Siêu sao trốn thuế (K1): Mặt tối của bóng đá

(ĐTTCO) - Hơn 18,6 triệu tài liệu được trang web Football Leaks tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái đã hé lộ sự thật về những vụ trốn thuế của những cá nhân được coi là “người hùng thể thao”. Báo Der Spiegel và một số mạng lưới điều tra đã phân tích những tài liệu này và phơi bày cho công chúng.

(ĐTTCO) - Hơn 18,6 triệu tài liệu được trang web Football Leaks tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái đã hé lộ sự thật về những vụ trốn thuế của những cá nhân được coi là “người hùng thể thao”. Báo Der Spiegel và một số mạng lưới điều tra đã phân tích những tài liệu này và phơi bày cho công chúng.

Không chỉ đứng trên đỉnh của môn thể thao vua, Cristiano Ronaldo và “Người Đặc biệt” José Mourinho còn là những “phù thủy” trong lĩnh vực thuế. Cả 2 đều đã lập những công ty bình phong ở Caribbean để né thuế. Nhưng danh sách đen không chỉ có 2 người này.

Cầu thủ số 1

Ai cũng tin rằng Lionel Messi giỏi hơn Cristiano Ronaldo, vì đã đạt danh hiệu cầu thủ thế giới 5 lần, trong khi Ronaldo chỉ 3 lần; Messi ghi 50 bàn thắng trong 1 mùa, Ronaldo 48 bàn... Tuy nhiên, có một lĩnh vực Messi không giỏi bằng, đó là trốn thuế, bằng chứng là anh đã bị bắt. Mùa hè năm 2016, Messi phải ra hầu tòa ở Barcelona và bị phạt 21 tháng tù treo vì trốn thuế. Tòa án cũng buộc anh phải nộp phạt 2 triệu EUR vì đã cùng cha mình trốn 4,1 triệu EUR thuế.

Còn Ronaldo thì sao? Cuối năm 2014, anh đã bí mật đút túi 63,5 triệu EUR nhưng chẳng phải đóng 1 xu tiền thuế nào cho số đó. Điều thần kỳ là việc đó đã được hô biến thành hợp pháp. Để làm được điều đó, Ronaldo đã thành lập 2 công ty bình phong ở British Virgin Islands; một công ty bình phong phụ giữ hàng triệu EUR của anh trong nhiều năm; một tài khoản bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ; và một khai báo thuế không hề đề cập đến số tiền 63,5 triệu EUR và các công ty, tài khoản nước ngoài.

Ronaldo thường nói gì về mình? “Tôi là một chàng trai thông minh”, và “không quan trọng bạn chơi giỏi hay dở, mà quan trọng là chiến thắng”. Trong bóng đá, những lời đó có thể hiểu là cách chơi trên sân cỏ, nhưng với các cầu thủ trên đỉnh, nó cũng ám chỉ tài khoản ngân hàng của họ. Những ai không tìm thấy lỗ hổng để giảm tiền nộp thuế thuộc về những kẻ thất bại.

Ronaldo là thần tượng của 1,6 tỷ tín đồ bóng đá khắp thế giới. Anh đã cố tạo vẻ ngoài hoàn hảo, nhưng sự thật đang bị bóc trần. Tài liệu tiết lộ của Football Leaks tương đương 1,9 terabyte dung lượng thông tin về những chuyện hậu trường thể thao. Tổ chức Hợp tác điều tra châu Âu (EIC) và 60 nhà báo từ 12 cơ quan truyền thông khác nhau đang phân tích những tài liệu đáng tin cậy nhất.

Họ tiết lộ làm thế nào hàng triệu EUR Ronaldo kiếm được từ các thỏa thuận thương mại chảy vào một công ty bình phong ở Caribbean đến năm 2014. Anh ta hầu như không trả đồng thuế nào cho số tiền đó. Ngoài ra, cuối năm 2014 anh bán bản quyền hình ảnh thương mại từ 2015-2020 với giá 75 triệu EUR, trong đó có tới 63,5 triệu EUR bị anh “hô biến” để không phải khai báo thuế.

Messi, Ronaldo trốn thuế, theo Football Leak.

Messi, Ronaldo trốn thuế, theo Football Leak.

6 giờ 2 triệu USD

Vậy mỗi ngày của Cristiano Ronaldo giá bao nhiêu? Câu đó hơi khó trả lời, nhưng ước tính 6 tiếng 15 phút làm việc của anh có giá 1,9 triệu EUR, tức 4.691EUR/phút, như hợp đồng làm đại diện thương hiệu cho Toyota năm 2013. Toyota chịu tiền vé máy bay hạng nhất cho Ronaldo đến chỗ quay phim, nơi anh đứng trước ống quay trong 3 tiếng rưỡi, sau đó đi ăn và trở lại quay tiếp trong 3 tiếng 15 phút. Toyota sau đó có thể sử dụng các hình ảnh quay được trong 13 tháng, tại một số khu vực nhất định gồm Trung Đông, Algeria, Morocco và Afghanistan. Nếu muốn biến Ronaldo thành thương hiệu toàn cầu, tập đoàn xe hơi này phải trả nhiều tiền hơn nữa.

