Phố Wall tham tàn (kỳ 2): Không chỉ Goldman

Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu (GR) có trụ sở ở Canada, nếu phong trào chiếm Phố Wall phải chọn ra những ngân hàng lớn và tham tàn nhất để tập trung sự phản đối, đó hẳn là 5 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ: Bank of America (BoA), JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và Goldman Sachs.

Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu (GR) có trụ sở ở Canada, nếu phong trào chiếm Phố Wall phải chọn ra những ngân hàng lớn và tham tàn nhất để tập trung sự phản đối, đó hẳn là 5 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ: Bank of America (BoA), JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và Goldman Sachs. 

> Phố Wall tham tàn (kỳ 1): Cuộc ra đi ầm ĩ

Những đại gia “ăn bẩn”

Tháng 7-2011, JPMorgan Chase & Co. nộp phạt 211 triệu USD để điều đình cáo buộc lừa gạt của các chính quyền địa phương ở 31 tiểu bang Hoa Kỳ. Cùng năm, JPMorgan chi 722 triệu USD đóng phạt và bồi thường vì đã đưa hối lộ cho các quan chức hạt Jefferson, Alabama để đạt được một thỏa thuận tài chính.

Nhưng “tội” lớn nhất của JPMorgan có lẽ là vai trò trong cái gọi là “công nghiệp làm nghèo”: tất cả các hoạt động “khai thác” người nghèo, như ngành công nghiệp cho vay theo ngày, nơi các nhà cho vay áp lãi suất tới 400% đối với các khoản vay nhỏ, ngắn hạn.

JPMorgan không thua kém Goldman Sachs trong việc lừa khách hàng mua các loại “chứng khoán rác”, đặc biệt là vụ Squared CDO 2007. Liên quan đến vụ này, tháng 6-2011 JPMorgan đã chấp nhận nộp phạt 154 triệu USD cho SEC và trả lại 126 triệu USD cho các khách hàng bị mất tiền trong vụ việc.

Phong trào Chiếm Phố Wall là sự nổi giận của công chúng trước sự tham tàn của Phố Wall.

Phong trào Chiếm Phố Wall là sự nổi giận của công chúng trước sự tham tàn của Phố Wall.

Thông qua chi nhánh JPMorgan Mortgage Acquisitions, ngân hàng đã thâu tóm 18 tỷ USD các khoản vay thế chấp năm 2006 và “găm” hàng thật lâu, sau đó chi tiền cho một công ty đánh giá tín dụng để “phù phép” chúng thành mức tín dụng đỉnh AAA, rồi bán lại cho các quỹ hưu trí, các chính quyền địa phương và những tổ chức đầu tư.

JPMorgan nhận 25 tỷ USD từ Quỹ TARP (quỹ ứng cứu trị giá 700 tỷ USD) vào năm 2008, nhưng thay vì để chi cho việc tái cấu trúc, năm 2009 ngân hàng chi 6 triệu USD cho vận động hành lang, năm 2010 lại chi 7 triệu USD.

CEO Dimon được thưởng 21 triệu USD năm 2010, gấp 900 lần lương của nhân viên bình thường (23.000USD). Từ điều này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một CEO của Phố Wall là ông David M. Zaslav trong năm 2010 lãnh lương gấp đôi tổng lương của Tổng thống, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, nội các, thẩm phán tối cao Pháp viện, chủ tịch 2 khối ở Hạ viện và toàn thể nghị sĩ Thượng viện cộng lại.

Wells Fargo cũng là ngân hàng có nhiều vụ đáng xấu hổ. Ngân hàng này thừa nhận từng siết phi pháp nhà của 17 quân nhân và áp lãi suất cao trên hơn 3.000 gia đình quân nhân khác (luật Hoa Kỳ quy định không được thu lãi suất thế chấp vượt 6% đối với gia đình các quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ ở nước ngoài).

