Phố Wall tham tàn (kỳ 1): Cuộc ra đi ầm ĩ

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích sự tham tàn của Phố Wall. Hơn 3 năm qua, giới lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu đã có nhiều nỗ lực “cải tạo” hệ thống Phố Wall và giới tài chính thế giới nói chung, nhưng kết quả dường như chỉ là “dã tràng xe cát”, như phản ánh trong lá thư của cựu Giám đốc Goldman Sachs Greg Smith mới đây.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích sự tham tàn của Phố Wall. Hơn 3 năm qua, giới lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu đã có nhiều nỗ lực “cải tạo” hệ thống Phố Wall và giới tài chính thế giới nói chung, nhưng kết quả dường như chỉ là “dã tràng xe cát”, như phản ánh trong lá thư của cựu Giám đốc Goldman Sachs Greg Smith mới đây.

“Rời bỏ một công ty? - Chuyện thường thôi”, có thể nhiều người sẽ nghĩ vậy. Nhưng sự ra đi của Greg Smith đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới, sau khi gửi đến tờ New York Times lá thư hôm 14-3, chỉ trích Goldman Sachs chỉ chăm chăm tìm cách móc túi hơn là phục vụ khách hàng.

Lá thư 2 tỷ đô

Trong lá thư mang tên “Vì sao tôi rời Goldman Sachs”, Smith - một giám đốc Goldman Sachs ở London - cho biết sự thất vọng về công ty chính là lý do khiến ông phải ra đi. Ông đã quyết định rời khỏi tập đoàn sau 12 năm làm việc, một thời gian theo ông là “đủ để hiểu về văn hóa cũng như về con người tại tổ chức”.

Theo Smith, khi ông mới vào tập đoàn tài chính lừng danh này, Goldman Sachs vẫn là nơi có một văn hóa kinh doanh rất tuyệt vời, “xoay quanh các vấn đề về làm việc nhóm, liêm khiết, tinh thần khiêm nhường, luôn hành động vì quyền lợi của khách hàng. Nó không chỉ đơn thuần ở việc kiếm tiền...”.

Tuy nhiên, Smith cho rằng tất cả những thứ đó đã trở thành dĩ vãng. “Tôi rất buồn khi phải nói rằng, hôm nay tôi nhìn xung quanh và rõ ràng không thấy bóng dáng thứ văn hóa đã từng khiến tôi muốn làm việc cho nơi này. Điều khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và day dứt chính là sự thật mà tập đoàn đã cố lừa dối khách hàng của mình.

Trong 12 tháng qua tôi đã tận mắt chứng kiến 5 giám đốc điều hành cho rằng khách hàng của họ là những “con rối” - Smith viết. Smith tiết lộ cách để thăng chức trong ngân hàng “tinh hoa Phố Wall” này là “làm sao dẫn dụ được khách hàng đầu tư vào các loại chứng khoán mà công ty muốn vứt bỏ”, khiến khách hàng “mua bất cứ thứ gì, miễn sao có lợi nhất cho Goldman”.

Lá thư của “người trong cuộc” ngay lập tức tạo ra một cơn chấn động khắp thế giới, trong vòng 24 giờ lá thư của Smith đăng trên New York Times thu hút khoảng 3 triệu lượt truy cập và hiệu ứng từ nó đã thổi bay 2,15 tỷ USD giá trị cổ phiếu của Goldman Sachs trên thị trường New York.

Phát biểu về lá thư của Smith, đại diện Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với suy nghĩ của Greg Smith. Goldman Sachs chỉ có thể thành công khi khách hàng thành công”. Họ cho rằng ý kiến của Smith chỉ là một kiểu phá bĩnh của một cá nhân: “Với quy mô quá lớn của doanh nghiệp thì việc một vài người trong tổ chức có những hành động và ý nghĩ tiêu cực như vậy là điều khó tránh khỏi”. Cũng có không ít người ủng hộ Goldman Sachs.

