Rửa tiền thời toàn cầu hóa (P1): Cơ cấu rửa tiền

Rửa tiền vốn là hoạt động ưa thích của bọn tội phạm, cơn đau đầu của nhà chức trách. Ngày nay, cùng với sự trỗi dậy của các thị trường tài chính toàn cầu, hoạt động rửa tiền trở nên dễ dàng bao giờ hết.

Rửa tiền vốn là hoạt động ưa thích của bọn tội phạm, cơn đau đầu của nhà chức trách. Ngày nay, cùng với sự trỗi dậy của các thị trường tài chính toàn cầu, hoạt động rửa tiền trở nên dễ dàng bao giờ hết.

Rửa tiền xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới, liên quan đến việc chuyển tiền thông qua một số nước để che giấu nguồn gốc của nó. Các quốc gia có luật bí mật ngân hàng được trực tiếp kết nối với các quốc gia có luật minh bạch ngân hàng, nên tội phạm có thể gửi tiền "bẩn" ẩn danh tại một nước, sau đó chuyển tiền tới bất kỳ nước nào khác để sử dụng.

3 bước rửa tiền

Trong thực tế, bọn tội phạm cố gắng che giấu nguồn gốc thu nhập đến từ các hoạt động bất hợp pháp bằng cách tẩy rửa sao cho có vẻ như tiền thu được từ nguồn hợp pháp. Nếu không, chúng không thể sử dụng vì tiền sẽ tố cáo hoạt động tội phạm và các quan chức thực thi pháp luật sẽ truy bắt.

Xuất thân phổ biến nhất của bọn tội phạm rửa tiền là buôn lậu ma túy, tham ô, tham nhũng, ăn cướp, khủng bố. Đặc biệt, bọn buôn lậu ma túy rất cần hệ thống rửa tiền tốt bởi vì chúng thường xuyên phải giao dịch tiền mặt, nhưng tiền mặt không chỉ thu hút sự chú ý mà còn cồng kềnh và thực sự nặng.

Thí dụ lượng cocaine trị giá 1 triệu USD trên chợ đen nặng khoảng 44 pound (20kg) trong khi một chỗ cất giấu 1 triệu USD tiền mặt nặng khoảng 256 pounds (116kg).

Rửa tiền - hoạt động ưa thích của bọn tội phạm.

Rửa tiền - hoạt động ưa thích của bọn tội phạm.

Quá trình rửa tiền cơ bản có 3 bước. Bước 1, chạy chỗ:  kẻ rửa tiền chèn tiền bẩn vào một tổ chức tài chính hợp pháp, thường là dưới hình thức tiền mặt gửi ngân hàng. Đây là bước nguy hiểm nhất của quá trình rửa tiền bởi vì một lượng lớn tiền mặt dễ gây nghi ngờ và các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo các giao dịch có giá trị cao.

Bước 2, phân tán: gửi tiền thông qua các giao dịch tài chính khác nhau nhằm thay đổi hình thức và làm cho người ta khó theo dõi.

Chuyển giao giữa các ngân hàng, giữa các tài khoản khác nhau mang các tên khác nhau ở các quốc gia khác nhau, liên tục gửi và rút để thay đổi số tiền trong các tài khoản, thay đổi chủng loại tiền tệ, và mua sắm những thứ có giá trị cao như tàu thuyền, nhà cửa, xe hơi, kim cương, tranh tượng… để biến hóa hình thức tiền. Đây là bước phức tạp nhất trong bất kỳ âm mưu rửa tiền nào, với mục tiêu làm sao cho tiền bẩn càng khó theo dõi càng tốt.

Bước 3, hội nhập: tiền vào lại nền kinh tế trong hình thức hợp pháp, có thể là chuyển tiền vào tài khoản một doanh nghiệp địa phương dưới danh nghĩa "đầu tư" đổi lấy lợi nhuận, bán du thuyền, kim cương... hoặc lập những đơn hàng hàng triệu USD mua những thứ hàng “vớ vẩn” từ công ty thuộc sở hữu của chính kẻ rửa tiền.

