Samsung-Nền kinh tế thứ 35 (kỳ 1): Niềm tự hào Hàn Quốc

Doanh thu Tập đoàn Samsung trong năm tài chính 2010 đạt 258 tỷ USD, lợi nhuận 27,6 tỷ USD. Đó là chưa tính đến doanh thu của các chi nhánh nước ngoài. Với doanh thu “khủng” cao hơn GDP của nhiều quốc gia, từ năm 2006 người ta đã “xếp” Samsung Group là nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới.

Doanh thu Tập đoàn Samsung trong năm tài chính 2010 đạt 258 tỷ USD, lợi nhuận 27,6 tỷ USD. Đó là chưa tính đến doanh thu của các chi nhánh nước ngoài. Với doanh thu “khủng” cao hơn GDP của nhiều quốc gia, từ năm 2006 người ta đã “xếp” Samsung Group là nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới.

 Samsung xứng đáng là biểu tượng cho sức mạnh hóa rồng của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi chỉ mất 10 năm để trở thành nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới và vượt qua đại gia Apple năm 2011, trở thành hãng sản xuất smartphone hàng đầu địa cầu.

Từ nhà buôn tạp hóa

Samsung Group - tập đoàn đa quốc gia đặt tổng hành dinh tại Samsung Town, Seoul - là chaebol lớn nhất và quan trọng nhất trong nền kinh tế Hàn Quốc, bao gồm nhiều công ty con và các mảng kinh doanh khác nhau, nổi bật là Samsung Electronics, Samsung Heavy Industries, Samsung Engineering, Samsung C&T, Samsung Life Insurance, Samsung Everland, và Cheil Worldwide.

Samsung sản xuất khoảng 1/5 tổng xuất khẩu của Hàn Quốc và doanh thu tập đoàn này còn lớn hơn GDP của nhiều nước. Do đó, Samsung có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực chính trị, truyền thông và văn hóa của Hàn Quốc, là động lực chính phía sau hiện tượng “Sự thần kỳ trên sông Hàn”.

Người sáng lập Samsung tiết lộ ý nghĩa cái tên Samsung là đọc theo âm Hàn của Hán tự Tam Tinh - Ba ngôi sao, thể hiện mong muốn thống nhất trường tồn của một công ty to lớn, đông đảo và mạnh mẽ. Ba ngôi sao xuất hiện trên logo công ty và các sản phẩm Samsung dần trở nên quen thuộc với mọi người.

Khó tưởng tượng đại gia công nghệ Samsung ngày nay lại khởi nguồn từ một nhà buôn tạp hóa và làm mì sợi. Vào năm 1938, thiếu gia Lee Byung-chull của một gia đình đại địa chủ vùng Uiryeong đã đến thành phố Daegu lân cận để khởi nghiệp kinh doanh. Lee Byung-chull thành lập Samsung Sanghoe, một công ty giao dịch nhỏ với 40 nhân viên chuyên mua bán các loại tạp hóa sản xuất ở địa phương và làm mì sợi.

Công ty ăn nên làm ra và Lee quyết định chuyển trụ sở lên Seoul vào năm 1947. Chẳng bao lâu sau, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Lee buộc phải rời Seoul nhưng ông không từ bỏ sự nghiệp. Ông rút về Busan mở một nhà máy tinh luyện đường lấy tên Cheil Jedang.

Chiến tranh kết thúc, Lee thành lập Cheil Mojik và xây dựng xưởng ở Daegu, đây là nhà máy len lớn nhất Hàn Quốc tính đến thời điểm 1954. Lee dự trù kế hoạch phát triển Samsung thành một đại công ty, nhắm mục tiêu đưa Samsung lên ngôi dẫn đầu nền công nghiệp bằng một hệ thống nhà máy bao trùm nhiều lĩnh vực, đồng thời đa dạng hóa kinh doanh sang những ngành nghề khác như bảo hiểm, chứng khoán và bán lẻ.

