Thảm họa biến đổi khí hậu (K1): Tác động kinh tế khó lường

(ĐTTCO) - Ngày 1-6 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, vì theo ông nó làm tổn hại đến người lao động, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Động thái của Washington ngay lập tức làm dấy lên bàn cãi xoay quanh tác động kinh tế của biến đổi khí hậu và hoạt động chống biến đổi khí hậu.
Từ lâu các nhà khoa học đều nhất trí rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến loài người đối mặt với nguy cơ diệt vong. Về mặt kinh tế nó sẽ gây ra những tác động khó lường, khiến thế giới thiệt hại hàng chục ngàn tỷ USD và nhiều người rơi vào đói nghèo.
Nguy cơ GDP mất hàng chục ngàn tỷ USD

Báo cáo “Theo đuổi giới hạn 1,5oC” của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), cho biết trong thế kỷ 20 nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6°C. Nhưng chỉ trong vòng 16 năm đầu thế kỷ 21, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trên khắp bề mặt đất tính tới tháng 11-2016 đã tăng 0,95°C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Với xu hướng này, việc giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp như thỏa thuận khí hậu Paris đưa ra là rất khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo của Chương trình Pháp triển Liên hiệp quốc  (UNDP) và 43 nước đang phát triển cho biết nếu không làm được, thế giới sẽ đối mặt với việc mất hàng chục ngàn tỷ USD.

Theo báo cáo, nếu kiềm chế được nhiệt độ trung bình của trái đất ở mức hiện nay, GDP toàn cầu vào năm 2050 sẽ đạt 33.000 tỷ USD. Nhưng nếu để nhiệt độ trái đất tăng thêm hơn 1,5°C, GDP toàn cầu chỉ đạt 21.000 tỷ USD, tức giảm 12.000 tỷ USD (10%) so với kịch bản trước. “Trong kịch bản nhiệt độ tăng lên nhanh ở Bangladesh, tăng trưởng GDP bình quân đầu người sẽ giảm từ 6%/năm ở kịch bản không thay đổi khí hậu xuống mức 4%/năm; và tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ giảm từ 2%/năm xuống 0,5%/năm” - báo cáo viết. 

Sự sa sút ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng toàn cầu, vì 2 nước này có tác động lớn tới tăng trưởng của các nước trong khu vực và toàn thế giới. Sự sụt giảm trong kinh tế vĩ mô do tác động biến đổi khí hậu vì vậy sẽ đe dọa nghiêm trọng tới những nỗ lực chống đói nghèo ở các nước đang phát triển. 

Trong khi đó, ở những nước giàu như Nhật Bản và Hoa Kỳ, biến đổi khí hậu có thể kéo GDP từ tăng trưởng dương xuống âm. GS. Magdy Martinez-Soliman của UNDP nói: “Triển khai những nỗ lực để giới hạn trái đất ấm lên ở mức 1,5°C là sống còn cho tất cả các nước. Thí dụ, việc phát triển năng lượng tái tạo giúp cung cấp năng lượng ổn định, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng giúp giảm đói nghèo; việc giảm tính dễ bị tổn thương của hệ thống lương thực có thể giúp chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn thế giới”.

Thảm họa biến đổi khí hậu (K1): Tác động kinh tế khó lường ảnh 1 Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

24.200 tỷ USD tài sản tài chính bốc hơi

Theo ước tính trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature của các giáo sư Đại học Stanford và UC Berkeley, biến đổi khí hậu có khả năng xóa sổ 2.500 tỷ USD tài sản tài chính. Đó là theo kịch bản bình thường, còn trong kịch bản tệ hơn, số tài bị bốc hơi có thể lên đến 24.200 tỷ USD. Trong báo cáo này, các tác giả dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn mức tiền công nghiệp 2,5°C vào năm 2100. Kết quả nghiên cứu cho thấy thay đổi khí hậu sẽ làm gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, bởi việc trái đất nóng lên sẽ mang lại điều kiện thuận lợi cho các nước có khí hậu lạnh và có hại cho các nước khí hậu nóng. 

Trong khi đó, những nước trong vùng khí hậu lạnh hiện nay đa số là những nước giàu và ngược lại. Vì vậy, thay đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập trung bình của 40% người nghèo nhất trên thế giới xuống 75% vào năm 2100, trong khi giúp 20% người giàu nhất có thu nhập tăng thêm. 

Nghiên cứu trên The Nature tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu về nhiệt độ, không bao gồm tác động của biến đổi khí hậu như bão tố hoặc nước biển dâng. Các tác giả nghiên cứu là Solomon Hsiang, GS. Chính sách công Đại học UC Berkeley, TS. Marshall Burke và Edward Miguel, GS. Môi trường và Kinh tế tài nguyên. Họ tiến hành nghiên cứu từ năm 2013. “Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy hoạt động kinh tế ở tất cả khu vực đều có liên quan với khí hậu toàn cầu” - báo cáo phân tích. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kịch bản tiêu chuẩn của thế kỷ 21. Họ phát hiện thay đổi khí hậu có thể gây thiệt hại toàn cầu lớn hơn 2,5-100 lần so với dự đoán của các mô hình hàng đầu hiện nay. Ước tính lạc quan nhất của nhóm nghiên cứu là biến đổi khí hậu sẽ làm kinh tế toàn cầu giảm sản lượng 23% vào năm 2100. 

Một nửa số dự phóng cho thấy thiệt hại lớn hơn. Các nước nóng nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất: trong các kịch bản ít lạc quan hơn, các tác giả ước tính rằng 43% quốc gia có thể sẽ nghèo hơn vào năm 2100 do biến đổi khí hậu, mặc dù đã kết hợp các dự báo về tiến bộ công nghệ và tiến bộ khác. “Sự khác biệt về tác động dự kiến của sự nóng lên toàn cầu chủ yếu do sự ấm lên làm tăng năng suất ở các nước có khí hậu ôn đới.
Đặc biệt, châu Âu có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng nhiệt độ trung bình”. Riêng với Việt Nam, nghiên cứu cho thấy 99% khả năng GDP sẽ giảm từ 50% trở lên do biến đổi khí hậu” - các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Nature.
Việt Nam thuộc báo động đỏ
 Theo báo cáo của Climate Central (Hoa Kỳ), Hà Nội đứng thứ 9 trong 10 thành phố có số cư dân bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu nhiệt độ trái đất tăng hơn 2°C. Cụ thể, Hà Nội có 7,6 triệu cư dân bị đe dọa mất nhà cửa do nước biển dâng. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng, Hà Nội có tới 60% dân số bị đe dọa mất nhà cửa, chỉ xếp sau Thượng Hải (76%). Xét theo tỷ lệ dân số, Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ảnh hưởng khí hậu, với 52% dân số đang sống tại những khu vực có nguy cơ bị chìm dưới mức nước biển. 
Trong trường hợp thế giới có thể kìm hãm được sự ấm lên toàn cầu ở mức chỉ 2°C, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nặng. Cụ thể, Hà Nội sẽ có 3,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, tương đương 28% dân số. Trong khi đó, cả nước sẽ có 26 triệu người bị ảnh hưởng, đứng thứ 2 toàn thế giới. Xét theo tỷ lệ, Việt Nam cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiệt độ tăng 2°C, với 29% dân số sống ở những khu vực có thể bị nước biển nhấn chìm.
(còn tiếp)

Các tin khác