Samsung-Nền kinh tế thứ 35 (kỳ 2): Tranh cường cùng Sony

Vào khoảng năm 2004-2005, Samsung đã vượt qua Sony trong danh sách những thương hiệu điện tử tiêu dùng được ưa chuộng nhất. Công bằng mà nói, chưa chắc công nghệ của Samsung đã hơn được Sony. Vậy điều gì đã diễn ra?

Vào khoảng năm 2004-2005, Samsung đã vượt qua Sony trong danh sách những thương hiệu điện tử tiêu dùng được ưa chuộng nhất. Công bằng mà nói, chưa chắc công nghệ của Samsung đã hơn được Sony. Vậy điều gì đã diễn ra?

Vượt đỉnh cao Sony

Samsung Electronics mua hết phần hùn của Sony trong liên doanh sản xuất màn hình tinh thể lỏng S-LCD với giá gần 940 triệu USD.

Samsung Electronics mua hết phần hùn
của Sony trong liên doanh sản xuất màn hình
tinh thể lỏng S-LCD với giá gần 940 triệu USD.

Hai nhà sáng lập Sony Masaru Ibuka và Akio Morita đều có gốc gác dân kỹ thuật, rất giỏi phát minh, sáng chế, đã hình thành niềm tự hào “Made in Japan”. Sony đã tiếp tục một nền tảng văn hóa doanh nghiệp coi trọng sứ mạng tiên phong công nghệ, tạo nên những sản phẩm mang tính cách mạng như máy nghe nhạc cá nhân Walkman, TV Trinitron, máy ghi hình HandyCam, máy trò chơi PlayStation, công nghệ Blu-ray… 

Những sản phẩm họ tạo ra được coi như đỉnh cao công nghệ và bán với giá cũng “đẳng cấp” tương ứng. Có thể nói quy trình của Sony là đột phá công nghệ và bán sản phẩm cao cấp để kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Về phần Samsung, sau lần suýt chết vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 90, công ty đã lột xác, thực hiện nhiều biện pháp, từ việc thắt chặt quan hệ hơn nữa với các đối tác cho tới nghiên cứu thị trường hiệu quả hơn. Bằng cách đó, Samsung đã trở thành một trong những đấu thủ linh lợi nhất trên thị trường công nghệ.

Samsung không dính chặt vào tham vọng bá chủ công nghệ như Sony, họ làm một quy trình ngược với Sony theo hướng chiều lòng người tiêu dùng. Samsung thường xuyên biệt phái các chuyên viên thiết kế và kỹ sư đến các phòng thí nghiệm ở New Jersey, Seoul… để phân tích mong muốn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mới.

Nhờ vậy, họ nắm bắt được xu hướng dùng sản phẩm công nghệ làm vật trang trí. Do đó, vẻ ngoài của các sản phẩm Samsung được ưu tiên thiết kế sao cho mướt mắt, sang trọng và hoành tráng nhất. Từ việc nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng, Samsung đã trở thành 1 trong những nhà tiên phong tích hợp máy ảnh kỹ thuật số và máy chơi nhạc vào điện thoại di động, tạo nên cú hích trên thị trường.

Tương tự, những chiếc tivi Samsung dù bị giới chuyên gia công nghệ chê không bằng Sony khi dùng tiểu xảo cho màu sắc sặc sỡ để đánh lừa mắt người xem về độ sống động của tivi, thỏa mãn được nhu cầu thị giác và cả nhu cầu trang trí nội thất của người tiêu dùng.

Những nhà quản lý cấp cao của Samsung cũng áp dụng kỷ luật sắt nhằm đảm bảo các bộ phận làm việc ăn khớp đạt tới mục tiêu sản phẩm mới, tránh “chủ nghĩa cục bộ, tự trói tay mình” mà Sony đã vấp phải.

