Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 1)

(ĐTTCO) - LTS: Ông David Shambaugh là Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc, Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington.
Ông là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Chương trình Chính sách Đối ngoại và Trung tâm Chính sách Đông Á ở Viện Brookings. Giáo sư có nhiều tác phẩm đã xuất bản với góc nhìn riêng của mình về hiện tượng trỗi dậy của Trung Quốc đương đại. Nhằm cung cấp quan điểm đa chiều về vấn đề này, ĐTTC lược thuật, đăng tải 2 tác phẩm nghiên cứu mới của ông với tiêu đề: “Sự ảo tưởng về sức mạnh của Trung Quốc” và “Trung Quốc trước bước ngoặt: Mười thách thức cải cách chủ yếu”.

Kỳ 1: Ngang cơ cường quốc quốc tế?

Ảnh hưởng tầm quốc tế

Gần đây có nhiều quan điểm cho rằng không gì có thể ngăn cản được sức mạnh khổng lồ của Trung Quốc và thế giới sẽ phải thích nghi với thực tế là người khổng lồ châu Á này đã trở thành một siêu cường. Điều này bắt nguồn từ “Sự trỗi dậy của Trung Quốc" đã dần nổi lên trong thập kỷ qua và khắc họa một bức tranh về thế kỷ XXI với nhân vật chính là Trung Quốc. Niềm tin này khá dễ hiểu và phổ biến - nhưng có đúng như vậy?

Trung Quốc hiện sở hữu nhiều đặc điểm của một cường quốc: dân số lớn nhất thế giới, diện tích lục địa lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ngân sách quân sự lớn thứ hai, đập thủy điện lớn nhất thế giới. Trung Quốc là quốc gia có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới, tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, có lượng khí thải nhà kính lớn nhất, là quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều thứ hai và là quốc gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, năng lực chỉ là một thước đo của sức mạnh trong nước và trên trường quốc tế của một quốc gia - nhưng không phải là thước đo quan trọng nhất. Nhiều thế hệ các nhà khoa học xã hội đã xác định một chỉ số sức mạnh đáng kể hơn chính là tầm ảnh hưởng - khả năng quyết định sự kiện và hành động của bên khác.
Khi nhìn vào sự hiện diện và hành vi của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện nay, ta cần nhìn xuyên qua những năng lực ấn tượng bề ngoài của nó và đặt câu hỏi: Trung Quốc có thực sự đang ảnh hưởng tới hành động của những nước khác và quỹ đạo của các sự vụ quốc tế trên những lĩnh vực khác nhau không? Câu trả lời ngắn gọn là: không nhiều lắm, nếu không muốn nói là không hề có. 

