Sự thật vũ khí hóa học ở Syria - Kỳ 2: Ai là thủ phạm?

(ĐTTCO) - Thanh tra trong một nhiệm vụ chung của OPCW-LHQ công bố vào tháng 6-2014 rằng, họ đã hoàn thành việc loại bỏ hoặc hủy bỏ tất cả vật liệu vũ khí hóa học đã được khai báo của Syria, phù hợp với thỏa thuận do Hoa Kỳ và Nga đề xuất sau vụ tấn công Sarin năm 2013. Vậy ai đứng sau hơn 100 vụ tấn công hóa học ở Syria?

Vụ tấn công ngày 4-4-2017
Thông báo của OPCW-LHQ vào tháng 6-2014 cho biết vật liệu vũ khí hóa học của Syria đã bị loại bỏ hoặc phá hủy. Còn ông Tangaere, một trong những thanh tra viên của OPCW, nói: “Tất cả mọi thứ chúng tôi biết có ở đó đều bị loại bỏ hoặc phá hủy”. Tuy nhiên, nhiều báo cáo về các cuộc tấn công hóa học tiếp tục xuất hiện. Abdul Hamid Youssef mất vợ, cặp con song sinh 11 tháng tuổi, hai anh em, anh họ và nhiều người hàng xóm trong cuộc tấn công ngày 4-4-2017 ở Khan Sheikhoun.
 Ngoài vai trò là hình phạt cuối cùng, gây lo sợ cho mọi người, vũ khí hóa học cũng rẻ và tiện lợi cho chế độ vào thời điểm sức mạnh quân sự của họ bị giảm do xung đột. Không có gì khiến mọi người sợ hãi hơn vũ khí hóa học, và bất cứ khi nào vũ khí hóa học đã được sử dụng, cư dân chạy trốn khỏi những khu vực đó, và thường là không quay trở lại.
TS. Lina Khatib, 
Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House
Anh mô tả cảnh bên ngoài nhà của mình, nhìn thấy hàng xóm và các thành viên trong gia đình đột nhiên ngã xuống đất. “Họ run rẩy, bọt trào ra khỏi miệng. Thật đáng sợ. Đó là khi tôi biết đây là cuộc tấn công hóa học” - anh nói. Sau khi bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện, anh tỉnh dậy, hỏi về vợ con. “Sau khoảng 15 phút, họ mang tất cả cho tôi - đã chết. Tôi đã mất đi những người quý giá nhất trong cuộc đời mình”.
Sứ mệnh điều tra chung của OPCW-LHQ kết luận một số lượng lớn người đã tiếp xúc với Sarin ngày hôm đó. Sarin được coi là chất độc chết người mạnh gấp 20 lần xianua. Giống như tất cả tác nhân thần kinh, nó ức chế hoạt động của một enzyme làm mất hiệu lực các tín hiệu, khiến các tế bào thần kinh của con người bị cháy. Trái tim và các cơ khác - bao gồm cả những cơ quan có liên quan đến hơi thở - bị co thắt.
Tiếp xúc đầy đủ có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở trong vòng vài phút. Cơ chế điều tra chung của OPCW-LHQ (JIM) cũng cho biết họ tin rằng chính phủ Syria chịu trách nhiệm thả Sarin ở Khan Sheikhoun, bằng một chiếc máy bay bị cáo buộc đã thả bom vào thị trấn.
Những hình ảnh từ Khan Sheikhoun đã thúc giục Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra lệnh tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Syria, nơi các cường quốc phương Tây tin rằng chiếc máy bay tấn công thị trấn đã cất cánh. Tổng thống Assad cho biết vụ việc ở Khan Sheikhoun là dàn dựng, trong khi Nga nói không quân Syria đã ném bom “kho đạn dược khủng bố” đầy vũ khí hóa học, vô tình giải phóng một đám mây độc hại.
Nhưng Stefan Mogl, một thành viên của nhóm OPCW điều tra vụ tấn công, cho biết ông đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Sarin được sử dụng ở Khan Sheikhoun thuộc về chính phủ Syria. Có sự trùng khớp rõ ràng giữa Sarin ở hiện trường và các mẫu được OPCW đưa về từ Syria năm 2014.
Sự thật vũ khí hóa học ở Syria - Kỳ 2: Ai là thủ phạm? ảnh 1 Thanh sát viên LHQ kiểm tra mẫu vật  nghi nhiễm chất độc sarin. 
Báo cáo của JIM cho biết Sarin được xác định trong các mẫu lấy từ Khan Sheikhoun có nhiều khả năng đã được sản xuất với một tiền chất hóa học - methylphosphonyl difluoride (DF) - từ kho dự trữ ban đầu của Syria. “Nó có nghĩa không phải tất cả nguyên vật liệu vũ khí hóa học đã được gỡ bỏ” - ông Mogl nói. Trong khi ông Tangaere cho biết: “Tôi chỉ có thể giả định những nguyên liệu đó không phải là một phần những gì đã được tuyên bố và không có ở khu vực chúng tôi thanh tra. Thực tế, theo nhiệm vụ, những gì chúng tôi làm là xác minh những gì chúng tôi đã được thông báo ở đó”.

