Quyền lực UAV: Kỳ 2: Tứ cường

(ĐTTCO) - Ngoài vị trí siêu cường thuộc về quốc gia vượt trội là Hoa Kỳ, còn 4 quốc gia khác được National Interest xếp vào top 5 thế lực UAV với những phiên bản UAV riêng không kém phần đáng sợ. 4 quốc gia này được gọi với tên chung là “tứ cường UAV”.

(ĐTTCO) - Ngoài vị trí siêu cường thuộc về quốc gia vượt trội là Hoa Kỳ, còn 4 quốc gia khác được National Interest xếp vào top 5 thế lực UAV với những phiên bản UAV riêng không kém phần đáng sợ. 4 quốc gia này được gọi với tên chung là “tứ cường UAV”.

Israel

Cũng như Hoa Kỳ, Israel rất quen thuộc với việc sử dụng UAV trong hàng thập niên qua cho các nhiệm vụ trinh sát và gần đây là trinh sát và tấn công. Bản thân UAV “Kẻ săn mồi” Predator cũng do một người gốc Israel thiết kế. Israel đã dùng UAV để theo dõi tình hình ở Gaza, Bờ Tây và Nam Lebanon, cũng như một phần Syria gần cao nguyên Golan. Đặc biệt với đất nước bị ám ảnh nhiều bởi tù nhân chiến tranh như Israel, UAV cũng đảm nhận nhiệm vụ không kích, hoạt động ở Ai Cập và các khu vực chiếm đóng. Không chỉ vậy, Israel còn là nhà xuất khẩu công nghệ UAV lớn, gửi các đội hỗ trợ và huấn luyện UAV đến nhiều nước trên thế giới.

Israel có tới 5 dòng UAV tấn công chính, trong đó có 2 dòng được biết đến rộng rãi, gồm IAI Eitan và Elbit Hermes 900. Trong 2 dòng này, IAI Eitan, còn gọi Heron TP, được xếp vào hàng thứ 3 trong top 5 dòng UAV tấn công đáng sợ nhất thế giới. Eitan là loại máy bay lớn, có thể mang theo nhiều đầu đạn trên chuyến bay dài. Độ cao tối đa của máy bay rất lớn (13.700m), thời gian hoạt động dài (khoảng 17 giờ) và có thể mang theo nhiều loại vũ khí.

Hiện Israel đặt rất nhiều niềm tin vào Eitan. Nó có thể thực hiện do thám, theo dõi, không kích và nhiều nhiệm vụ khác. Một số nhà quan sát tin rằng Eitan còn có thể dùng trong hoạt động phòng chống tên lửa đối phương hoặc tiếp nhiên liệu trên không. Mặc dù Eitan không phù hợp cho việc không chiến, các máy bay khác có thể mở đường cho chúng bằng cách gây nhiễu loạn hệ thống phòng không của đối phương. Theo vài nguồn tin, năm 2009 một chiếc máy bay loại này đã tiến hành cuộc không kích tại Sudan.

Trung Quốc

Trung Quốc gần đây bắt đầu đầu tư mạnh vào UAV. Nước này đã tạo điều kiện để “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực sản xuất và phát triển UAV, với sự tham gia của các đại công ty quốc phòng của nhà nước, cho đến những doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Điều này giúp Bắc Kinh có được nhiều lựa chọn, với những UAV có khả năng thực hiện nhiều tác vụ khác nhau trong hoạt động quân sự, bao gồm cả các chiến dịch phản gián. Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển những UAV cho hệ thống A2/AD của họ.

Hiện Trung Quốc có 4 dòng UAV, gồm Guizhou WZ-2000, Chengdu Wing Loong I, CH-3 và CH-4. Trong đó, UAV Wing Loong (Dực Long) được biết đến nhiều nhất. Theo trang Wikipedia, Wing Loong có thể mang các loại tên lửa không đối đất như BA-7, bom điều khiển bằng laze YZ-212, bom YZ-102A, bom dẫn đường LS-6… Riêng Wing Loong có tới 5 phiên bản, gồm Pterosaur I - phiên bản đầu tiên, bay thử vào năm 2007. Phiên bản này không có ăng ten vệ tinh, nên đến nay hầu như không còn hữu dụng. Pterodactyl I là phiên bản thứ 2, đã được trang bị ăng ten vệ tinh. Loại UAV này hiện đã được Trung Quốc bán cho nhiều nước với giá khoảng 1 triệu USD/chiếc. Sky Saker - phiên bản chuyên dành cho xuất khẩu, là UAV chủ yếu dùng cho nhiệm vụ trinh sát. Dòng thứ 4 là WJ-1, phiên bản tấn công mặt đất đầu tiên của Wing Loong, ra mắt công chúng vào tháng 11-2014. Phiên bản thứ 5 là GJ-1 - một phiên bản vừa có thể tấn công mặt đất, vừa có thể trinh sát. Ngoài ra, hiện Trung Quốc đã cho ra phiên bản nâng cấp của Pterodactyl I, tức Pterodactyl II. Phiên bản này giống UAV Predator của Hoa Kỳ.

