Nông nghiệp - Hướng thoát khủng hoảng (Kỳ 3)

Phát triển cân bằng

 Phát triển cân bằng

Cơn sốt thâu tóm đất nông nghiệp ở những nước nghèo đang bị chỉ trích là “thực dân kiểu mới”, vì khiến hàng trăm nghìn nông dân mất đất vào tay các “nhà giàu”. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), đây là  xu thế tất yếu để bảo đảm an ninh lương thực cho chính người dân tại các nước nghèo và cho cả thế giới. Vấn đề là làm sao để cân bằng được quyền lợi của nông dân và nhà đầu tư.

> (Kỳ 1): Lời hiệu triệu của LHQ

> (Kỳ 2): Cơn sốt đất nông nghiệp

Kiến nghị của WB

Có một sự mất cân bằng quyền lợi nghiêm trọng giữa các công ty quốc tế, chính phủ và nông dân. Nhiều vụ mua bán đất được đàm phán bí mật giữa giới cầm quyền và nhà đầu tư, trong khi người dân đang sinh sống trên những mảnh đất đó lại chẳng hay biết.

Nhà báo John Vidal viết trên tờ Người Quan Sát của Anh về một vụ bán đất cho ngoại quốc tại Gambella, Ethopia: “Các công ty nước ngoài đang đổ xô đến và xua đuổi người dân ra khỏi những mảnh đất họ đã sử dụng trong hàng thế kỷ. Không hề có cảnh báo. Các thương vụ tiến hành trong bí mật. Điều duy nhất dân địa phương thấy là người ta đổ đến với rất nhiều máy cày và xâm chiếm đất đai của họ”.

Tại nhiều nước châu Phi, cư dân địa phương và nông dân hầu như không được bảo đảm pháp lý về quyền sở hữu đất đai. Theo nghiên cứu của WB, ước tính trên toàn châu Phi, diện tích đất đai thuộc sở hữu hợp pháp của tư nhân chỉ chiếm 2-10%, chủ yếu ở thành thị. Chẳng hạn, ở Cameroon chỉ có 3% đất đai thuộc sở hữu hợp pháp của tư nhân, chủ yếu là các chính trị gia và công chức nhà nước.

Ở Sudan dù quyền sở hữu đất tư nhân được công nhận, nhưng có tới 95% đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Và trong khi luật pháp quốc tế có thể bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của các nhà đầu tư, luật nhân quyền quốc tế lại không giúp được những người dân nghèo bị mất đất.

Theo kiến nghị của WB, để việc đầu tư nông nghiệp ở các nước đang phát triển mang lại lợi ích hài hòa, cần bảo đảm những điều, như quyền hiện hữu đối với đất và các tài nguyên thiên nhiên đi kèm phải được công nhận và cho phép người dân có thể bảo vệ mình chống lại những giao dịch dễ tổn thương; đất công phải được xác định rõ ràng, quản lý minh bạch và mang lại lợi ích công cộng chứ không phải cho tư nhân; quá trình mua bán đất công phải được giám sát chặt chẽ và công khai, cạnh tranh; có bộ máy pháp lý hữu hiệu để giải quyết tranh chấp đất đai...

Và nếu việc mua bán đất nông nghiệp được tiến hành đúng đắn, người dân châu Phi có thể được hưởng nhiều lợi ích, bao gồm việc gia tăng sản lượng nông nghiệp, tiếp cận được kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và phát triển nông thôn, ngăn chặn được làn sóng di cư về thành thị, một trong những vấn đề lớn của châu Phi.

Hình mẫu thành công

Nhà báo Nissi Ekpott phát biểu trên BBC: “Mua bán đất quốc tế cũng là một dạng giao dịch thương mại. Trong nhiều năm người ta muốn châu Phi tăng trưởng mậu dịch để có thể chống lại đói nghèo, thay vì chỉ phụ thuộc vào viện trợ. Theo đó, nếu châu Phi gia tăng 2% trong thương mại toàn cầu có thể làm giảm 1/2 số người thất nghiệp”.

Thí dụ, ở Ghana 60.000 nông dân đã hợp tác thành công với một công ty ở Anh trong gần 20 năm qua để trồng ca cao. Những người này sở hữu tới 45% cổ phần của công ty.

Ban đầu, những nông dân trồng ca cao chỉ đơn giản thành lập một hợp tác xã, gọi là Kuapa Kokoo, để giúp quản lý tốt chất lượng của hạt ca cao. Sau một thời gian, nhờ quản lý tốt chất lượng, ca cao của Kuapa Kokoo tạo được thương hiệu ở nước ngoài và một công ty chuyên các sản phẩm từ ca cao ở Anh đã tìm đến để hợp tác với họ. Ở Mali và Zambia, một số hiệp hội nông dân sở hữu cổ phần trong các công ty họ hợp tác, điều đó giúp họ có được lợi nhuận kinh tế và tiếng nói lớn hơn.

Nông dân Kuapa Kokoo có 45% cổ phần trong công ty đầu tư đến từ Anh.

Nông dân Kuapa Kokoo có 45% cổ phần trong công ty đầu tư đến từ Anh.

Nhiều công ty khác thành công trong việc sản xuất theo mô hình hộ gia đình, đã đầu tư vào những hoạt động khác ngoài dây chuyền sản xuất, trong những cách thức vừa giúp bảo đảm nguồn cung vừa cải thiện đời sống người dân địa phương. Một mô hình được biết đến rộng rãi là hợp tác giữa công ty đa quốc gia Mondi với người dân ở Nam Phi trong việc phát triển rừng nguyên liệu. Mondi là công ty sản xuất giấy và bao bì quốc tế, có hoạt động chủ yếu tại các nước Tây Âu, Nga và Nam Á.

Để có nguyên liệu cho việc sản xuất giấy và bao bì, Mondi đã hợp tác với nông dân để trồng rừng. Tại Nam Phi, Mondi hợp tác theo kiểu thuê đất 20 năm/kỳ và mướn người dân trồng rừng. Ở những khu đất không phù hợp trồng cây, dân địa phương có quyền sử dụng theo ý họ (như thả gia súc) miễn điều đó không gây tổn hại cho rừng cây. Các nhà phân tích cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy nông nghiệp ở châu Phi là đầu tư vào nông dân, chứ không phải vào đất đai.

Ngoài ra, có một xu hướng cũng nhận được nhiều ủng hộ, đó là đầu tư vào các “quỹ lương thực”. Tháng 1-2011, Hàn Quốc tuyên bố thành lập quỹ vốn chuyên dùng để thu mua ngũ cốc. Với văn phòng ban đầu ở Chicago, quỹ này lên kế hoạch vượt qua các công ty giao dịch quốc tế lớn trong việc mua ngũ cốc trực tiếp từ nông dân Hoa Kỳ. Khi tạo được thanh thế, quỹ Hàn Quốc sẽ tiến hành ký những hợp đồng nhiều năm với nông dân, bảo đảm có thể mua ngũ cốc với một giá cứng.

Trong những năm gần đây, Chính phủ một số nước cũng đã có những chính sách nhằm hướng tới việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư nông nghiệp từ nước ngoài. Chẳng hạn, chính phủ Tanzania đang phát triển một số tiêu chuẩn để buộc các nhà đầu tư vùng nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học phải tuân theo, trong đó có điều kiện phải để cho các nhà sản xuất địa phương tham gia với tỷ lệ nhất định.

Ở Sierra Leone, chính quyền yêu cầu bất kỳ dự án đầu tư nông nghiệp nào cũng phải có sự tham gia của người trong nước, với tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 5-20%.

Các tin khác