Những vụ án kinh tế chấn động (Kỳ 6)

Olympus - Sự xấu hổ của Nhật Bản

Olympus - Sự xấu hổ của Nhật Bản

Olympus gian lận kế toán liên quan đến 1,7 tỷ USD đã phơi bày một cung cách quản lý “thối tận lõi”, làm hoen ố danh tiếng các doanh nghiệp Nhật Bản.

Gian lận bạc tỷ

Công ty Olympus là nhà sản xuất các thiết bị quang học nổi tiếng của Nhật Bản. Theo một số nguồn tin, trong giai đoạn 2006-2009, Olympus thực hiện 4 cuộc thôn tính, bao gồm chi gần tổng cộng 773 triệu USD để mua 3 công ty Altis, Humalabo, News Chef đăng ký tại thiên đường trốn thuế Cayman Islands.

Cả 3 công ty này đều không liên quan tới ngành kinh doanh chính của Olympus, nghèo nàn tài sản, chẳng kiếm ra tiền và đã giải thể không lâu sau khi các thỏa thuận được hoàn tất. Trong thương vụ thứ 4, sau khi mua Công ty Thiết bị y khoa Gyrus của Anh với giá 2,2 tỷ USD, Olympus chuyển 687 triệu USD gọi là trả phí giao dịch cho 2 nhân viên ngân hàng đầu tư, hoa hồng lên đến 1/3 giá trị thương vụ, cao gấp 30 lần mức thông thường, đã được gửi vào một tài khoản mở tại Cayman và tài khoản này cũng nhanh chóng bốc hơi.

Dư luận nghi ngờ, năm 2009, Olympus thuê kiểm toán viên kiểm lại các thương vụ và các khoản thanh toán, đi tới kết luận các vị giám đốc không làm điều gì sai trái.

Doanh nghiệp Nhật Bản bị lây tiếng xấu vì sai trái của Olympus.

Doanh nghiệp Nhật Bản bị lây tiếng xấu vì sai trái của Olympus.

Đầu năm 2011, Micheal Woodford, công dân Anh và là nhân viên kỳ cựu 30 năm ở Olympus, được đề bạt lên làm Chủ tịch và sau đó là CEO Olympus. Tại Nhật Bản, hiếm hoi lắm một gaijin (ngoại nhân) như Woodford mới được chọn làm người đứng đầu công ty nội địa.

Tuy nhiên, như tờ Nikkei bình luận, ông Woodford sớm nhận ra ông chỉ là bù nhìn còn thực quyền vẫn nằm trong tay người Nhật. Ngày 11-10, Woodford yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ về các thương vụ khả nghi, đề nghị Chủ tịch (cựu CEO) Tsuyoshi Kikukawa và các thành viên ban quản trị từ chức vì “có những lỗi nghiêm trọng và quyết định tồi tệ bất thường”.

Ngày 14-10, ban quản trị Olympus đáp trả bằng thông báo sa thải Woodford với lý do những đòi hỏi của Woodford “không thể tha thứ”, đồng thời gắn mác Woodford là gaijin “không ưa Nhật Bản”, Kikukawa trở lại làm Chủ tịch kiêm CEO Olympus. Woodford tố cáo những sai trái trong các thương vụ M&A của Olympus ra trước công luận. Vốn hóa thị trường của Olympus từ 673 tỷ yen đã lập tức giảm xuống 422 tỷ yen (5,5 tỷ USD).

Cuối tháng 10, Kikukawa phải từ chức. Ngày 8-11, sau gần 1 tháng chao đảo, cổ phiếu mất hơn một nửa giá trị, Olympus lần đầu tiên thú nhận đã sử dụng một phần số tiền hơn 1 tỷ USD trong các thương vụ M&A để che đậy cho các khoản đầu tư thua lỗ từ những năm 1990. Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng của Anh cũng đã vào cuộc điều tra Olympus.

