Sony-Bước thăng trầm của đại gia (kỳ 2)

Tương lai nào cho Sony?

Tương lai nào cho Sony?

Hiện nay những dự đoán về lợi nhuận của Sony bước đầu mang đến hy vọng, với mức lợi nhuận cả năm tài chính tính đến tháng 3 năm sau có thể đạt 180 tỷ yen. Tuy nhiên những dự báo này chưa thể thuyết phục tất cả nhà đầu tư trên thị trường. Cái tên Sony vẫn đang được chú ý theo dõi trên thị trường chứng khoán, trên báo chí kinh tế cũng như các diễn đàn trực tuyến.

> Sony-Bước thăng trầm đại gia (kỳ 1): Xa rồi thời hoàng kim

Đại họa 2011

Tình hình kinh doanh bê bết đã buộc Sony phải thay tướng với hy vọng có thể khôi phục lại thời kỳ vẻ vang của tập đoàn. Vào tháng 4 vừa qua, ông Kazuo Hirai đã chính thức được đưa lên làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành mới của Tập đoàn Sony, thay thế cho ngài Howard Stringer.

Sự thay đổi này được chờ đợi sẽ khích lệ tinh thần, khôi phục niềm tin. Hirai đã từng thành công trong việc giành thắng lợi cho thương hiệu PlayStation trong thị trường game trước kia. Không có nhiều tiếng vỗ tay hoan hô dành cho Hirai khi ông ngồi lên vị trí này, ngược lại ông phải đối mặt với di sản tồi tệ ngay từ ngày đầu tiên.

Nói một cách công bằng, trong đời lãnh đạo trước, Howard Stringer không có lỗi trong sự xuống dốc của Sony hiện nay. Trong thời kỳ ông lãnh đạo từ năm 2005, lợi nhuận của Sony khá vững vàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cho tới đầu năm 2011.

Phần lớn thiệt hại đến từ những rủi ro liên tiếp đã giáng xuống tập đoàn này, như thảm họa động đất -sóng thần tháng 3-2011 ở Đông Bắc Nhật Bản đã phá hủy một số nhà máy, trong đó cơ sở sản xuất đĩa Bluray hoàn toàn bị nhấn chìm.

Vài tuần sau, làn sóng tấn công của các hacker gây thiệt hại hơn 100 triệu tài khoản trên hệ thống mạng PlayStation Network đã làm hạ thấp uy tín về an toàn bảo mật của công ty. Biến cố này sẽ còn ảnh hưởng lâu dài với những sản phẩm máy tính cũng như điện thoại có nối mạng. Sau đó là cuộc nổi loạn tại London (Anh) thiêu hủy một nhà kho chứa DVD, CD, cùng với trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan tiếp tục phá hoại một phần cơ sở sản xuất máy ảnh của Sony.

Đồng yen cao giá gây sức ép lên xuất khẩu. Và cuối cùng là sự đổ vỡ dây chuyền trong thị phần tivi LCD mà Sony không phải là nạn nhân duy nhất. Tổn thương nặng nhất của Sony trong năm 2011 tập trung vào lĩnh vực TV LCD và đây là thất bại năm thứ 8 liên tiếp.

Sự thua lỗ theo dây chuyền này vốn ảnh hưởng tất cả các tập đoàn khác như Sharp, Panasonic, Samsung chứ không riêng gì Sony. Điều này có nguyên nhân do nghịch lý chi phí sản xuất quá cao trong khi thị trường bị bão hòa, cuộc cạnh tranh về giá cả. Hiện nay tại Sony vẫn chưa có dấu hiệu khắc phục tình trạng này.

Make.Believe

Trong kế hoạch “One Sony”, quyết định khó khăn đầu tiên Hirai phải đưa ra là cắt giảm 10.000 nhân công, đối tượng vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng việc quan trọng hơn là mang lại niềm tin về sự đổi mới và phát triển cho 168.000 người còn lại, như Masaru Kato, Giám đốc Tài chính của Sony khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện cải tổ và sẽ không còn nạn nhân nào khác”. Những bước tiến đầu tiên sắp tới của Sony được theo dõi từng ngày trong giới đầu tư chứng khoán.

