Nỗi lo kinh tế Trung Quốc (Kỳ 2)

Kỳ 2: Khó khăn chất chồng (ĐTTCO) - 2016 có thể nói là năm đầy khó khăn của Trung Quốc, dù nước này vẫn trụ vững là nền kinh tế số 2 thế giới. Trong bối cảnh những điểm yếu chết người chưa kịp khắc phục, tình hình bên ngoài dự báo nhiều thử thách, đặc biệt với việc ông Donald Trump nổi tiếng bài Trung, liệu 2017 có tiếp tục là năm hạn của Trung Quốc?

Kỳ 2: Khó khăn chất chồng

(ĐTTCO) - 2016 có thể nói là năm đầy khó khăn của Trung Quốc, dù nước này vẫn trụ vững là nền kinh tế số 2 thế giới. Trong bối cảnh những điểm yếu chết người chưa kịp khắc phục, tình hình bên ngoài dự báo nhiều thử thách, đặc biệt với việc ông Donald Trump nổi tiếng bài Trung, liệu 2017 có tiếp tục là năm hạn của Trung Quốc?

Bong bóng gia tăng

Mới đây, để chống đỡ sự giảm tốc của nền kinh tế, Bắc Kinh đã công bố một chương trình kích thích kinh tế mới. Đó là kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng của chính phủ nhằm mang lại lợi thế ngắn hạn cho thị trường chứng khoán. Tuy vậy, nó sẽ có tác động tiêu cực về lâu dài, vì khiến chính quyền địa phương gánh nợ nhiều hơn do xây dựng và đầu tư những thứ không thực sự cần thiết.

"Đầu tư lãng phí hơn đồng nghĩa với hủy hoại nhanh hơn nguồn vốn và làm nợ xấu tăng nhanh hơn. Bong bóng hàng loạt tiếp tục là vấn đề dài hạn của Trung Quốc” - theo Robin Parbrook, Giám đốc đầu tư châu Á của Schroders.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mới nhất của Trung Quốc bao gồm những chiếc cầu chẳng nối với nơi nào, những tòa cao ốc không người. Hầu hết nhà thầu, chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước được tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ các ngân hàng nhà nước, hay những quỹ đầu tư của các chính quyền địa phương. Trung Quốc đã dựa vào việc mở rộng tín dụng để đạt được dự báo tăng trưởng kinh tế 6% cho năm 2016.

Các khoản vay này đã khiến hệ thống ngân hàng trong nước biến dạng và chịu nhiều sức ép, góp phần tăng bong bóng giá tài sản và tình trạng thừa cung trong nhiều lĩnh vực, như pin mặt trời và ô tô.

Nguy cơ vỡ nợ

Cuối năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp than Tứ Xuyên thuộc sở hữu nhà nước đã không thể trả nợ trái phiếu khi 1 tỷ NDT (150 triệu USD) tiền gốc và lãi đến hạn. Đó là vụ vỡ nợ thứ 2 của các công ty than Trung Quốc trong năm qua. Than Tứ Xuyên đã không thể thanh toán lãi suất trái phiếu, buộc chính quyền Tứ Xuyên phải can thiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước khác của Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề tương tự về thanh khoản. Nhà cho vay lớn nhất nước, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã đồng ý đầu tư vào Tập đoàn Sắt thép Thái Nguyên, Tập đoàn Khai thác than Đại Đồng, Tập đoàn Công nghiệp than Dương Tuyền, thông qua hợp đồng hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu. Những hoán đổi như vậy đã trở thành công cụ quan trọng của Bắc Kinh nhằm loại bỏ nợ và giảm tỷ lệ đòn bẩy các doanh nghiệp nhà nước, cũng như tại các công ty thiếu tiền mặt.

Trước đây, vỡ nợ trái phiếu là điều chưa từng nghe ở Trung Quốc. Nhưng trong năm 2016, 55 vụ vỡ nợ đã xảy ra, ước tính trong năm nay sẽ còn nhiều vụ vỡ nợ hơn. Hơn 5.500 tỷ NDT (800 tỷ USD) trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm nay, cao hơn 1.800 tỷ NDT so với năm ngoái. Đây là một lượng tiền mặt khổng lồ. Vụ vỡ nợ của Than Tứ Xuyên báo hiệu Bắc Kinh đã sẵn sàng cho phép vỡ nợ trái phiếu nhiều hơn trong tương lai.

