SOE Trung Quốc - Càng cưng càng hư (kỳ 2)

Chứng nào tật nấy

Chứng nào tật nấy

Sau 1 thập niên thực hiện chiến lược sàng lọc SOE, Trung Quốc đã hình thành nên những tập đoàn nhà nước khổng lồ. Nhưng cùng với sự phát triển vượt bậc đó, những “đứa con cưng” SOE vẫn chứng nào tật nấy, xuất hiện thêm nhiều thói hư tật xấu.

>  SOE Trung Quốc - Càng cưng càng hư (kỳ 1)

Đặc quyền và độc quyền

Sau 1 thập niên thực hiện “bỏ nhỏ, giữ lớn”, các SOE lớn được trợ cấp, sáp nhập, tập trung nguồn lực, hình thành nên các tập đoàn SOE khổng lồ. Ước tính bình quân quy mô tài sản các SOE công nghiệp đã tăng từ 134 triệu NDT (năm 1999) lên 923 triệu NDT (2008), tăng 589% trong vòng 9 năm.

Trong khi đó, doanh nghiệp phi SOE chỉ tăng từ 36 triệu NDT lên 60 triệu NDT, tăng 67%. Điều tra năm 2008 cho thấy trong tổng số 208.000 tỷ NDT tài sản của các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thì các SOE nắm 63.000 tỷ NDT, tức 30%, dù số lượng 154.000 SOE chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi 3,1% tổng số doanh nghiệp. Bình quân quy mô tài sản các SOE lớn gấp 13,4 lần các doanh nghiệp phi SOE.

Sự lớn mạnh của các SOE được Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc báo động như sau: “Nhiều SOE đã đạt tầm vóc có thể mở rộng ra quốc tế và giành mối kinh doanh từ tay các công ty Hoa Kỳ cũng như các công ty nước ngoài khác… Chính phủ Hoa Kỳ nên bớt chú trọng vào tỷ giá NDT, thay vào đó, hãy để mắt tới mối đe dọa từ các SOE được Bắc Kinh hậu thuẫn”.

Theo các chuyên gia, các SOE thường được ưu ái hơn khi vay tiền ngân hàng. Khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ NDT (588 tỷ USD), phần lớn số tiền này chảy vào túi các SOE. Một số SOE đã dùng núi tiền “từ trên trời rơi xuống” để đem đầu tư vô tội vạ vào cả những ngành không chuyên, đặc biệt là đổ vào bất động sản; một số dùng tiền cho vay lại hoặc để đè bẹp các đối thủ tư nhân.

Ở ngành viễn thông, mặc dù Trung Quốc hứa mở cửa thị trường khi gia nhập WTO, nhưng đến nay ngành này gần như 100% do SOE kiểm soát. Trong ngành hàng không, từ đầu những năm 2000, nhà nước bắt đầu mời gọi tư nhân đầu tư. Đến 2006, 8 hãng hàng không tư nhân đã gia tăng cạnh tranh với 3 SOE là Air China, China Southern và China Eastern.

Nhưng các hãng hàng không nhà nước bắt đầu “giở trò” với sự tiếp tay của những SOE độc quyền khác. Thí dụ, SOE cung cấp nhiên liệu bay đã từ chối cho các hãng tư nhân được hưởng các điều khoản ưu đãi như “tam đại gia”, hệ thống đặt chỗ vi tính hóa duy nhất cũng không chịu đặt chỗ cho các hãng tư nhân.

Và khi “tam đại gia” gặp khó khăn tài chính vì quản lý kém và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính quyền trung ương đã “bung ô dù” nâng đỡ bằng cách mua cổ phiếu: khoảng 11 tỷ USD cho China Eastern, 430 triệu USD cho China Southern và 220 triệu USD cho Air China.

Bên cạnh đó, lương tháng của một nhân viên trung bình trong các doanh nghiệp nhà nước độc quyền như viễn thông và tài nguyên có thể cao gấp 3 lần so với người làm cho tư nhân.

Chêch lệch thu nhập quá lớn đã dẫn tới sự mất cân bằng xã hội khi hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp tìm mọi cách chạy chỗ vào doanh nghiệp nhà nước độc quyền để được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế tốt hơn và thu nhập cũng ổn định hơn. Đó là chưa kể gần đây các SOE liên tiếp xảy ra bê bối tham nhũng, trốn thuế, hối lộ, lãnh đạo ăn chơi sa đọa… càng đốt nóng mối bất bình trong dân chúng.

Cậy thần cậy thế

Trong cơ cấu, các SOE có đủ ban giám đốc lẫn nghiệp đoàn với vai trò giám sát đội ngũ lãnh đạo nhưng thực tế những ban bệ này dường như chỉ có tác dụng trang trí và mọi quyền lực vẫn tập trung trong tay một nhóm chóp bu. Khi công tác kiểm tra, giám sát bị lơ là, những tệ nạn của SOE lại tái phát, đặc biệt là “văn hóa hối lộ”. Năm 2009, dư luận đã rúng động khi chính phủ thi hành án tử hình cựu Giám đốc Li Peiying của Công ty Vốn cảng hàng không (CAH) vì nhận hối lộ 26 triệu NDT và biển thủ 82,5 triệu NDT.

Cũng trong năm nay, cựu Chủ tịch Sinopec Chen Tonghai bị kết án tử hình vì nhận hối lộ hơn 195 triệu NDT. Điều khiến người dân giận dữ là Chen Tonghai từng tuyên bố rất vênh váo rằng: “Tôi tiêu 1 hoặc 2 triệu NDT 1 tháng có nhằm nhò gì so với 20 tỷ NDT tiền thuế Sinopec đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm”.

Trung Quốc cần siết chặt kỷ luật hơn nữa để chấn chỉnh lại các SOE.

Trung Quốc cần siết chặt kỷ luật hơn nữa để chấn chỉnh lại các SOE.

Thói xấu cậy thần cậy thế đã lan như dịch bệnh trong các quan chức SOE và đây chỉ mới là 2 vụ nổi bật trong vô số vụ bê bối của các SOE những năm gần đây. Giữa năm 2010, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội cho biết sẽ đưa ra các biện pháp áp trần tiền lương ở các doanh nghiệp nhà nước độc quyền.

Năm 2011, Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) đã công bố một số vi phạm và bất thường trong các bản báo cáo tài chính của 17 SOE lớn cho năm tài chính 2009. Đến tháng 3-2011, đã có 735 trường hợp bất thường được sửa chữa và 65 người chịu trách nhiệm đã bị trừng phạt.

Tháng 5-2011, Cơ quan Giám sát các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hứa sẽ hành động sao cho công tác quản lý các SOE minh bạch hơn. Ủy ban Hành chính và giám sát tài sản (SASAC) của Hội đồng nhà nước tuyên bố trên trang web rằng việc công bố kết quả kiểm toán sẽ giúp công chúng giám sát các SOE đồng thời giúp các SOE khắc phục khuyết điểm.

Ủy ban này cho biết các SOE đã có tiến bộ trong việc quản lý, kiểm soát rủi ro và trách nhiệm xã hội trong những năm qua nhưng vẫn còn tụt hậu khá xa so với các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu. Các SOE cần được cải tổ nhiều hơn nữa.

Thủ trưởng các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải là người đi đầu trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát “chi tiêu không hợp lý” và giảm chi phí quản lý để những nguồn quỹ và nguồn lực còn hạn chế có thể dùng đầu tư vào phát triển doanh nghiệp. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Trung Quốc cần chấn chỉnh, siết lại kỷ luật với các SOE để tránh nguy cơ khủng hoảng.

Các tin khác