Theo tư liệu của Cảnh sát Nhật Bản, số tiền Olympus gian lận lớn hơn nhiều so với số lỗ lã cần che giấu, nên họ nghi ngờ Olympus đã chuyển phần lớn tiền gian lận vào những công ty bình phong có liên hệ với các tổ chức tội phạm yakuza.

Trong cuộc họp báo sau đó, tân Chủ tịch Olympus Shuichi Takayama đã cúi gập người xin lỗi và cho biết Olympus vẫn đang tiếp tục điều tra những khoản thua lỗ đầu tư trong quá khứ. Ông Takayama cũng cho biết Phó Chủ tịch Hisashi Mori đã bị sa thải vì liên quan đến việc che giấu thua lỗ.

Thối tận lõi

Ngày 6-12, bản báo cáo của ban điều tra độc lập do Olympus chỉ định đã chỉ trích cung cách quản trị trước đây của công ty là “thối tận lõi” và ước tính gian lận kế toán 1,7 tỷ USD. Tháng 1-2012, Olympus thông báo đang kiện 19 cựu và đương kim giám đốc cùng với thành viên ban quản trị công ty đòi bồi thường khoảng 50 triệu USD. Tân chủ tịch Shuichi Takayama cũng bị kiện đòi 6,5 triệu USD vì đã không làm tròn trách nhiệm của một giám đốc khi xảy ra vụ gian lận.

Woodford tuyên bố dừng cuộc chiến giành lại địa vị tại Olympus, vì tuy được nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ nhưng vẫn không thể nhận được sự ủng hộ của các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư Nhật Bản. Vào tháng 2, nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ 7 nhân vật trung tâm của vụ bê bối, trong đó có cựu Chủ tịch Tsuyoshi Kikukawa, cựu Phó Chủ tịch Hisashi Mori, cựu Kiểm toán Hideo Yamada, 2 cựu quan chức ngân hàng Nomura và 2 cộng tác viên.

Ngày 21-2, tên tuổi Olympus lại một lần nữa xuất hiện cùng với tin chẳng lành: Giám đốc Kinh doanh thiết bị y tế của Olympus tại Ấn Độ Tsutomu Omori đã treo cổ tự tử ở ngoại ô New Delhi. Tại đại hội cổ đông Olympus vào tháng 4-2012, Takayama cùng với 6 vị giám đốc khác đã từ chức. Đầu tháng 8, Olympus cho biết đã phát hiện “bất thường” trong chương trình đào tạo bác sĩ ở Brazil, có lẽ đã vi phạm luật của Hoa Kỳ về chống các hành vi hối lộ ở nước ngoài.

Chủ tịch Yasuyuki Kimoto nói rằng công ty đã báo lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và bộ này cũng đang điều tra về hoạt động marketing của công ty ở Hoa Kỳ.

Trong lúc đó, thị trường cho rằng một số công ty lớn của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Fujifilm, Terumo và cả Samsung của Hàn Quốc đều muốn đầu tư chiến lược vào Olympus nhằm chia chác mảng kinh doanh thiết bị chẩn đoán nội soi mà Olympus đang chiếm tới 70% thị trường toàn cầu, có triển vọng gặt hái nhiều lợi nhuận.

Tháng 1-2012, quan chức Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Tokyo cho biết Olympus phải chịu phạt vì vụ gian lận kế toán nhưng chưa đến mức bị hủy niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, Olympus gần như bị đặt trong tình cảnh hưởng án treo vì Sở GDCK cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan và có hành động thích hợp.

Sai trái của Olympus làm hoen ố bộ mặt giới doanh nghiệp Nhật Bản, đến mức Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda phải lên tiếng cải chính: “Đây chỉ là bê bối của một công ty. Xã hội Nhật Bản không như thế. Không nên đánh giá Nhật Bản qua những hành vi của một công ty”.

(Còn tiếp )

Các tin khác