Có rất ít lĩnh vực chúng ta có thể kết luận là Trung Quốc đang thực sự ảnh hưởng đến những nước khác, thiết lập nên những tiêu chuẩn hay quyết định các xu hướng toàn cầu. Trung Quốc cũng không thực sự cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Phản ứng thường thấy của Trung Quốc là né tránh những thách thức và lẩn tránh khi nổ ra các khủng hoảng mang tính quốc tế. Khi xem xét lại một cách kỹ càng, năng lực của Trung Quốc cũng không quá mức ấn tượng. Trung Quốc có nhiều tiêu chí ấn tượng về số lượng, nhưng lại kém chất lượng.
Chính việc thiếu sức mạnh thực chất khiến Trung Quốc thiếu tầm ảnh hưởng thực sự. Nếu lược bỏ đi những thống kê ấn tượng trên bề mặt, chúng ta sẽ phát hiện Trung Quốc có nhiều điểm yếu. Đây là những trở ngại nghiêm trọng và không phải là nền tảng để phát triển vững chãi, đưa quốc gia này trở thành cường quốc thật sự. Bắc Kinh đã hội nhập với cộng đồng quốc tế và có chính sách ngoại giao chủ động, lĩnh vực ngoại giao lại là một nơi thể hiện rõ vị trí cường quốc nửa vời của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc có những biểu tượng của một cường quốc thế giới: là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, thành viên của nhóm G-20 và các tổ chức quốc tế quan trọng khác, đồng thời Trung Quốc cũng tham gia tất cả hội nghị thượng đỉnh của quốc tế. Nhưng khi tham gia những tổ chức này và trước nhiều thách thức mang tính toàn cầu, các quan chức Trung Quốc thường vẫn tỏ ra bị động hoặc hành động mang tính đối phó.  Thực tế Trung Quốc không dẫn dắt định hướng ngoại giao thế giới, không thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu, không tạo được các liên minh và cũng không giải quyết được các vấn đề. Trung Quốc thường đóng vai trò là một bên tham gia miễn cưỡng trong các nỗ lực đa phương do các nước khác khởi xướng. Điều này là do họ né tránh các rủi ro và đang bị dẫn dắt bởi những lợi ích dân tộc, chọn lập trường an toàn và gây ít tranh cãi nhất, và đợi xem quan điểm của các chính phủ khác trước khi tuyên bố quan điểm của mình.
Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 1) ảnh 1 Thành phố San Francisco là nơi giới kinh doanh Trung Quốc săn lùng đầu tư bất động sản. 
Phân tích chất và lượng
Khi nhắc đến vấn đề quản trị toàn cầu, trong đó bao gồm cả cống hiến cho lợi ích chung một cách tương xứng với năng lực của một quốc gia, cách ứng xử của Bắc Kinh thường thụ động và hẹp hòi do chưa đóng góp một cách tương xứng với tầm vóc, sự giàu có và tầm ảnh hưởng tiềm năng của mình. Tại sao chính sách ngoại giao trong quản trị toàn cầu của Trung Quốc lại bị hạn chế như vậy? Có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nội bộ Trung Quốc vẫn tồn tại sự hoài nghi sâu sắc về những giả thuyết của chủ nghĩa tự do và những khái niệm căn bản của quản trị toàn cầu. Họ cho rằng đó chỉ là một cái bẫy mới nhất do các nước phương Tây giăng ra để làm Trung Quốc "tiêu hao sinh lực", bằng cách đẩy quốc gia này sa lầy vào những cuộc khủng khoảng và những nơi không có các lợi ích quốc gia trực tiếp. Theo đó, có thể phân tán nguồn lực và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ hai, người Trung Quốc sẽ chỉ trích chính phủ vì phân bổ nguồn lực ra nước ngoài trong khi nghèo đói và các thách thức cấp bách khác vẫn tồn tại trong nước.
Thứ ba, Trung Quốc có cách tiếp cận mang tính "giao dịch" nhằm tối đa hóa hiệu quả, đặc biệt liên quan tới hỗ trợ tài chính. Điều này bắt nguồn từ văn hóa kinh doanh của Trung Quốc nhưng cũng đã lan ra cách ứng xử của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác. Người Trung Quốc muốn biết chính xác họ sẽ nhận lại được gì và khi nào nhận lại được từ khoản đầu tư của mình. Bởi vậy, những khái niệm về các hoạt động đóng góp không vụ lợi cho những lợi ích chung vẫn còn khá lạ lẫm với suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc.

Bắc Kinh trong vấn đề quản trị toàn cầu vẫn mang tính tối giản và thủ thuật hơn là theo quy chuẩn hay chiến lược. Trên thực tế, nhiệm vụ thực sự của ngoại giao Trung Quốc là ngoại giao kinh tế. Xem xét thành phần phái đoàn tháp tùng chủ tịch nước hay thủ tướng Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài, chúng ta sẽ thấy rất nhiều CEO của các công ty Trung Quốc - những người đang tìm kiếm nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, cơ hội giao dịch và đầu tư (ở bên ngoài). Hoạt động ngoại giao vụ lợi này khó có thể đem lại cho Bắc Kinh sự tôn trọng của thế giới.

Người ta trông đợi Trung Quốc trở thành một siêu cường và một nước dẫn dắt các xu hướng - tuy nhiên ảnh hưởng của Trung Quốc lại ít hơn nhiều so với mong đợi. Kinh tế Trung Quốc có những con số ấn tượng nhưng chất lượng lại yếu kém; là quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, nhưng hàng xuất khẩu lại chủ yếu là hàng tiêu dùng giá rẻ; Trung Quốc ít có các thương hiệu quốc tế; chỉ một số ít các công ty đa quốc gia của nó đang hoạt động thành công ở nước ngoài.
Tổng số vốn  Trung Quốc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) đứng thứ 17 thế giới; các chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc chỉ bằng một phần nhỏ so với chương trình của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, WB.

