SOE Trung Quốc - Càng cưng càng hư (kỳ 1)

Kỳ 1: Lợi dụng ưu đãi

Kỳ 1: Lợi dụng ưu đãi

Dù các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE) đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng phần lớn người ngoài vẫn thấy khó minh bạch cơ chế vận hành các SOE. Các tập đoàn nhà nước có khi được mô tả như những cỗ máy khổng lồ không ngừng ngốn các nguồn lực nhưng chỉ sản xuất ra giá trị kinh tế nhỏ nhoi. 

Từ những năm 1980, khi nền kinh tế dần dần theo hướng cơ chế thị trường, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách để cải thiện cơ chế vận hành cũng như môi trường hoạt động của các SOE.

Tài sản nhà nước bị rút tỉa

Trong những vấn đề Trung Quốc phải đối mặt khi chuyển sang kinh tế thị trường, không vấn đề nào gai góc bằng cải cách các SOE. Trong thời kinh tế tập trung, SOE từng có nhiệm vụ như những cơ quan sản xuất với đầu vào là nguyên vật liệu thô và đầu ra là các sản phẩm công nghiệp.

Sản xuất thứ gì và số lượng bao nhiêu đều không do công ty quyết định nhưng do những ủy ban kế hoạch của chính quyền trung ương và địa phương phân bổ. Trong cơ chế đó, các SOE về cơ bản chỉ là nơi sản xuất, chẳng có phòng marketing hay chức năng nghiên cứu và phát triển.

Một đặc điểm khác, SOE Trung Quốc được xem như một đơn vị xã hội, đảm bảo việc làm suốt đời cho nhân viên, cung cấp tất cả các dịch vụ xã hội cần thiết cho nhân viên và gia đình họ như nhà ở, y tế, chăm sóc trẻ em, thực phẩm…

Có thời điểm các SOE đã bao cấp “từ nôi tới mộ” cho hơn 112 triệu người lao động và gia đình họ. Chức năng “bao tất” này đã trở thành một gánh nặng khi các nhà hoạch định chính sách muốn chuyển SOE thành công ty hướng tới cạnh tranh trên thị trường.

Các SOE nắm những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế.

Các SOE nắm những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế.

Đầu những năm 1980, đã có những dấu hiệu cho thấy SOE khó có thể sống sót trong hệ thống kinh tế ngày càng thị trường hóa. Các nhà cải cách phải bắt tay vào việc tạo sức sống mới cho SOE. Trong đó, đáng chú ý là những nỗ lực xóa bỏ sự tập trung hóa.

Các SOE được phép sản xuất vượt kế hoạch và bán phần vượt mức ra thị trường và được giữ lại một phần lợi nhuận. Thêm vào đó, SOE được phép ăn chia lợi nhuận với nhà nước. Nói chung, SOE được tự do hơn trong việc đưa ra các quyết định về sản xuất, marketing, đầu tư và chia lợi nhuận.

Kết quả là sản lượng và tính hiệu quả được nâng lên. Sau đó, SOE được phép tham gia vào môi trường kinh doanh quốc tế và thành lập các liên doanh với công ty nước ngoài, đặc biệt là ở các thành phố ven biển đã được nhà nước xác định là thành phố mở cửa. Các nỗ lực thực nghiệm này được thể hiện bằng hệ thống hợp đồng.

Theo đó, giám đốc nhà máy ký hợp đồng với một cơ quan nhà nước, giám đốc có quyền điều hành nhà máy trong lúc nhà máy vẫn thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, cơ chế này tuy khá thành công trong việc thúc đẩy sản lượng và tính hiệu quả nhưng cũng làm phát sinh những vấn đề mới. Các giám đốc khi thương lượng hợp đồng với nhà nước luôn luôn cố gắng giấu giếm số liệu thực về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận sao cho bản thân hưởng lợi nhiều nhất.