Nổi tiếng... xấu

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Goldman Sachs “dính vết”. Tháng 2-2010, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) kiện Goldman Sachs tạo ra các sản phẩm chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp để bán cho khách hàng, nhưng lại đặt cược rằng chúng sẽ rớt giá, điều này khiến các nhà đầu tư thiệt hại hơn 1 tỷ USD. Goldman Sachs sau đó điều đình bằng cách nộp phạt 300 triệu USD và bồi thường 250 triệu USD cho khách hàng.

Trong cuộc khủng hoảng nợ đang ngày một trầm trọng của Hy Lạp hiện nay, Goldman Sachs cũng bị cáo buộc “có phần”. Năm 2000 và 2001, Goldman từng giúp Athens bí mật vay hàng tỷ USD để che giấu tình hình tài chính tệ hại của họ bằng cách tạo ra các sản phẩm phái sinh có thể chuyển các khoản vay thành giao dịch tiền tệ mà Hy Lạp không phải công bố theo luật của EU  (xem thêm ĐTTC số 295, trang 20).

Người biểu tình phản đối Goldman Sachs.

Người biểu tình phản đối Goldman Sachs.

Trước khi lá thư của Smith được công bố, một ủy ban quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu điều tra một loạt các vụ giao dịch những sản phẩm chứng khoán Goldman đã bán cho nhà đầu tư trong khi các lãnh đạo đề cập đến các loại chứng khoán đó trong email là “không thể đầu tư” (junk), “thứ vứt đi” (crap).

Goldman Sachs còn bị chỉ trích vì những “vòi bạch tuộc ma cà rồng”, vươn tới mọi ngóc ngách tài chính ở Hoa Kỳ và cả thế giới. Hồi tháng trước, một tòa án ở Delaware đã ngăn chặn một vụ sáp nhập giữa 2 công ty năng lượng Kinder Morgan và El Paso, vì Goldman Sachs có cổ phần ở cả 2 công ty này, làm nảy sinh quan ngại xung đột lợi ích.

Như một loạt bài về Goldman Sachs đã đăng trên ĐTTC cách nay 2 năm, trong vụ ứng cứu đại gia bảo hiểm AIG vào năm 2008, Goldman là định chế tài chính ngoài AIG nhận được nhiều tiền từ quỹ TARP của chính phủ nhất, với 12,9 tỷ USD.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng chính việc mua 62,1 tỷ USD khế ước ghi nợ (CDO) do AIG phát hành của Goldman và một số định chế khác đã góp phần quan trọng trong việc đẩy AIG đến bờ vực phá sản vào năm 2008. Thực tế, người khởi xướng việc ứng cứu AIG là cựu CEO Goldman, Bộ trưởng Ngân khố Hank Paulson. Trong cuộc họp cuối cùng với FED để định đoạt số phận AIG, Goldman là công ty duy nhất ở Phố Wall được mời tham gia.

Tóm lại, những nhân vật quyết định số phận AIG đều đã hoặc đang là người của Goldman (lúc đó). Ngoài CEO Goldman Lloyd C. Blankfein và Bộ trưởng Paulson, còn có CEO AIG Liddy - cựu giám đốc Goldman, Mark Patterson - cố vấn trưởng của Bộ Tài chính, cựu vận động hành lang Goldman, Neel Kashkari - cựu Phó Chủ tịch Goldman, người điều hành quỹ TARP.

Người giữ cột của Marketwatch, nhà báo Paul Farrell đã cay đắng viết: “Dù là Cộng hòa hay Dân chủ, Bảo thủ hay Tự do, tất cả chúng ta đều bị kiểm soát bởi “Âm mưu Goldman”. Tại sao bạn chưa đầu hàng? Hãy để họ nắm hết quyền lực. Sự thật là, thông qua các nhà vận động hành lang và những người đại diện ở Washington, họ đã cai trị cả Hoa Kỳ”.

-----------

Kỳ 2: Không chỉ Goldman

Các tin khác