Kế hoạch phục hồi kinh doanh của Hirai tập trung vào 3 lõi chính bao gồm game, ghi ảnh số (máy chụp hình, máy quay phim) và các thiết bị di động (smartphone, laptop, máy tính bảng). Sony sẽ xốc lại mảng TV, rà soát để bán bớt hoặc sáp nhập với công ty khác những mảng đang thua lỗ, không có nhiều cơ hội phát triển hoặc không tương quan nhiều tới 3 lõi kinh doanh chính.

Đồng thời, Sony sẽ cố gắng tìm kiếm những chân trời mới để phát triển (như ngành y tế), đầu tư công nghệ kỹ thuật mới và mở rộng hoạt động tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Mexico…

Make.believe - niềm tin sức mạnh sáng tạo có thể biến ý tưởng thành hiện thực - liệu có thể đưa Sony trở lại đỉnh cao?

Make.believe - niềm tin sức mạnh sáng tạo có thể biến ý tưởng thành hiện thực
- liệu có thể đưa Sony trở lại đỉnh cao?

Kế hoạch đã được vạch ra, Sony sẽ phải làm thế nào để thực hiện thành công tôn chỉ mới make.believe (sức mạnh sáng tạo biến ý tưởng thành hiện thực).

Hiện nay Sony đang đẩy mạnh đầu tư cho dòng smartphone Xperia, máy tính bảng, máy tính cá nhân VAIO và máy trò chơi PlayStation. Mặc dù không có phát minh nào đột phá về công nghệ đối với smartphone nhưng thị phần của Sony vẫn còn khá lớn.

Năm 2011 Sony đã nắm vững công nghệ điện thoại với phần mua lại từ Ericsson giá 1,5 tỷ USD. Họ có tham vọng bán được 33 triệu máy smartphone trong năm nay. Sự vắng mặt của sản phẩm TV trong chiến lược mới của Sony là điều khá dễ hiểu khi ngành công nghiệp màn hình LCD không mấy sáng sủa.

Tuy nhiên, trái với dự đoán của số đông, CEO Hirai khẳng định việc Sony cắt giảm 50% sản lượng TV không có nghĩa bỏ rơi mảng truyền hình, vì dự kiến tình hình có thể được cải thiện sau việc giảm giá thành sản phẩm (đến 60%) hứa hẹn việc phục hồi lợi nhuận trong tương lai. Cho đến nay Sony vẫn chưa đóng cửa bất kỳ nhà máy sản xuất màn hình nào.

Ngoài ra, tuy không được nhấn mạnh trong kế hoạch “One Sony” nhưng ngành công nghiệp giải trí như phim ảnh, băng đĩa cũng là một tiềm năng lớn. Năm 1989, Sony bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực giải trí khi mua lại hãng phim Columbia Pictures với giá 3,4 tỷ USD.

Thực tế cho thấy đây là quyết định đầu tư rất hiệu quả: hiện nay, mảng công nghệ giải trí chính là nguồn lực đáng kể của Sony, với việc sản xuất những bộ phim thành công về doanh thu như James Bond, Spider Man và nhiều phim tâm lý xã hội khác.

Việc tích hợp những dịch vụ giải trí “cây nhà lá vườn” qua mạng có thể còn là giải pháp cứu nguy cho sản phẩm truyền hình và máy chơi game.

Mùa phim sắp tới hứa hẹn không ít doanh thu cho hãng Sony Columbia với 2 tựa phim Jame Bond Skyfall và Amazing Spiderman. Trong lĩnh vực âm nhạc, gần như Sony không còn cơ hội nào bắt kịp thành công của kho lưu trữ Apple iTunes.

Hiện nay chiến lược mở rộng việc phát hành phim và nhạc qua mạng lưới PlayStation đang được nhắm đến. Sony cũng có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử, qua việc phát hành game download trên mạng.

Các tin khác