Nhưng điều này là không thể, vì Honda đã mua bản quyền thương hiệu hình ảnh của CR7 tại Trung Quốc trong cùng thời điểm. Hãng này cũng trả cho Ronaldo 2 triệu EUR để quay quảng cáo với anh trong 6 giờ, sử dụng trong 1 năm. Bóng đá mang tính toàn cầu, và nó cũng giúp Ronaldo trở thành một ngôi sao quảng cáo. Quảng cáo mang lại cho anh số tiền vượt xa mức lương cao nhất ở Real Madrid. Trong những năm gần đây, anh đã “bán mình” từ chân đến đầu: cho thương hiệu dầu gội Clear, cho hãng đồng hồ TAG Heuer, thương hiệu thời trang Armani, hãng đồ thể thao Nike.

Theo các hợp đồng được tiết lộ, hãng Herbalife trả hơn 16 triệu USD cho Ronaldo trong 5 năm; khoảng 2,25 triệu EUR đến từ Banco Espírito Santo cho 3 năm và 300.000EUR cho một lần xuất hiện trên truyền hình ở Rome; 1,1 triệu EUR đến từ hãng hàng không Emirates cho chưa đầy 1 năm quảng cáo và 15 vé hạng nhất từ Dubai đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Để ghi logo CR7 trên thắt lưng, hãng JBS phải “cống nạp” cho Ronaldo 13% doanh thu. Trong khi đó, Nike phải trả 5% doanh thu giày CR7 cho Ronaldo. Hãng này thu về 51 triệu EUR doanh thu từ thương hiệu CR7 trong giai đoạn tháng 9-2010 đến tháng 8-2011, tức phải trả 2,6 triệu EUR “phí thương hiệu” cho Ronaldo, chưa kể 1,6 triệu EUR/năm “lương cơ bản” cho cầu thủ này, cộng thêm tiền thưởng vì 1 năm thành công. Thí dụ, hãng trả thêm cho Ronaldo 250.000EUR khi ghi được nhiều bàn thắng nhất ở giải vô địch Tây Ban Nha.

Để đổi lại sự hào phóng này, Ronaldo cũng phải đáp ứng được những điều khoản Nike đưa ra. Nếu anh bị thương và không thể đá trong 90 ngày, Nike sẽ cắt 1/2 lương của anh trong thời gian đó. Điều tương tự cũng xảy ra nếu CR7 chỉ chơi từ 21-29 trận/năm trong màu áo CLB. Tuy nhiên, trong suốt 8 năm qua, Ronaldo chỉ bỏ lỡ 32 trận của Real do chấn thương. Vì thế các công ty quảng cáo vẫn trả tiền cho anh đều đặn. Vấn đề là, kiếm được nhiều tiền như thế nhưng có vẻ như CR7 đóng thuế rất ít. 

Danh sách dài

Các tài liệu cũng vạch mặt một siêu sao khác trong làng bóng đá là José Mourinho, nhà quản lý bóng đá nổi tiếng thế giới, từng đầu quân cho Porto, Chelsea, Inter Milan và Real Madrid. Ông tự gọi mình là “Người Đặc biệt” (The Special One). Và rõ ràng ông rất đặc biệt cả về quản lý bóng đá lẫn tiền bạc.  Ông không để tiền ở nhà mà để trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ thuộc về một công ty bình phong ở Caribbean và các quỹ ở New Zealand. Mới nhất, cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha yêu cầu Mourinho nộp 4,4 triệu EUR, bao gồm 3 triệu EUR tiền thuế chưa đóng và số tiền phạt 1,1 triệu EUR.

Ngoài ra, còn nhiều cầu thủ chuyên nghiệp khác cũng cố tìm cách trốn thuế. Chẳng hạn Pepe và Ricardo Carvalho, chơi cho đội tuyển Bồ Đào Nha - đội vô địch giải EURO năm ngoái; James Rodríguez, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất World Cup Brazil. Cả 3 cầu thủ này đều từng chơi cho Real Madrid, CLB giàu nhất thế giới, nơi không chỉ trả lương cầu thủ cực cao mà cũng nhiều điều tiếng về thuế má.

Những cầu thủ Real đang cố giỏi hơn các nhà soạn luật thuế Tây Ban Nha còn bao gồm một thành viên đội tuyển Đức đã vô địch World Cup: Mesut Özil, người hiện đang chơi cho FC Arsenal ở London. Anh không chuyển tiền sang các thiên đường thuế, nhưng đã tìm cách trốn thuế ngay tại Tây Ban Nha. Và sau khi các tài liệu của Football Leaks tiết lộ, anh đã nhận được giấy đòi 2 triệu EUR tiền thuế cộng thêm 790.000EUR tiền phạt.

Bóng đá chuyên nghiệp ngày nay là một ngành công nghiệp trình diễn, và là show diễn lớn nhất hành tinh. Thước đo các cầu thủ ngôi sao chính là tiền bạc: giá chuyển nhượng, lương và doanh thu quảng cáo. Ronaldo kiếm 38.181.818EUR/năm tại Real và giá chuyển nhượng của anh là 1 tỷ EUR.

Football Leaks nay đang phơi bày mặt tối của những câu chuyện thành công này: Những ngôi sao này muốn trả lại cho xã hội càng ít càng tốt. Để đạt được, họ và các thầy dùi của mình đã đi dây trên luật thuế. Những người không chơi trò này vì vẫn còn trách nhiệm với xã hội lại bị xem là “quá yếu để thành công”.

(Còn tiếp)

Các tin khác