Những đầu tàu ASEAN (K2): Vươn tầm công nghiệp mới

(ĐTTCO) - Khái niệm các nền kinh tế công nghiệp mới (NIC) đầu tiên được dùng để chỉ 4 “con hổ châu Á” trong thập niên 70 của thế kỷ trước, là Hồng Công (khi đó còn là thuộc địa của Anh), Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
 Ngày nay, 4 con hổ trên đã vượt qua giai đoạn công nghiệp hóa và NIC được dùng chỉ các nước tiếp bước con đường thành công của họ. Tại khu vực ASEAN hiện nay có 4 NIC mới, gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Công nghiệp là chủ đạo

Một trong những tiêu chí đầu tiên để được gia nhập câu lạc bộ NIC là phải có nền kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp chủ đạo. Tính đến năm 2007, các ngành công nghiệp đã chiếm đến 43,9% GDP của Thái Lan, nhưng đã giảm còn 39,2% năm 2016 do sự gia tăng của ngành dịch vụ.
Lĩnh vực quan trọng nhất trong nền công nghiệp của Thái Lan là các ngành chế tạo, chiếm tới 34,5% GDP trong năm 2004. Nhờ sự dẫn dắt của ngành chế tạo, kinh tế Thái Lan đã tăng với tốc độ thần kỳ, bình quân 9,4%/năm trong giai đoạn 1986-1996. Các ngành có tốc độ tăng nhanh gồm máy tính và đồ điện tử, hàng may mặc và giày da, đồ gỗ, các sản phẩm gỗ, thực phẩm đóng hộp; đồ chơi, các sản phẩm chất dẻo, đá quý và đồ trang sức; các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện và mạch tích hợp, đồ điện, ô tô.
Thiết bị điện và điện tử (E&E) là ngành xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu. Trong năm 2014, xuất khẩu của E&E của Thái Lan đạt 55 tỷ USD. Ngành này sử dụng khoảng 780.000 công nhân vào năm 2015, chiếm 12,2% tổng số việc làm trong sản xuất. Thái Lan là nước sản xuất ổ đĩa cứng (HDD) lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, với Western Digital và Seagate Technology nằm trong số các nhà sản xuất lớn nhất. 

Tại Malaysia, ngành công nghiệp của nước này chiếm 36,8%, hơn 1/3 GDP vào năm 2014 và sử dụng 36% lực lượng lao động vào năm 2012. Những lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong ngành công nghiệp của Malaysia là công nghiệp điện tử, ô tô và xây dựng. Tại Philippines, ngành công nghiệp chưa phát triển như Thái Lan và Malaysia, nhưng cũng đóng góp trên 30% GDP vào năm 2016 (30,8%).
Các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này là đóng và sửa chữa tàu, ô tô, sản xuất linh kiện máy bay (cho Boeing và Airbus), hàng điện tử và khai khoáng. Trong khi đó, Indonesia đã vươn lên trở thành nước công nghiệp hóa mạnh nhất trong 4 nước NIC ở ASEAN hiện nay, với đóng góp của ngành công nghiệp cho GDP ở mức 40,3% năm 2016, theo ước tính của CIA. Trong đó, các ngành sản xuất chế tạo đóng góp 18,1% GDP. Những ngành công nghiệp quan trọng của Indonesia là khai khoáng, thực phẩm và đồ uống, ô tô, điện-điện tử...
Những đầu tàu ASEAN (K2): Vươn tầm công nghiệp mới ảnh 1 Proton là niềm tự hào ngành công nghiệp ô tô của Malaysia. 
Chú trọng phát triển công nghiệp ô tô
Có thể thấy 4 nước NIC ở ASEAN hiện nay đều rất chú trọng phát triển công nghiệp ô tô. Tính đến năm 2015, Thái Lan có ngành công nghiệp ô tô lớn nhất ở Đông Nam Á và lớn thứ 12 trên thế giới. Sản lượng hàng năm của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan gần 2 triệu xe (xe chở khách và xe bán tải), nhiều hơn các nước như Bỉ, Anh, Italia, CH Séc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết ô tô đóng ở Thái Lan đều được phát triển và được cấp phép bởi các nhà sản xuất nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhưng cũng có một số thương hiệu khác như BMW và Mercedes.
Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan tận dụng Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) để tìm kiếm thị trường cho nhiều sản phẩm của mình. Thái Lan là một trong những thị trường lớn nhất thế giới về xe bán tải với hơn 50% thị phần xe tải 1 tấn. Để có được thành công đó, Thái Lan đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1970-1990, chính phủ Thái Lan đã trợ giúp ngành ô tô xe máy thông qua nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là quy định về tỷ lệ nội địa hóa.
Sang giai đoạn 2000-2010, Thái Lan thực hiện 2 chiến lược mới trong quy hoạch ô tô: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và có thể dự báo; nâng cao sức cạnh tranh của các ngành linh phụ kiện ô tô. Trong kế hoạch hành động, các dự án hỗ trợ cho từng mục tiêu cũng được nêu ra bao gồm 8 dự án hỗ trợ chiến lược thứ nhất và 7 dự án hỗ trợ chiến lược thứ 2.

