Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 3)

(ĐTTCO) - Lời tác giả: Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng quy luật hiệu suất giảm dần đã hình thành, và những nhân tố chính của chương trình cải cách rộng lớn được tiến hành từ 35 năm trước giờ đây không còn phù hợp hoặc bền vững cho việc thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc. 
Một số người nước ngoài còn tin rằng nhiều lĩnh vực đã đạt đến một dạng “điểm bùng phát” - do đó nếu không tiến hành những thay đổi cơ bản, tăng trưởng kinh tế quốc gia, sự phát triển xã hội sẽ bị đình trệ và nhiều hệ lụy sẽ xảy ra.

Kỳ 3: Chinh phục với quyền lực mềm

Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong bài viết này, tôi sẽ nhận định những thách thức chủ yếu đang gặp phải, cũng như hiệu quả thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Tất nhiên, cần lưu ý rằng đây là nhận định của một nhà quan sát nước ngoài, khác với nhận xét của chính quyền và chuyên gia trong nước.

Bất ổn xã hội

Một lĩnh vực quan trọng mà cho đến nay mới chỉ xuất hiện những cải cách nhỏ hay chưa có sự cải cách thực sự là tính sáng tạo. Đây là nhân tố quyết định liệu Trung Quốc có thể tránh khỏi việc vĩnh viễn bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” hay không. Cách thức duy nhất để thoát khỏi cái bẫy này (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nền kinh tế công nghiệp mới khác đã cho thấy) là thông qua sáng tạo và nâng cấp chuỗi giá trị kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay vẫn là một nền kinh tế lắp ráp và chế biến, không phải là nền kinh tế sáng tạo và phát minh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu được lắp ráp hay sản xuất tại Trung Quốc được sáng tạo ra ở nơi khác. Nạn ăn cắp bản quyền, xâm phạm sở hữu trí tuệ tràn lan là bằng chứng rõ ràng cho sự thất bại của nước này trong lĩnh vực sáng tạo. Hiện nay, Trung Quốc hầu như chưa xây dựng được một chuẩn mực mang tính toàn cầu về công nghệ và dòng sản phẩm.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng và bất ổn xã hội vô cùng nghiêm trọng. Chênh lệch thu nhập tại Trung Quốc gia tăng liên tục qua thời gian, gây bất bình đẳng giữa vùng ven biển và nội địa và cả trong nội bộ các đơn vị hành chính với nhau. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không có khả năng và cơ hội việc làm như những người đi trước.
Trong khi đó, tầng lớp thượng lưu giàu có đang chuyển lượng tài sản cá nhân ngày một lớn ra nước ngoài, mua bất động sản, xin giấy phép cư trú. Tháng 1-2014, Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận tại Thượng Hải (chuyên nghiên cứu sự giàu có của Trung Quốc) chỉ ra rằng 64% “cá nhân có khối lượng tài sản lớn” (393 triệu phú và tỷ phú) được lấy ý kiến có kế hoạch di cư ra nước ngoài. Việc giới tinh hoa của nền kinh tế quốc gia giữ tài sản cá nhân tại nước ngoài không phải là dấu hiệu tốt, cho thấy họ mất tin tưởng vào tương lai.

