Những nhà tù kỳ lạ (K1): Ở tù như nghỉ mát

(ĐTTCO) - Nhà tù hay trại giam, là nơi giam giữ tù nhân. Theo thông lệ, nhà tù là một bộ phận của hệ thống tư pháp hình sự của nhà nước. 

Tù giam là một hình phạt được nhà nước áp dụng đối với người bị tòa tuyên là có tội, phải chấp hành những điều kiện sống khắt khe bởi đã bị tước quyền công dân. Nhưng có những nhà tù trên thế giới lại khác.

Bạn có bao giờ nghĩ trong nhà tù lại có cả bệnh viện, tiệm cắt tóc, trung tâm thẩm mỹ, lớp học, thư viện và thậm chí là cả ngân hàng? Có những nhà tù nơi điều kiện sống thậm chí là ước mơ của người dân xung quanh.
Những “xí nghiệp nhà tù”
Ethiopia là một đất nước nghèo với điều kiện sống khó khăn, nhưng trại giam Macalle ở đất nước này lại là một nơi sống lý tưởng. Người ta cho rằng đây là nhà tù mà những tù nhân không muốn rời khỏi, bởi tại đây các tù nhân được hưởng một cuộc sống thậm chí còn đủ đầy và hiện đại hơn thế giới bên ngoài. Đây được xem là hình mẫu hoàn hảo của “xí nghiệp nhà tù”. Mặc dù bị giam giữ, nhưng khi ở trại giam Macalle, các tù nhân vẫn được buôn bán, giao thương, xây nhà hay kinh doanh các trung tâm chăm sóc sắc đẹp và bán thực phẩm, đồ ăn. Toàn bộ hoạt động kinh doanh này đều có liên quan trực tiếp với thế giới bên ngoài. 
 Cuộc sống bên trong nhà tù phải giống với cuộc sống bên ngoài đến mức tối đa. Sự chuyển đổi từ tù đày sang tự do là cơ hội để ngăn ngừa tái vi phạm càng cao hơn. 
Ông Gerhard Ploeg, 
tư vấn cao cấp Bộ Tư pháp Na Uy
Dự án được Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra và được Tổ chức Hợp tác phát triển Italia tài trợ. Trong trại giam Macalle còn có cả 1 chi nhánh ngân hàng. Trước khi chi nhánh này được thành lập, người thân của các tù nhân thường phải gửi tiền cho họ, còn nay những tù nhân có thể gửi tiền và hỗ trợ tài chính cho gia đình mình. Với mô hình này, những người mãn hạn tù rất tự tin sau khi mãn hạn tù, hòa nhập trở lại với cộng đồng, họ đã có trong tay một nghề để kiếm tiền, nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này thực sự có ý nghĩa ở một đất nước còn nhiều khó khăn như Ethiopia.
Một nhà tù với mô hình “xí nghiệp nhà tù” tương tự là San Pedro, nhà tù lớn nhất tại thành phố La Paz của Bolivia. Đây là nơi giam giữ khoảng 1.500 tù nhân. Nhà tù này có khu vui chơi dành cho trẻ em, chợ, nhà hàng, hiệu cắt tóc và thậm chí cả khách sạn. Nơi đây không có bóng dáng của cai ngục, đồng phục tù nhân hay các song sắt. Các phạm nhân lao động để kiếm tiền như bán rau hay làm việc tại các cửa hàng thực phẩm. Phạm nhân có thể “tậu” được chỗ ở tốt nhất là các căn phòng riêng được trang bị phòng tắm, nhà bếp, truyền hình cáp… Mỗi nhà tù này có giá 1.000-1.500USD. Còn tại các khu vực nghèo hơn của nhà tù, các phạm nhân có thể sống chung phòng với chi phí thấp. “Nếu bạn có tiền, bạn có thể sống như 1 ông hoàng” - 1 tù nhân nói.
Những nhà tù kỳ lạ (K1): Ở tù như nghỉ mát ảnh 1 Tù nhân ở Bastoy đang phơi nắng. 
Nhà tù sinh thái
Những tù nhân đang thụ án tại nhà tù Bastoy ở Na Uy được phơi nắng trên bãi biển hoặc đi dạo trong một khu rừng thông, thay vì bị giam giữ trong các căn phòng chật chội. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Bastoy được gọi là nhà tù tốt nhất thế giới. Bastoy nằm trên một hòn đảo nhỏ và là “nhà” của 115 tù nhân. Một số tù nhân đã phạm những tội vô cùng nghiêm trọng và bạo lực, nhưng nó giống như một cộng đồng hơn là một nhà tù. 
Những tù nhân sống trong các căn nhà chung với phòng ngủ và tiện nghi chung. Họ có thể không phải mặc quần áo tù, ghé thăm cửa hàng, thư viện hoặc nhà thờ trong khuôn viên nhà tù. Vào thời gian rảnh rỗi, họ có thể đi câu cá, chơi bóng đá, hoặc tập thể hình tại các phòng gym. Có cả phòng chiếu phim với chương trình hàng tuần về các khóa học, bài giảng, sự kiện và buổi hòa nhạc. Thậm chí, tù nhân còn điều hành các dịch vụ phà của hòn đảo. Không ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng Bastoy giống như trại nghỉ dưỡng hơn là cơ sở cải huấn.
Các nhà chức trách ở Na Uy nhấn mạnh rằng cách tiếp cận nhẹ nhàng có tính hiệu quả cao hơn. Nhà tù yêu cầu một mối quan hệ tôn trọng giữa các tù nhân với nhau cũng như giữa phạm nhân với những người quản ngục. Hầu hết nhân viên rời nhà tù vào buổi tối. Các tù nhân sẽ tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Ngoài một bữa ăn được cung cấp mỗi ngày, các tù nhân phải tự kiếm đồ ăn cho mình. Bastoy được Na Uy gọi là “nhà tù sinh thái”. Tù nhân làm việc hằng ngày, chăm sóc những con ngựa và cừu, giúp quản lý trang trại, hoặc chặt cây để làm nhiên liệu. Họ trải qua các chương trình đào tạo, học những kỹ năng mới để chuẩn bị cho ngày được ra tù.

