Những vụ án kinh tế chấn động (Kỳ 7)

Siemens - Hối lộ đa quốc gia

Siemens - Hối lộ đa quốc gia

Ngày 27-8 vừa qua, nhà khổng lồ công nghệ Đức Siemens AG đạt được một thỏa thuận với các nhà chức trách ở Hy Lạp để dàn xếp vụ bê bối hối lộ đã diễn ra từ những năm 1990. Đây là diễn biến mới nhất trong bê bối hối lộ toàn cầu của Siemens, hiện giữ kỷ lục về mức tiền phạt đối với các vụ án hối lộ.

Gần 4.300 phi vụ

Mọi việc bắt đầu từ tháng 11-2006, khi Viện Kiểm sát Đức bất ngờ bố ráp tổng hành dinh của Tập đoàn Siemens ở Munich và hơn 30 văn phòng chính của hãng tại các thành phố khác. Từ các tài liệu thu được sau vụ bố ráp, các nhà điều tra nghi ngờ Siemens vận hành một đường dây hối lộ xuyên quốc gia vì họ phát hiện các tài khoản ngân hàng của Siemens ở Thụy Sĩ và Liechtenstein bị hụt gần 200 triệu EUR không rõ nguyên nhân.

Tháng 12 cùng năm, Viện Kiểm sát Đức khởi tố Siemens với 2 tội danh: lập quỹ đen để hối lộ xuyên quốc gia và mua chuộc công đoàn.

Theo sau điều tra của Đức, tập đoàn công nghệ hoạt động trên 190 quốc gia khắp thế giới đã bị điều tra ở hơn 10 nước. Trong đó, cáo trạng ngày 12-12-2008 của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) tố Siemens đã tiến hành ít nhất 4.283 phi vụ chi trả khác nhau với tổng số tiền lên tới 1,4 tỷ USD cho quan chức chính phủ các nước để thắng thầu hợp đồng.

Theo đó, Siemens đã chi hối lộ để giành được hợp đồng về giao thông ở Venezuela và Trung Quốc, thẻ căn cước ở Argentina, mạng lưới điện thoại di động ở Bangladesh và Việt Nam, các dự án điện ở Israel và hệ thống kiểm soát giao thông ở Nga, các dự án lọc dầu ở Mexico...

Tại Việt Nam, tờ Der Spiegel của Đức vào tháng 3-2007 cho biết Viện Công tố Munich (Đức) nghi ngờ công ty con Intercom của Siemens tại Thụy Sĩ đã chuyển 241.515 EUR (khoảng 5,2 tỷ đồng) vào một tài khoản ở Singapore của “ông Le Tan Cuong” để giúp Siemens đạt được các gói thầu với Bộ Bưu chính - Viễn thông lúc đó.

Ngoài ra, Siemens cũng “dính chàm” trong vụ bê bối của Liên hiệp quốc (LHQ) về chương trình “đổi dầu lấy lương thực” cho Iraq dưới thời Saddam Hussein. Hãng tin Deutsche Welle (Đức) dẫn thông tin văn bản của Chính phủ Iraq cung cấp cho cuộc điều tra của LHQ cho biết Siemens đã “lại quả” 59.434USD sau khi giành được hợp đồng cung cấp thiết bị cho Bộ Điện lực nước này.

Có tính hệ thống

Cáo trạng của SEC nhận định hoạt động đưa hối lộ của Siemens “có tính hệ thống” và rộng khắp ở Siemens, quan chức ở “mọi cấp độ” đều có liên quan. Theo tiết lộ của Siekaczek, một người từng làm việc tại Siemens trong 40 năm, ông đã được cấp trên yêu cầu lập các quỹ đen phục vụ việc đưa hối lộ vào năm 1999 hoặc 2000. Theo đó, quỹ này được chi 75 triệu USD/năm thông qua một tài khoản ngân hàng ở Salzburg (Áo) chỉ để phục vụ việc đưa hối lộ.

Shi Wanzhong, người bị án tử hình vì nhận hối lộ của Siemens tại Trung Quốc.

Shi Wanzhong, người bị án tử hình vì nhận hối lộ của Siemens tại Trung Quốc.