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tham nhũng vừa mang tính cục bộ vừa mang tính hệ thống. Đây không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc, song nó thực sự đã trở thành đại dịch. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề ra một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ (dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Vương Kỳ Sơn), với mục tiêu bắt cả “hổ lẫn ruồi”. Chiến dịch này tới nay vẫn đang được thi hành một cách quyết liệt.
Thách thức thực sự sẽ là nhà chức trách muốn đi xa tới đâu trong cuộc chiến chống tham nhũng? Điều này cũng giống như kéo một cuộn dây, chúng sẽ nhanh chóng xổ tung hết ra. Điều này là bức thiết không chỉ riêng cho chính trị mà còn cho kinh tế và xã hội. Nhu cầu tạo thuận lợi cho sự sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng kinh tế, trao tiếng nói để người dân có thể bày tỏ những nguyện vọng và kiến nghị của mình, không thể thực hiện được nếu không cải cách triệt để thể chế.
Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 3) ảnh 1 Khách du lịch Trung Quốc tìm hiểu, chuyển vốn đầu tư các khu nhà ở tại Hoa Kỳ với kỳ vọng được định cư. 
Đô thị hóa và vấn nạn ô nhiễm
Đây là ưu tiên quan trọng của chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ dân thành thị đạt mức 60% dân số. Điều này đòi hỏi phải tái định cư cho 260 triệu dân nông thôn, tạo ra 110 triệu việc làm mới, thu hút 150 triệu dân di cư hiện đang sống ở các khu vực thành thị định cư và bảo đảm những quyền hợp pháp cơ bản về nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cùng các dịch vụ xã hội cơ bản khác.
Đây là một quyết tâm lớn lao và đầy tham vọng. Nếu thành công, nó sẽ đóng góp tích cực vào 2 yếu tố quan trọng của mô hình tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo ra nguồn lao động dồi dào cho các ngành dịch vụ và kích thích tiêu dùng.

Kể từ Hội nghị Trung ương 3, hai bước đi quan trọng đã được thực hiện nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đô thị hóa. Ngày 30-6-2014, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn “Hướng dẫn về việc đẩy mạnh cải cách chế độ đăng ký hộ khẩu” mới; Bộ Đất đai và Tài nguyên đã ban hành “Quy định về việc sử dụng tiết kiệm và thâm canh đất đai”, với mục tiêu quản lý sử dụng đất ở các thành phố lớn, tăng cường tính hiệu quả trong việc sử dụng đất đai tại các vùng đô thị lớn và trung bình. Hợp pháp hóa quyền sở hữu đất đai ở nông thôn cũng là một cải cách vô cùng cần thiết.

Một vấn nạn khác Trung Quốc đang đối mặt là ô nhiễm môi trường như nguồn nước, nạn sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng không hiệu quả... Điều này ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đến sức khỏe, tăng trưởng kinh tế và sự nóng lên toàn cầu, một tác nhân gây bất ổn tiềm tàng. Vào tháng 4-2014, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua việc sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường, quy định các quan chức chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về những “sự cố môi trường nghiêm trọng” xảy ra trong quyền hạn của họ.
Một số tỉnh (dẫn đầu là Sơn Đông) đã áp dụng cơ chế giám sát ô nhiễm không khí PM2.5, và một số thành phố (dẫn đầu là Thiên Tân) quản lý chặt chẽ việc "xả thải chất gây ô nhiễm" đối với các doanh nghiệp vượt quá mức quy định. Tỉnh Hà Bắc cũng đã cho đóng cửa nhiều nhà máy thép, xi măng và đốt than lỗi thời. Bộ Môi trường đã đề ra tiêu chuẩn phát thải mới đối với thiếc, antimon, thủy ngân và một số hóa chất độc hại. Tất cả biện pháp này đều đáng khích lệ, tuy nhiên cũng như những biện pháp môi trường trước đây, chìa khóa luôn nằm ở việc thực thi và cưỡng chế.

Trung Quốc đã dành nhiều thời gian để khẳng định với thế giới rằng mô hình Trung Quốc là độc đáo và khác biệt, hơn là một sức hút phổ quát đối với các xã hội khác. Tuy nhiên, các khẩu hiệu Trung Quốc sử dụng vừa khó hiểu đối với người nước ngoài (những khái niệm như “thế giới đại đồng”, “Giấc mơ Trung Hoa”, “quan điểm phát triển khoa học”, “phát triển hòa bình”, “Ba đại diện”…) được xem là mâu thuẫn với những hành động của họ ở trong nước cũng như nước ngoài. Chừng nào Trung Quốc còn chưa hiểu những yếu tố cần thiết của quyền lực mềm, việc xây dựng hình ảnh tích cực ở nước ngoài vẫn là thách thức lớn.