Mấu chốt là tự nguyện
Na Uy có tỷ lệ tái vi phạm thấp nhất ở Scandinavia. 2 năm sau khi được ra tù, chỉ 20% số tù nhân tái phạm tội. Điều này nhờ vào một chính sách chăm sóc liên tục, theo đó tất cả mọi người được ra tù sẽ được tiếp cận với những dịch vụ để giúp họ về nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Những dịch vụ này bắt đầu trước cả khi họ được ra tù. Thí dụ, những tù nhân được cho phép làm việc ở bên ngoài 18 tháng trước khi rời nhà tù. 
Sự thật là có một số tù nhân bị bỏ tù vì những tội danh bạo lực, nhưng họ không bắt đầu bản án của họ ở Bastoy. Những tù nhân đó phải nộp đơn đăng ký để được đến nhà tù trên đảo này. Họ phải là những người đã thể hiện mong muốn thay đổi một cách rõ ràng trong thời gian thụ án ở những nhà tù truyền thống. Ở Na Uy không có tù chung thân. Án tù dài nhất là 21 năm, hoặc tối đa 30 năm, án tù trung bình khoảng 8 tháng. Theo các chuyên gia, các bản án dài hơn không giúp tỷ lệ phạm tội giảm đi, và mối liên hệ giữa các hình thức trừng phạt nghiêm khắc và giảm thiểu tỷ lệ phạm tội là không rõ ràng.
Câu hỏi hiển nhiên đối với nhà tù không có những bức tường hay đội bảo vệ vũ trang là nguy cơ trốn thoát. Vào năm 2015, một tù nhân đã làm điều đó, anh ta đã sử dụng một ván lướt sóng và một mái chèo nhỏ. Nhưng nó rất hiếm khi xảy ra. Nếu bị bắt, những tù nhân có ý định vượt ngục này sẽ không thể quay trở lại Bastoy.
(còn tiếp)

Các tin khác