Không chỉ lập quỹ đen, hoạt động đưa hối lộ của Siemens còn được mã hóa. Một giám đốc cấp cao của Siemens là Michael Kutschenreuter từng khai trong một cuộc điều tra rằng ông đã được học một loại mật mã được sử dụng rất rộng rãi tại Siemens để “mã hóa” những khoản tiền hối lộ.

Mật mã này dựa trên cụm từ “make profit” (tạo lợi nhuận) được đánh số thứ tự là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 cho 10 ký tự trong cụm “make profit” (M=1, A=2,..., P=5,..., T=10). Vì thế, khi có một ghi chú “xử lý hồ sơ này theo dạng APP” có nghĩa rằng mức hối lộ được cho phép là 2,55% doanh số bán. Tuy nhiên, người phát ngôn của Siemens cho biết ông chưa bao giờ nghe nói đến hệ thống mã hóa “make profit” này.

Vụ bê bối của Siemens còn mang lại điều tiếng xấu cho các công ty Đức, nơi các tập đoàn lớn như Volkswagen và Daimler trước đó cũng đã dính chàm hối lộ. Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Đức cho biết có khoảng 90% số vụ tham nhũng tại Đức không bị phát giác. Theo thống kê của nhà chức trách Đức, năm 2005 ở Đức có tới 90.000 vụ tham nhũng.

1,6 tỷ USD tiền phạt

Tháng 12-2008, Siemens đồng ý nộp tổng cộng 1,6 tỷ USD cho các nhà chức trách ở Hoa Kỳ và châu Âu để hòa giải các cáo buộc đưa hối lộ trên diện rộng và dùng quỹ đen để thắng thầu các hợp đồng công trình công cộng trên khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, nhà khổng lồ công nghệ Đức phải nộp 450 triệu USD cho Bộ Tư pháp và 350 triệu USD cho SEC. Trước đó, Viện Công tố Munich tiết lộ Siemens đồng ý nộp 540 triệu USD để hòa giải. Năm 2007, hãng này cũng đã nộp cho tòa án 290 triệu USD tiền phạt vì vụ bê bối hối lộ này.

Mới đây nhất, ngày 27-8, Siemens đã chi 330 triệu EUR (441 triệu USD) để hòa giải với Chính phủ Hy Lạp. Theo tờ Daily Telegraph, các công tố viên Hy Lạp nhiều năm qua đã điều tra các cáo buộc Siemens đưa hối lộ cho các quan chức nước này để thắng thầu các hợp đồng với Hellenic Telecom trong các năm 1997 và 2000, cũng như cung cấp một hệ thống an ninh mới cho Olympic Athens năm 2004.

Theo thỏa thuận, Siemens sẽ xóa 80 triệu EUR nợ của Hy Lạp, đồng thời đầu tư 250 triệu EUR vào nước này. Trong đó, nhà khổng lồ công nghệ Đức sẽ trả 90 triệu EUR trong 5 năm cho quỹ hạ tầng của chính phủ. Hãng cũng cam kết đầu tư 100 triệu EUR vào Hy Lạp trong năm nay để bảo đảm hoạt động của hãng tại Hy Lạp và cung cấp hơn 600 việc làm. Ngoài ra, Siemens đồng ý xây mới 1 nhà máy trị giá trên 60 triệu EUR tại Hy Lạp, hứa hẹn mang lại 700 việc làm.

Cho đến nay, nhiều nhân vật chủ chốt của Siemens đã phải ra tòa vì liên quan đến bê bối hối lộ lớn nhất lịch sử này. Đầu tiên là 2 cựu giám đốc của Power Generation, chi nhánh sản xuất máy phát điện và là chi nhánh lớn nhất của Siemens, năm 2006 bị cáo buộc đưa hối lộ 6 triệu EUR cho Công ty điện lực Enel (Italia) để được trúng thầu cung cấp tourbin khí đốt cho Enel.

Gần đây nhất, tháng 12-2011, 8 cựu giám đốc và lãnh đạo Siemens đã bị buộc tội liên quan đến các hoạt động hối lộ ở Argentina. Theo đó, những người này đã chi hơn 100 triệu USD cho những quan chức cấp cao của Argentina để dành các hợp đồng. Năm 2008, Siemens và chi nhánh tại Argentina đã đồng ý nộp phạt 448,5 triệu USD vì hoạt động đưa hối lộ.

(Còn tiếp)

Các tin khác