra khỏi những vùng bị nước biển dâng. 
 
Đe dọa sức khỏe

Biến đổi khí hậu đặt ra một loạt rủi ro đối với sức khỏe của cộng đồng. Có 3 loại rủi ro chính về sức khỏe, bao gồm: (1) tác động trực tiếp (sóng nhiệt, ô nhiễm khí quyển và thiên tai); (2) tác động trung gian thông qua các thay đổi liên quan đến khí hậu, dẫn đến thay đổi hệ thống sinh thái (làm thay đổi sản lượng cây trồng, năng suất từ nghề đánh bắt thủy sản....); (3) hậu quả gián tiếp liên quan đến nghèo đói, di dời, xung đột tài nguyên (như nước) và các vấn đề về sức khỏe sau thảm họa.

Biến đổi khí hậu làm chậm lại, hoặc ngăn chặn, thậm chí đảo ngược tiến trình giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em, theo đó tử vong do các bệnh tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác sẽ tăng, đặc biệt ở những khu vực nghèo trên thế giới. Khí hậu thay đổi ảnh hưởng đến các nhân tố quan trọng đối với sức khỏe con người như không khí sạch và nước sạch, thức ăn, các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, nơi ở...
Một khi trái đất nóng lên sẽ khiến tình trạng ô nhiễm không khí cao hơn. Nó cũng làm tăng tỷ lệ và phạm vi lây truyền các bệnh truyền nhiễm thông qua nước bẩn và thực phẩm bị ô nhiễm, cũng như qua việc thúc đẩy sinh trưởng của các loài truyền nhiễm như muỗi và các loài vật chủ trung gian (như chuột, dơi...). 

Sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và mùa vụ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng, bao gồm cả một số nước kém phát triển nhất, do đó gây nguy hiểm cho sức khỏe và tăng trưởng của trẻ em, sức khỏe và năng lực của người lớn. Khi tình trạng ấm dần lên, mức độ nghiêm trọng và tần số của thiên tai liên quan đến thời tiết sẽ tăng lên. 

Sa mạc hóa và mực nước biển dâng dần làm giảm sinh kế và bắt buộc các cộng đồng phải từ bỏ quê hương. 

Làn sóng di cư lớn

Các thảm họa thời tiết ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn sẽ khiến cư dân thế giới bị đe dọa về chỗ ở và môi trường sống, phải tìm nơi ẩn náu hoặc sinh kế ở nơi khác. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như sa mạc hóa và mực nước biển dâng dần làm giảm sinh kế và bắt buộc các cộng đồng phải từ bỏ quê hương để có môi trường thuận lợi hơn. Điều này hiện đang xảy ra ở các khu vực Sahel của châu Phi. Môi trường xấu đi do thay đổi khí hậu cũng có thể khiến xung đột gia tăng vì tranh chấp các tài nguyên.

 Sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến băng tan và nước biển dâng, kéo theo sự thay đổi về lương thực và nguồn cung cấp nước, gây ra các kết cục bất lợi về sức khỏe, làm gia tăng bạo lực và làn sóng di cư lớn. 

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) ước tính vào năm 2050 sẽ có khoảng 150 triệu người phải di cư vì môi trường, chủ yếu do ảnh hưởng của lũ lụt ở bờ biển, xói mòn bờ biển và sự gián đoạn nông nghiệp. Tuy nhiên, IPCC cũng cảnh báo rất khó để đo lường mức độ di cư môi trường do sự phức tạp của vấn đề và thiếu dữ liệu. Theo Trung tâm Giám sát di cư, hơn 42 triệu người đã bị phải di dời ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2010 và 2011, gấp hơn 2 lần dân số Sri Lanka. Con số này bao gồm những người bị di dời do bão, lũ lụt, nóng và lạnh. Cũng có những người phải di cư do hạn hán và mực nước biển dâng. 

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nguy cơ cao nhất cả về số lượng thiên tai và số người bị ảnh hưởng. Một số quốc đảo ở Thái Bình Dương như Tuvalu, Kiribati, và Maldives đang xem xét khả năng sơ tán. Tuvalu đã có một thỏa thuận đặc biệt với New Zealand để cho phép người dân di cư theo từng giai đoạn. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới dự đoán "một cú sốc nghiêm trọng" sẽ thúc đẩy xung đột và di cư trên khắp Trung Đông, Trung Á và châu Phi. 

Biến đổi khí hậu có thể là chất xúc tác cho xung đột bạo lực và là một mối đe dọa đối với an ninh quốc tế. Một phân tích cho thấy "sự thay đổi khí hậu theo nhiệt độ ấm hơn hoặc lượng mưa cực đại, ước tính tần suất bạo lực giữa các cá nhân tăng 4% và tần số xung đột giữa các nhóm quốc tế tăng lên 14%”. IPCC cũng cho rằng di cư do môi trường có thể làm trầm trọng thêm xung đột. Các chuyên gia cho rằng hạn hán và nhiệt độ cao có liên quan đến những xung đột như chiến tranh ở Darfur giữa người chăn nuôi và nông dân; cuộc nội chiến Syria khiến 1,5 triệu người phải di cư; nội chiến Somalia...

Ứng phó

Có 3 cách chính để ứng phó với hiện tượng ấm dần lên của trái đất. Một trong những cách được nói đến nhiều là giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính hoặc tăng cường năng lực của các sinh khối hấp thụ khí nhà kính từ khí quyển. Việc giảm phát thải có khả năng thực hiện được nếu kết hợp được các hoạt động như bảo tồn và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các công nghệ năng lượng carbon thấp, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, và thu giữ cacbon; tăng cường sinh khối hấp thụ carbon như trồng rừng và ngăn chặn nạn phá rừng. 

Báo cáo năm 2015 của Citibank kết luận rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ mang lại lợi nhuận tích cực cho các khoản đầu tư. Những xu hướng ngắn và dài hạn của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay không phù hợp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 hoặc 2°C, so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp. Thỏa thuận Cancun (2010) chỉ có khả năng kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 3°C so với mức tiền công nghiệp. Để hạn chế việc nóng lên ở mức dưới 2°C, các nước đã ký kết thỏa thuận Paris (2015) với những thỏa thuận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên mới đây Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. 

Cách thứ hai được giới chuyên môn nhắc đến là việc thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thí dụ, con người sẽ nghiên cứu để tìm ra các giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt cao hơn, hoặc có kế hoạch di dời dân cư đến những vùng cao hơn so với dự đoán mực nước biển dâng lên vì sự ấm lên toàn cầu... Cách thứ ba là dùng công nghệ-kỹ thuật để chống lại biến đổi khí hậu, như NASA đã nghiên cứu các kỹ thuật loại bỏ carbon dioxide. Tuy nhiên, một nghiên cứu từ năm 2014 điều tra các phương pháp kỹ thuật khí hậu phổ biến nhất và kết luận chúng không hiệu quả hoặc có tác dụng phụ tiềm ẩn nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến khí hậu biến đổi nhanh chóng hơn.

Các tin khác