Hai mảng quan trọng của Sony là kinh doanh phim, nhạc và kinh doanh thiết bị điện tử thường xuyên đụng độ nhau, mà vụ việc “ê mặt” nhất là mảng phim, nhạc vì sợ bị sao chép bất hợp pháp nên đã cản không cho mảng điện tử sản xuất máy chơi nhạc số. Hậu quả nhãn tiền: iPod chôn vùi Walkman.

Thêm một điểm khác biệt quan trọng nữa là Sony có truyền thống tự đề cao sản phẩm của mình, theo kiểu chỉ có hàng của Sony mới tương tích được với nhau. Thí dụ, máy chụp hình Sony phải sử dụng thẻ nhớ riêng của Sony, máy chơi game PlayStation phải dùng đĩa của Sony.

“Độc đáo” dẫn tới giá cao, đồng thời phong tỏa sự lựa chọn của người tiêu dùng. Trong lúc đó, Samsung không ngại học hỏi những người khổng lồ công nghiệp khác. Tháng 2-2005, Giám đốc bộ phận chip Hwang Chang Gyu đã đến diện kiến Steven Jobs để nài nỉ ông chủ Apple sử dụng flash chip Samsung trong các máy chơi nhạc của Apple.

Lúc đầu Jobs tỏ ý lạnh nhạt không quan tâm nhưng Hwang vẫn nhẫn nại theo đuổi, rốt cuộc Jobs đã nhìn thấy tiềm năng. Thế là iPod nano ra đời và Samsung giành được mối đặt hàng lớn cho các flash chip.

Những chiến lược lúc cương lúc nhu đã mang lại thành công vượt bậc cho Samsung, giúp hãng vượt qua Sony trong danh sách những thương hiệu điện tử tiêu dùng được ưa chuộng nhất và soán ngôi Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Khắc sâu tên tuổi Samsung

Năm 2010, Samsung đề ra chiến lược tăng trưởng 10 năm, tập trung vào 5 ngành kinh doanh chính, trong đó ngành sinh dược được Samsung dự trù đầu tư 2.100 tỷ won (1,84 tỷ USD). Có thể thấy Samsung đã từng bước xây dựng nền tảng để bung mạnh trong lĩnh vực y tế.

Từ năm 1994, Samsung đã thành lập và đều đặn quyên tặng khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho Trung tâm y tế Samsung - một tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận. Trung tâm này liên kết chặt chẽ với mạng lưới các bệnh viện như Samsung Seoul, Kangbook Samsung, Samsung Changwon và Trung tâm ung thư Samsung, Trung tâm nghiên cứu khoa học nhân thọ Samsung.

Trung tâm y tế Samsung đã tìm cách bắt tay với  đại gia ngành dược Pfizer để hợp tác nghiên cứu xác định cơ chế gien gây ra các triệu chứng lâm sàng trong bệnh ung thư gan. Bên cạnh đó, Samsung tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp nặng và hóa chất, hoặc trực tiếp làm hoặc góp vốn cổ đông với những công ty có ưu thế trong các ngành đóng tàu, xe hơi, dầu mỏ, phong điện, hàng không và chứng khoán, bảo hiểm.

Tính đến tháng 4-2011, đại gia đình Samsung Group bao gồm 19 công ty niêm yết và 59 công ty chưa niêm yết.

Trong chiến dịch giành quyền tổ chức Thế vận hội, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã ráo riết vận động hành lang và người ta cho rằng tác động của át chủ bài Lee Kun-hee đã giúp đảm bảo mang chiến thắng về cho Hàn Quốc. Tháng 7-2011, Pyeongchang được công bố là nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông 2018.

Về phần Samsung, tập đoàn sẽ được ưu tiên hàng đầu trong đấu thầu các dự án xây dựng phục vụ Thế vận hội. Trong ngắn hạn, Samsung hy vọng vai trò đối tác của họ tại Olympics London 2012 sẽ là “thời cơ vàng” để đánh bóng tên tuổi, khắc sâu hơn nữa cái tên Samsung vào tâm trí người tiêu dùng.

Các tin khác