Trong khi đó, kể từ năm 2015 Indonesia đã vượt Thái Lan trở thành thị trường xe hơi lớn nhất trong khu vực ASEAN, chiếm lĩnh 36,54% thị phần (363.945 xe quý I-2015), so với Thái Lan với 25,29% thị phần. Từ năm 2012, xuất khẩu ô tô và các sản phẩm liên quan của Indonesia đã có giá trị cao hơn nhập khẩu của ngành. Tuy nhiên, để vượt Thái Lan trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực ASEAN, cần phải có những nỗ lực và bước đột phá lớn. Hiện tại, Indonesia chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản để thành lập các cơ sở sản xuất ô tô. Nước này cũng cần phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ ngành sản xuất xe hơi. 

Ngành ô tô Malaysia lớn thứ 3 ở Đông Nam Á và đứng thứ 23 trên thế giới với sản lượng hàng năm trên 500.000 xe, đóng góp 4% vào GDP và sử dụng một lực lượng lao động trên 700.000 người, làm việc cho 27 nhà sản xuất xe hơi và hơn 640 nhà sản xuất linh kiện.
Ford Malaya trở thành nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên ở Đông Nam Á khi được thành lập tại Singapore vào năm 1926. Ngành công nghiệp ô tô ở Malaysia được thành lập vào năm 1967 để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước. Chính phủ đã đưa ra các sáng kiến nhằm khuyến khích việc lắp ráp các phương tiện và sản xuất linh kiện ô tô tại địa phương.
Năm 1983, chính phủ trực tiếp tham gia ngành công nghiệp ô tô thông qua việc thành lập Công ty Ô tô Proton, tiếp theo là Perodua năm 1993. Kể từ những năm 2000, Malaysia đã tìm cách tự do hóa ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua các hiệp định thương mại tự do, tiên phong sản xuất ô tô trong nước, cụ thể là Proton và Perodua. Năm 2002, Proton đã giúp Malaysia trở thành quốc gia thứ 11 trên thế giới với khả năng thiết kế, chế tạo và sản xuất ô tô từ đầu đến cuối. Ngành công nghiệp ô tô ở Malaysia đã tăng đáng kể trong thập niên qua, đóng góp hơn 11 tỷ RM (2,56 tỷ USD) cho GDP của Malaysia năm 2016.

Tại Philippines, Ford, Toyota, Mitsubishi, Nissan và Honda là những nhà sản xuất ô tô lớn nhất. Kia và Suzuki cũng sản xuất những chiếc xe nhỏ tại nước này. Isuzu cũng sản xuất SUVs trong nước. Honda và Suzuki còn sản xuất xe máy. Toyota bán hầu hết xe sản xuất trong nước. Đến năm 2011, Công ty Ô tô Chery của Trung Quốc đã xây dựng nhà máy lắp ráp của họ tại Laguna. Doanh số bán ô tô tại Philippines đã tăng từ 165.056 chiếc trong năm 2011 lên hơn 180.000 vào năm 2012. Nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản Mitsubishi Motors đã thông báo sẽ mở rộng hoạt động tại Philippines.
(Còn tiếp) 

Các tin khác