Các nhà phân tích đã dự báo Trung Quốc  vỡ nợ trái phiếu nhiều trong các năm qua. Trong thực tế, Bắc Kinh chỉ lựa chọn giải cứu vài doanh nghiệp nhà nước và con số ứng cứu ngày càng ít. Với lượng trái phiếu đáo hạn khổng lồ trong năm 2017, ước tính số vụ vỡ nợ sẽ gia tăng đáng kể.

Kế hoạch tăng lãi suất ngắn hạn của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã làm tăng lợi suất trái phiếu trên toàn cầu, và Trung Quốc không ngoại lệ. Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Trung Quốc đã tăng chạm 3,07% vào ngày 30-12-2016, cao hơn nhiều so với mức 2,8% đầu năm. Đối mặt với nguy cơ rút vốn đầu tư, Trung Quốc có thể chọn cách tăng lãi suất đồng nội tệ.

Tuy nhiên trong kịch bản như vậy, nâng nợ mới sẽ trở nên tốn kém hơn vì nhiều công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề thanh khoản và tăng trưởng kinh tế chậm. Việc nâng lãi suất sẽ khiến các ngân hàng Trung Quốc thêm khó khăn, phải vay nợ mới để chống đỡ các khoản nợ cũ.

Kế hoạch phát triển hạ tầng mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục thổi bùng bong bóng tài sản.

Kế hoạch phát triển hạ tầng mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục thổi bùng bong bóng tài sản.

Sức ép Trumponomics

Trong khi đó, người ta vẫn chưa rõ chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ làm gì với Trung Quốc. Bên cạnh Mexico, Trung Quốc là quốc gia ông Trump chỉ trích nhiều nhất và nhiều khả năng sẽ đưa ra các chính sách đối đầu trong năm 2017. Rủi ro lớn nhất là khả năng bùng nổ một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi ông Trump có thể sẽ thi hành những chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trong thời gian tới.

Ông đã lập Hội đồng Thương mại quốc gia (NTC) và giao chức Chủ tịch cho GS. Peter Navarro, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng với quan điểm cứng rắn bài Trung ở mọi lĩnh vực, và là tác giả nhiều đầu sách chỉ trích mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang làm hại nền kinh tế Hoa Kỳ, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đầu độc người dân Hoa Kỳ...

Vì được ông Trump tin dùng nên ông Navarro có thể sẽ là nòng cốt cho sự hình thành một nhóm phụ tá thân tín trong chính quyền mới có xu hướng xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu. Ông Trump cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ chính sách cứng rắn trong vấn đề kinh tế với Trung Quốc trong suốt thời gian tranh cử của ông.

Các nhà phân tích nói ông Trump sẽ thực thi chính sách kinh tế theo hướng giảm thâm hụt thương mại và giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,5% năm. Nếu ông Navarro được chính thức bổ nhiệm, chính sách kinh tế của Hoa Kỳ dưới thời ông Trump (Trumponomics) chắc chắn sẽ theo hướng cứng rắn với Trung Quốc.

Trong trường hợp đối đầu với Hoa Kỳ, Trung Quốc bị cho là sẽ thiệt hại nhiều hơn, vì nước này hiện có thặng dư thương mại khổng lồ trong mậu dịch song phương với Hoa Kỳ. Để chống lại đòn tấn công từ Nhà Trắng, bước đi đầu tiên của Bắc Kinh có thể là hạ giá NDT thấp hơn.

Tuy nhiên, đồng tiền này hiện đang ở mức rất thấp so với USD, nên việc hạ giá thêm sẽ cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến một sự tháo vốn ồ ạt. Bước thứ 2, Bắc Kinh có thể nâng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có thể làm như vậy. Thứ 3, Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp cản trở kinh doanh đối với các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài chạy nhanh hơn ra khỏi thị trường Trung Quốc, khi đó nạn thất nghiệp sẽ gia tăng đột biến.

Các tin khác