Hồi tháng 2, Wells chi 10 triệu USD để điều đình vụ kiện cáo buộc ngân hàng đã áp phí luật sư một cách phi pháp khi thực hiện tái cấp vốn cho 60.000 cựu quân nhân. Tháng 7-2011, Wells Fargo đồng ý nộp 85 triệu USD để điều đình đơn kiện của Cục Dự trữ liên bang (FED) về việc ngân hàng này làm giả chứng từ và đẩy người đi vay vào các khoản vay thứ cấp lãi suất cao, dù họ đủ điều kiện để hưởng các khoản vay lãi suất thấp.

Năm 2008, Wells nhận 25 tỷ USD ứng cứu từ quỹ TARP, nhưng chi tới 12 triệu USD cho vận động hành lang trong vòng 30 tháng kể từ khi nhận tiền.

Citigroup được cho đã “đóng góp tích cực” trong việc tạo nên cuộc khủng hoảng thứ cấp ở Hoa Kỳ. Năm 2006, ngân hàng này cho vay thứ cấp 38 tỷ USD, kiếm lợi 28 tỷ USD. Ngày 19-10-2011, họ phải nộp 285 triệu USD để điều đình cáo buộc của SEC rằng ngân hàng đã lừa gạt khách hàng qua việc bán cho họ một loại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mà ngân hàng đang muốn giũ bỏ.

BoA cũng tương tự. Ngân hàng này trả 137 triệu USD cho các nhà chức trách để điều đình cáo buộc lừa gạt; chi 20 triệu USD để điều đình với 160 quân nhân kiện ngân hàng siết nhà họ bằng những thủ đoạn phi pháp.

BoA từng xin nộp phạt 8,5 tỷ USD về những cáo buộc của các nhà đầu tư cá nhân về việc lừa họ để bán các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp thông qua Countrywide. BoA nhận 2 lần ứng cứu của chính phủ, với tổng số tiền 45 tỷ USD và chi hơn 9 triệu USD cho vận động hành lang.

Thao túng giá lương thực

Như một loạt bài của ĐTTC về khủng hoảng lương thực toàn cầu, các công ty ở Phố Wall chính là một trong những tác nhân đẩy giá lương thực trên thế giới ngày càng cao, làm ngày càng nhiều người nghèo không đủ tiền để mua lương thực. Từ năm 1991, Goldman cho ra đời một sản phẩm phái sinh bao gồm 24 loại nguyên liệu thô, từ kim loại quý và năng lượng đến các loại nông sản như cà phê, cocoa, thịt gia súc, ngũ cốc…

Bằng những thủ thuật nhà nghề, họ “hô biến” một tập hợp hỗn độn những mặt hàng này thành một công thức toán học có thể biểu diễn bằng một con số duy nhất, gọi là Chỉ số Hàng hóa Goldman Sachs (GSCI). Cấu trúc của GSCI không hề chú trọng đến những hoạt động truyền thống bao thế kỷ qua của thị trường là mua-bán/bán-mua.

Sản phẩm phái sinh của họ thuộc dạng “chỉ có dài hạn”, tức được hình thành từ các loại hàng hóa được mua và chỉ mua mà thôi. Chiến lược dài hạn này phá hỏng những bản chất tự nhiên của các thị trường hàng hóa, khiến các ngân hàng chỉ có mua cho dù giá cả như thế nào. Và như vậy, giá hàng hóa, lương thực chỉ có tăng và tăng.

Ngày nay, các ngân hàng, nhà giao dịch chiếm vị trí cao nhất trong “chuỗi thức ăn”, ăn hết lợi nhuận của mọi người và mọi thứ bên dưới. Gần dưới đáy chuỗi này là nông dân. Đối với họ, giá lương thực cao là điều đáng mừng. Nhưng giới đầu cơ hàng hóa đã khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn đối với nông dân, từ hạt giống đến phân bón và dầu diezel. Dưới đáy chuỗi này là người tiêu dùng.

Đối với người Hoa Kỳ và công dân các nước phát triển, nơi chỉ dùng 8-12% thu nhập cho thức ăn, chuyện tăng giá lương thực chẳng mấy ảnh hưởng. Nhưng với hơn 2 tỷ người ở các nước đang phát triển, nơi người dân chi hơn 50% thu nhập cho thức ăn, hậu quả từ hoạt động đầu cơ rất lớn.  

Các tin khác