Về phía công ty cũng muốn làm sao để có lợi. Kết quả là tài sản nhà nước bị rút tỉa. Công ty có tăng sản lượng và hiệu quả nhưng cũng gây nợ nần.

Cắt bỏ ung nhọt

Năm 1993, một kế hoạch cải cách mới được công bố khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là tổ chức lại các SOE thành những “doanh nghiệp hiện đại”, được xác định theo các tiêu chí “quyền sở hữu rõ ràng, quyền và nghĩa vụ minh bạch, tách biệt chính quyền với doanh nghiệp, quản lý khoa học”.

Tuy nhiên, chiến lược mới được thực hiện một cách chậm chạp do thiếu môi trường vĩ mô tương ứng. Thí dụ, hệ thống tài chính chưa chuyển đổi xong, hệ thống an sinh xã hội thiếu thốn nên không thể sa thải nhân viên để tái cấu trúc công ty.

Nói chung, đến giữa những năm 1990, người ta đã thấy được những vấn đề kinh tế chính trị nổi cộm mà cuộc cải cách SOE gây ra. Có thể kể đến tệ nạn tham nhũng của các nhà quản lý công ty và các quan chức nắm quyền giám sát, như trong lúc công ty nợ nần thì giám đốc lại giàu lên.

Quan chức cũng đòi hỏi tiền bạc từ công ty, phần để thực hiện các chương trình của chính quyền, phần để túi riêng. Hệ thống hợp đồng đã hình thành thái độ “ăn xổi” ở các giám đốc, trong nhiệm kỳ của mình, họ cố gắng vơ vét càng nhiều càng tốt, bất kể sự sống chết của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp càng lúc càng nợ ngân hàng nhiều hơn, trong khi ngân hàng do chính phủ kiểm soát và để duy trì hoạt động doanh nghiệp chính phủ thường ra lệnh các ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiếp, kể cả khi doanh nghiệp không thể trả được lãi.

Vấn đề của SOE có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, do những lý do chính trị - xã hội, chính phủ không thể đóng cửa SOE lỗ lã.

Thứ hai, quyền sở hữu không rõ ràng, trên lý thuyết SOE thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước thay mặt dân quản lý, nhưng trên thực tế, nhiều cấp cơ quan nhân danh nhà nước để can thiệp vào doanh nghiệp.

Thứ ba, thiếu cơ chế khuyến khích và kỷ luật để buộc các giám đốc phải làm việc vì lợi ích của doanh nghiệp, do giám đốc được bổ nhiệm theo yếu tố chính trị nên sự nghiệp của họ gắn với năng lực và lòng trung thành chính trị hơn là tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Đến cuối những năm 1990, Thủ tướng Chu Dung Cơ tuyên bố trong vòng 3 năm kể từ 1998, chính phủ sẽ khiến các SOE sinh lời. Một trong những chủ trương ngắn hạn quan trọng là chỉ giữ lại 2.000 SOE cần thiết nhất cho nền kinh tế quốc gia, số còn lại sẽ bị bán, sáp nhập, hoặc đóng cửa.

Để tránh xáo trộn lớn trong xã hội, nhà nước bắt đầu xây dựng hệ thống an sinh xã hội để giúp đỡ những người mất việc.

Tiếp đó, nhà nước đưa ra chiến lược dài hạn nhằm tạo ra môi trường mới cho các doanh nghiệp theo hướng kinh tế thị trường, tập trung các SOE vào một số ngành công nghiệp mang tính sống còn đối với nền kinh tế quốc gia, trong đó có sắt thép, năng lượng, giao thông, viễn thông, tài chính ngân hàng và quốc phòng, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp hiện thực hóa các tiêu chí đã nêu trong Luật Doanh nghiệp 1993. Những biện pháp nghiêm khắc tuy đau đớn nhưng đã có công hiệu giúp các SOE trở nên khỏe mạnh hơn.

-------------

Kỳ 2: Chứng nào tật nấy

Các tin khác