Iran

Trong lĩnh vực UAV, Iran dường như có tiến bộ vượt trội so với đánh giá về mặt bằng công nghệ của họ. Mặc dù đã phải vật lộn với việc đưa ra các hệ thống cần thiết để triển khai một UAV tấn công chiến thuật, song Iran đã có thành tựu tốt với động cơ và khung máy bay chi phí thấp nhưng độ tin cậy cao. Iran đã sử dụng UAV rộng rãi ở Syria và Iraq, cung cấp cho các chính phủ Iraq và Syria những dữ liệu trinh sát và xác định mục tiêu cho các cuộc không kích có người lái. Nhìn chung, Iran có kinh nghiệm với UAV hơn bất kỳ nước nào khác ngoài Israel hay Hoa Kỳ.

Iran có 3 dòng UAV chính được biết đến, gồm Karrar, Shahed 129 và Fotros. Trong đó, dòng Karrar chuyên về tấn công, dòng Shahed và Fotros kiêm cả trinh sát và tấn công. Dòng Karra được cho có thể ném bom mục tiêu với tốc độ cao, là UAV tầm xa đầu tiên của Iran. Theo truyền hình Iran, dòng UAV này có tầm bay 1.000km, mang được 115kg bom. Karrar có chiều dài 4m và hoạt động bằng một động cơ tua bin phản lực, tốc độ tới đa 900km/giờ. Nó dùng tên lửa đẩy để cất cánh và hạ cánh bằng dù. Iran cũng đã thành công trong việc xuất khẩu máy bay do thám, thậm chí đã thử nghiệm UAV tự sát (gần giống tên lửa hành trình).

UAV phiên bản Pterodactyl II của Trung Quốc.

UAV phiên bản Pterodactyl II của Trung Quốc.

Nga

Thời hoàng kim của UAV diễn ra không đúng thời điểm đối với Nga. Trong những năm 1990 và 2000, Nga chứng kiến một nền công nghệ quân sự phức tạp không hiệu quả, không sáng tạo. Việc phát triển UAV lúc đầu dường như không được Nga quan tâm. Nhưng gần đây, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga đã thay đổi và có thể sản xuất ra một số khung máy bay thú vị. Nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến tranh, trong 15 năm qua Nga đã phát triển một số học thuyết quân sự khá bài bản, trong đó đánh giá cao vai trò của UAV. Không có dấu hiệu cho thấy Nga đã sử dụng UAV tấn công ở Ukraine, nhưng gần như chắc chắn các lực lượng Nga đã sử dụng UAV để xác định và theo dõi lực lượng Ukraine, cung cấp dữ liệu cho quân ly khai. Nga cũng đã khám phá những tiềm năng của UAV ở Bắc Cực. UAV giám sát tầm xa chắc chắn có thể cải thiện khả năng của Nga trong việc quản lý và giám sát các khu vực rộng lớn phía Bắc.

Theo báo Nga, quân đội và các lực lượng an ninh Nga hiện có khoảng 800 UAV, tất cả đều được cho không vũ trang và chủ yếu sử dụng cho mục đích tình báo và trinh sát. Tuy nhiên theo IHS Jane's, Nga đã phát triển một loại UAV vũ trang là Mikoyan Skat (còn gọi MIG Skat) từ năm 2005. Loại này có thể mang nhiều tên lửa radar hoặc tên lửa chống hạm, bom dẫn đường hay bom thường. Theo Wikipedia, Skat là UAV có tốc độ siêu thanh với khả năng mang các tên lửa như Kh-31. SKAT mang 1 động cơ phản lực Klimov RD-5000B, 1 phiên bản động cơ RD-93.

Iran và Nga có thể khó trụ vững ở vị trí tứ cường. Iran còn thiếu nền tảng công nghệ và sáng tạo, trong khi Nga đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Thay vào đó một số nước có khả năng nổi lên thay thế là Ấn Độ và Brazil hoặc một số nước EU.

Các tin khác