Đổi mới sáng tạo và "hướng ra bên ngoài"

Khi nhìn vào mặt chất thay vì mặt lượng, giới nghiên cứu nhận thấy Trung Quốc cũng chỉ là một nền kinh tế gia công và lắp ráp, chưa phải là một nền kinh tế phát minh và sáng chế. Hầu hết những sản phẩm xuất khẩu được lắp ráp hoặc sản xuất ở Trung Quốc đều được phát minh hoặc sáng chế ở một nơi khác. Tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ tràn lan ở Trung Quốc và các chương trình thúc đẩy "sự sáng tạo trong nước" (đổ hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và phát triển hàng năm) đã thừa nhận rằng Trung Quốc đang thất bại trong lĩnh vực phát minh và sáng tạo.
Điều này có thể sẽ thay đổi theo thời gian nhưng cho đến giờ, Trung Quốc hầu như vẫn chưa thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho bất kỳ dòng công nghệ hay sản phẩm nào, kể cả trong khoa học tự nhiên, y học, khoa học xã hội và nhân văn.
Tương tự, theo bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2013-2014 của Tạp chí Times Higher Education, Trung Quốc cũng chỉ có 2 trường đại học trong top 100 trên thế giới. Trung Quốc ít được xướng tên trong các giải thưởng Nobel và trong số các bài viết được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới (ở tất cả các ngành học thuật), học giả Trung Quốc chỉ chiếm 4%, trong khi học giả Hoa Kỳ chiếm tới 49%.

Thực tế, thương mại khổng lồ của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Mặc dù chính phủ dành ưu tiên cao cho các công ty Trung Quốc "hướng ra bên ngoài", tính đến nay ODI của Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn, ngấp nghé ở trong top 20 thế giới, mặc dù lượng vốn “xuất khẩu” hàng năm đang tăng trưởng nhanh chóng và đứng thứ ba thế giới. 

Quan trọng hơn, giống như ở các lĩnh vực khác, chúng ta phải biết cách nhìn xuyên qua các số liệu và đặt hỏi câu hỏi về chất lượng. Những khoản đầu tư đấy đi về đâu và nó có phải là đầu tư thật không? Điểm đến và thành phần của đầu tư nước ngoài ODI của Trung Quốc đã và đang thay đổi nhanh chóng từ năm 2011, nhưng một phần lớn vẫn là các vốn đầu tư chảy vào những nơi như quần đảo Virgin thuộc Anh hay Quần đảo Grand Cayman (những nơi được xếp hạng địa điểm nhận đầu tư đứng thứ hai và thứ ba năm 2011).
Do vậy, một phần trong số đó không hẳn là đầu tư nước ngoài - nó thực ra là tiền chuyển ra nước ngoài đến những nơi cất giấu an toàn. Bản Báo cáo thường niên về Chuyển dịch Dân số Quốc tế của Trung Quốc năm 2014 cho thấy từ năm 1990 có 9,3 triệu người Trung Quốc di cư ra nước ngoài, mang theo 2.800 tỷ NDT (tương đương 46 tỷ USD). Đây là một xu hướng ngày càng phổ biến trong suốt thập kỷ qua. Khi tầng lớp tinh hoa kinh tế của một quốc gia ra đi với số lượng lớn và sốt sắng cất tài sản tiết kiệm cá nhân ở nước ngoài, rõ ràng họ rất thiếu niềm tin kinh tế trong nước.
 Tình trạng "thiếu tính sáng tạo" mãn tính của Trung Quốc khiến nước này sa lầy vào "bẫy thu nhập trung bình" đầy nguy hiểm. Cách duy nhất để thoát khỏi cái bẫy này là sáng tạo - giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã minh chứng trước đây. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển. Nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ mãi mãi bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình - chuyên lắp ráp và sản xuất, không sáng tạo và phát minh.
(còn tiếp)

Các tin khác