105 vụ tấn công khác
Nhưng còn 105 cuộc tấn công khác được nhóm BBC báo cáo thì sao? Ai là người đứng đằng sau chúng? JIM kết luận rằng có 2 cuộc tấn công liên quan đến các tác nhân gây phỏng lưu huỳnh mù tạt được thực hiện bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Có bằng chứng cho thấy IS thực hiện 3 cuộc tấn công khác, theo BBC. JIM và OPCW cho đến nay chưa kết luận bất kỳ nhóm vũ trang đối lập nào khác ngoài IS đã thực hiện một cuộc tấn công hóa học. Điều tra của BBC về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria cũng có kết luận tương tự. 
Tuy nhiên, chính phủ Syria và Nga đã cáo buộc các chiến binh đối lập sử dụng vũ khí hóa học trong một số trường hợp, đã báo cáo với OPCW, và OPCW đã điều tra các cáo buộc này. Các phe phái vũ trang đối lập đã bác bỏ cáo buộc họ sử dụng vũ khí hóa học. Các bằng chứng sẵn có, bao gồm video, hình ảnh và nhân chứng, cho thấy ít nhất 51 trong số 106 vụ tấn công được báo cáo có nguồn gốc từ trên không. BBC tin rằng tất cả các cuộc tấn công từ không trung được thực hiện bởi các lực lượng chính phủ Syria. 
Mặc dù máy bay của Nga đã tiến hành hàng ngàn cuộc tấn công để ủng hộ ông Assad từ năm 2015, các chuyên gia nhân quyền LHQ trong Ủy ban điều tra, cho biết không có dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga đã từng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. OPCW cũng không tìm thấy bằng chứng cho thấy các nhóm vũ trang đối lập có khả năng dùng các cuộc không kích để tấn công hóa học trong các trường hợp họ đã điều tra. Tobias Schneider, thuộc Viện Chính sách công cộng toàn cầu, cũng đã điều tra liệu phe đối lập có thể tổ chức bất kỳ cuộc tấn công hóa học từ không trung nào không, và kết luận họ không có khả năng. “Chế độ Assad là diễn viên duy nhất triển khai vũ khí hóa học bằng đường hàng không” - ông nói.
TS. Lina Khatib, người đứng đầu chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cho biết: “Phần lớn các cuộc tấn công vũ khí hóa học chúng ta thấy ở Syria dường như tuân theo mô hình cho thấy họ là công việc của chính phủ và các đồng minh, tức không phải của các nhóm khác ở Syria. Chính phủ sử dụng vũ khí hóa học khi không có khả năng quân sự để lấy lại một khu vực bằng vũ khí thông thường.
Sarin được sử dụng trong những vụ gây chết chóc nhiều nhất trong số 106 vụ tấn công, trong đó có vụ ở Khan Sheikhoun, nhưng bằng chứng cho thấy hóa chất độc hại thường được sử dụng nhất là chlorine. Clo là thứ được gọi là hóa chất “sử dụng kép”. Nó có nhiều cách sử dụng dân sự hòa bình hợp pháp, nhưng CWC cấm sử dụng nó dưới dạng vũ khí. Chlorine được cho là đã được sử dụng trong 79 vụ, trong số 106 vụ tấn công được báo cáo, theo số liệu của BBC. OPCW và JIM đã xác định rằng clo có thể đã được sử dụng làm vũ khí trong 15 trường hợp mà họ đã nghiên cứu.
Các chuyên gia cho rằng rất khó để chứng minh việc sử dụng clo trong một cuộc tấn công vì tính chất không ổn định của nó, nó bay hơi và phân tán nhanh chóng. Ông Tangaere, cựu thanh tra viên của OPCW, nói: “Nếu bạn đến một nơi mà một cuộc tấn công bằng clo đã xảy ra, hầu như không thể có bằng chứng vật lý từ môi trường - trừ khi bạn có thể đến đó chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, nó có thể được sử dụng mà hầu như không có bằng chứng để lại đằng sau, bạn có thể thấy lý do tại sao nó đã được dùng nhiều, nhiều lần hơn”.

Các tin khác