Đến ông trùm công nghiệp

Với tầm nhìn xa trông rộng, Lee đặc biệt chú trọng đến công nghiệp hóa và tập trung chiến lược phát triển kinh tế vào một nhóm các công ty nội địa lớn, hỗ trợ về tài chính và bảo hộ chống cạnh tranh. Vào cuối những năm 1960, Samsung lấn sang ngành công nghiệp điện tử và thành lập một số bộ phận như Samsung Electronics Devices (thiết bị điện tử), Samsung Electro-Mechanics (điện máy), Samsung Semiconductor & Telecommunications (bán dẫn và viễn thông).

Người ta đồn rằng Lee đã trở thành một ông trùm đầy quyền lực, có thể hô phong hoán vũ trên thương trường và chính ông đã ngăn cản một số công ty nước ngoài bán hàng điện tử tiêu dùng tại Hàn Quốc hòng bảo vệ Samsung khỏi cạnh tranh với nước ngoài.

Tổng hành dinh Samsung tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Tổng hành dinh Samsung tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Năm 1980, Samsung thâu tóm Hanguk Jeonja Tongsin và bước vào ngành công nghiệp phần cứng viễn thông, sau đó phát triển thành hệ thống sản xuất máy fax và điện thoại, là điểm xuất phát cốt lõi của thế mạnh điện thoại di động Samsung, ước tính đã sản xuất được gần 1 tỷ chiếc điện thoại di động bán khắp toàn cầu.

Samsung nhóm các bộ phận này vào bộ máy của công ty Samsung Electronics. Trong những năm 1980, Samsung Electronics bắt đầu dòng thác đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Các khoản đầu tư này là mấu chốt sức mạnh của Samsung, đẩy công ty lên hàng đầu trên đấu trường công nghiệp điện tử thế giới.

Khi đã thống trị thị trường nội địa, Samsung tiến tới tham vọng toàn cầu hóa, đổ dòng vốn tư bản dồi dào vào các thị trường trọng yếu Hoa Kỳ và châu Âu, gia tăng sự hiện diện: năm 1982, mở nhà máy lắp ráp tivi ở Bồ Đào Nha, tiếp đó là các nhà máy ở New York, Tokyo, Anh, Austin. Riêng tại Austin, Samsung đã đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD, là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất ở bang Texas và cũng là một trong những nguồn FDI lớn nhất ở Hoa Kỳ.

Sau khi Lee Byung-chull qua đời năm 1987, Samsung tách làm 4 công ty Samsung Group, Shinsegae Group (cửa hàng bách hóa), CJ Group (hóa - thực phẩm, giải trí, hậu cần) và Hansol Group (giấy, viễn thông) do các con của ông Lee quản lý và hoạt động độc lập với nhau.

Phần cốt yếu Samsung Group giao cho Lee Kun-hee, người con trai thứ được xem có khả năng lãnh đạo nổi trội nhất. Quả thật, Lee Kun-hee chứng tỏ có thể kế thừa và phát triển tầm vóc quốc tế của tập đoàn cha mình đã dày công gây dựng. Lee Kun-hee đưa ra một quyết định dũng cảm: bán bớt 10 chi nhánh, tinh gọn Samsung Group, sáp nhập các hoạt động khác để tập trung vào 3 mũi nhọn chính gồm điện tử, công trình xây dựng và hóa chất.

Rất nhanh chóng, Samsung đã có những bước tiến mạnh như vũ bão trong ngành công nghệ, trở thành một địch thủ đáng gờm trên đấu trường với các ông lớn như Intel, Sony, Apple…

Năm 1992, Samsung vươn lên thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới. Năm 1995, Samsung chế tạo màn hình LCD đầu tiên của mình và chỉ 10 năm sau đã chiếm vị trí số một trong ngành sản xuất màn hình tinh thể lỏng. Năm 2004 và 2005, Samsung Electronics vượt mặt đại gia Nhật Bản Sony trong bảng xếp hạng những thương hiệu điện tử tiêu dùng được ưa chuộng nhất.

Đến quý III-2011, Samsung soán ngôi nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới của đại gia Hoa Kỳ Apple. Samsung xứng đáng là biểu tượng cho sức mạnh hóa rồng của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

-----------

Kỳ 2: Tranh cường cùng Sony

Các tin khác