Xây dựng lòng tin

Trở thành quốc gia hội nhập với thế giới, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp. Nhìn chung, theo quan điểm của tôi, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc đang gây ra căng thẳng ở nhiều nơi, ngoại trừ Nga, Trung Á, một số vùng ở châu Phi và một số quốc gia đơn lẻ.
Ở những nơi khác, sự nghi ngờ đối với Trung Quốc đang tăng lên do các mối quan hệ song phương tồn tại nhiều vấn đề. Bắc Kinh có thể không nhìn ra điều này, nhưng đây là quan niệm chủ yếu và ngày càng phổ biến trên thế giới. Thách thức không phải là việc Trung Quốc đang bị chỉ trích, mà là Bắc Kinh sẽ phản ứng với những lời chỉ trích đó ra sao.
Theo khảo sát của Pew Research, đại đa số người Philippines (90%), Nhật Bản (82%), Hàn Quốc (77%) và Indonesia (62%) được phỏng vấn cho rằng những tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc là vấn đề lớn đối với quốc gia của họ. Và hầu hết người Nhật Bản (96%), Hàn Quốc (91%), cùng một tỷ lệ lớn người Philippines (68%) cho rằng việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước của họ.
Đa số người dân thuộc 8 trong 11 nước châu Á được phỏng vấn lo ngại rằng những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột quân sự với các quốc gia láng giềng. Cũng theo khảo sát này, 66% người Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh và 68% khẳng định không thể tin tưởng Trung Quốc. Nghiên cứu này cũng chỉ ra 61% người Trung Quốc cho rằng quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc là mối quan hệ mang tính “cạnh tranh” và chỉ có 43% người Trung Quốc bày tỏ quan điểm ủng hộ Hoa Kỳ. 

Về tổng thể, hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc vẫn tồn tại mâu thuẫn và điều này sẽ là thách thức những nhà lãnh đạo Trung Quốc cần giải quyết. Nhưng trước hết, họ cần nhận thức được rằng những vấn đề này không thể giải quyết chỉ bằng những khẩu hiệu tuyên truyền về “phát triển hòa bình,” một “thế giới đại đồng”.
Trung Quốc thực sự có nhiều vấn đề với một số nước và chúng đều có những nguyên nhân rõ ràng, chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu Trung Quốc nhận thức được vấn đề, thừa nhận trách nhiệm của mình, kiểm soát chủ nghĩa dân tộc trong nước và gây dựng niềm tin trong chính sách ngoại giao.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với sự hỗ trợ đắc lực của ông Vương Kỳ Sơn đã tuyên án hàng chục quan chức cấp cao. Chiến dịch này được xem đã thành công trong việc thanh trừng các “hổ lớn”, nhưng giới chuyên gia nhận định cuộc chiến “diệt ruồi” mới quan trọng. Bởi, lực lượng quan chức cấp thấp rất đông, nếu không nghiêm trị từ dưới, sức mạnh kinh tế Trung Quốc khó thành công.
 Nhận xét chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo”, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn trong bài viết được đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo mới đây nêu rõ, nền văn hóa chính trị tại Trung Quốc chưa thực sự lành mạnh và sự điều hành yếu kém vẫn tồn tại sau 5 năm tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng. Theo ông Vương Kỳ Sơn, tất cả vấn đề phát hiện qua các cuộc thanh tra đều phản ánh yếu kém trong công tác lãnh đạo và nỗ lực chưa đủ mạnh trong việc thực hiện nghiêm kỷ luật đảng. Điểm đặc biệt, bài viết được đăng tải ngay sau khi thông tin về việc ông Tôn Chính Tài thôi giữ chức Bí thư Trùng Khánh được công bố.

Các tin khác