Đến được bước này, kẻ rửa tiền xem như đã thành công vì nhà chức trách rất khó bắt chúng nếu như không đủ chứng cứ thu được từ những bước trước đó.

Quy trình chuẩn

Quy trình rửa tiền phức tạp nhưng rất cần thiết với toàn bộ ý tưởng là làm cho nhà chức trách không thể theo dõi tiền dơ bẩn trong khi nó được làm sạch. Những người có rất nhiều tiền bẩn thường chi đậm để thuê các chuyên gia tài chính xử lý các quá trình rửa tiền.

Năm 1996, nhà kinh tế học Franklin Jurado xuất thân từ trường Harvard danh giá đã đi tới… nhà tù vì rửa tiền 36 triệu USD cho trùm ma túy Colombia Jose Santacruz-Londono trong những năm cuối thập niên 80 và đầu 90 của thế kỷ trước. Jurado đã thảo ra một chương trình rất phức tạp để rửa tiền nhưng tóm lược đơn giản vẫn là quy trình 3 bước.

Tổng cộng, Jurado đã rửa 36 triệu USD tiền ma túy thông qua các tổ chức tài chính hợp pháp. Jurado đã thực hiện kế hoạch rửa tiền rất kín kẽ nhưng thiên bất dung gian. Một ngân hàng ở Monaco sụp đổ và cuộc kiểm toán sau đó phát hiện rất nhiều tài khoản tiết lộ hành tung Jurado.

Đồng thời, người hàng xóm của Jurado tại Luxembourg đã gởi đơn khiếu nại tiếng ồn gây ra bởi Jurado chạy máy đếm tiền xoành xoạch cả đêm. Chính quyền Luxembourg điều tra và phát hiện rửa tiền. Khi ông ta hết hạn chịu phạt tại Luxembourg, đến lượt tòa án Hoa Kỳ phán quyết ông có tội và phạt tù 7 năm rưỡi.

Một vụ rửa tiền khác xảy ra trong giới cổ cồn trắng. Trong những năm 1980, Eddie Antar, chủ công ty Crazy Eddie’s Electronics, dự định giấu hàng triệu USD để trốn thuế. Đó là kế hoạch ban đầu nhưng sau đó ông ta và các đồng phạm nảy ra ý nghĩ có thể sử dụng tốt hơn số tiền đó nếu họ gửi ngược về cho công ty dưới dạng doanh thu.

Điều này sẽ thổi phồng tài sản của công ty báo cáo để chuẩn bị cho IPO. Antar thực hiện một loạt các chuyến đi đến Israel, với hàng triệu đô la quấn vào cơ thể và giấu trong hành lý. 3 bước cơ bản được tiến hành như sau:

Chạy chỗ: Antar gởi một loạt các khoản tiền gửi riêng biệt vào một ngân hàng ở Israel. Trong một chuyến đi, ông ta mở 12 tài khoản tiền gửi trong một ngày duy nhất.

Phân tán: Trước khi nhà chức trách Hoa Kỳ hoặc Israel có cơ hội nhận thấy sự bất thường, Antar đã yêu cầu ngân hàng Israel chuyển tất cả sang ngân hàng Panama - nơi có luật bí mật ngân hàng. Từ đó, Antar có thể chuyển khoản vô danh tới các tài khoản khác nhau ở nước ngoài.

Hội nhập: Antar sau đó từ từ gom tiền về tài khoản hợp pháp của công ty, lúc này, tiền bẩn đã trộn lẫn với tiền hợp pháp và được báo cáo như doanh thu của công ty.

Eddie đã rửa hơn 8 triệu USD. Âm mưu này đã kích giá chào bán cổ phiếu ban đầu và đẩy thị giá công ty tăng thêm 40 triệu USD. Antar bán cổ phiếu của mình và bỏ trốn cùng với 30 triệu USD lợi nhuận. Các nhà chức trách tìm thấy ông ta ở Israel vào năm 1992 và dẫn độ ông về Hoa Kỳ để xét xử. Antar bị phạt tù 8 năm.

-------------

Kỳ 2: Bí mật chiêu thức rửa tiền

Các tin khác