Nhập siêu - Căn bệnh trầm kha: Kỳ 2 - Kinh nghiệm chống nhập siêu

Tính đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu hết các nền kinh tế mới mở cửa ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có nhập siêu từ 3 tỷ USD trở lên. Nhưng đến năm 2010, trong số các nước trên chỉ còn Việt Nam và Philippines vẫn ngày càng lún sâu vào tình trạng nhập siêu.

Tính đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu hết các nền kinh tế mới mở cửa ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có nhập siêu từ 3 tỷ USD trở lên. Nhưng đến năm 2010, trong số các nước trên chỉ còn Việt Nam và Philippines vẫn ngày càng lún sâu vào tình trạng nhập siêu.

Những bài học thành công

Theo số liệu năm 1997, trong 5 nước kể trên, Thái Lan có kim ngạch nhập siêu lớn nhất (trên 13 tỷ USD), kế đó là Philippines (10 tỷ USD). Việt Nam và Singapore là 2 nước có kim ngạch nhập siêu thấp nhất, lần lượt là 4 và 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, số liệu năm 2010 cho biết Thái Lan xuất siêu 34,3 tỷ USD (11% GDP), xếp thứ 17 trong top 20 nền kinh tế có kim ngạch xuất siêu lớn nhất thế giới. Tương tự, Malaysia và Singapore lần lượt có kim ngạch xuất siêu đạt 36 và 40,8 tỷ USD, đứng thứ 14 và 12 trong các nước xuất siêu.

Trong khi đó, Philippines và Việt Nam lần lượt có kim ngạch nhập siêu 9,18 và 12,27 tỷ USD. Đáng lưu ý, Việt Nam là nước duy nhất có kim ngạch nhập siêu ngày càng lớn.

Xuất khẩu gạo tăng giúp cân bằng cán cân thương mại của Thái Lan.

Xuất khẩu gạo tăng giúp cân bằng cán cân thương mại của Thái Lan.

Để giảm nhập siêu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Thái Lan (TDRI) đã bỏ công nghiên cứu rất kỹ thị trường các đối tác thương mại của họ, từ đó vạch ra một chiến lược rất rõ ràng cho từng năm. Chẳng hạn, nghiên cứu của TDRI năm 2009 xác định rõ các đối tác thương mại chính của nước này gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN và Nhật Bản.

Trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường chính, ASEAN là thị trường tiềm năng, thị trường Nhật Bản không quan trọng vì tăng trưởng kinh tế tại đó khá èo uột. Để thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều nỗ lực trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hòng dỡ bỏ các rào cản thương mại của các nước đối tác.

Thỏa thuận đầu tiên và quan trọng nhất mà Thái Lan đạt được là thỏa thuận tự do thương mại Đông Nam Á (AFTA). Nhờ thỏa thuận này, tính đến năm 2010, các rào cản thuế quan đối với tất cả mặt hàng (trừ 93 sản phẩm trong danh sách “hàng nhạy cảm”) đã được dỡ bỏ cho các công ty Thái Lan.

Ngoài ra, Thái Lan cũng ký kết các thỏa thuận FTA song phương với các nước như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ... Đối với Trung Quốc, Thái Lan tiếp cận qua các thỏa thuận chung ASEAN-Trung Quốc.

Song song với việc thúc đẩy dỡ bỏ các rào cản thuế quan, Thái Lan tăng cường phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, giảm tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trực tiếp sang các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngoài ra, kể từ sau khủng hoảng tài chính Đông Á, Thái Lan bắt đầu triển khai cơ chế tỷ giá thả nổi. Trong cơ chế này, tỷ giá trở thành yếu tố điều chỉnh cán cân thương mại trong tương lai trở về trạng thái cân bằng trong mối quan hệ tổng thể với các dòng vốn khác. Nhờ tỷ giá thả nổi, giá ngoại tệ tăng một cách tương đối so với giá bản tệ. Sự tăng giá ngoại tệ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ, đồng thời xuất khẩu lại được lợi.

Kết quả không những nhập siêu giảm mà giá ngoại tệ cũng giảm. Cả cán cân thương mại và tỷ giá trở về trạng thái cân bằng. Cơ chế thả nổi tỷ giá đồng baht đã đóng góp quan trọng trong việc điều chỉnh cán cân xuất nhập khẩu ở Thái Lan. Cũng chính nhờ cơ chế tỷ giá thả nổi nên cán cân thương mại hàng tháng của Thái Lan luôn dao động khá cân bằng trong biên độ ±2 tỷ USD.

Và... bài học thất bại

Theo số liệu của Wikipedia, Pakistan là nước xếp thứ 13 trong nhóm các nước có kim ngạch nhập siêu lớn nhất thế giới với 12,42 tỷ USD tính đến năm 2010, trên Việt Nam một bậc. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Pakistan đã sa vào tình trạng nhập siêu và tiếp tục gia tăng theo thời gian. Là một đất nước nông nghiệp, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Pakistan là gạo, bông và các loại nông sản khác.

Nhưng trong nhiều năm qua, sản lượng nông nghiệp của Pakistan ngày càng giảm và năm 2008 là một năm tệ hại nhất. Vụ bông thất bát khiến các doanh nghiệp trong nước phải chi tới 1,29 tỷ USD để nhập ngược bông từ Hoa Kỳ. Là một nước nông nghiệp, nhưng quản lý yếu kém khiến Pakistan phải nhập ngược 4 tỷ USD các loại lương thực như dầu ăn, sữa bột.. khi khủng hoảng lương thực nổ ra vào năm 2008.

Một thí dụ rõ nhất về quản lý yếu kém của các nhà chức trách là trong năm 2008 nước này đã xuất khẩu một lượng lớn lúa mì, để rồi sau đó nhập ngược với giá cao hơn.

Theo lý thuyết kinh tế và điều kiện Marshall-Lerner, việc phá giá nội tệ có thể là một giải pháp giúp điều chỉnh cán cân thương mại trong những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, việc phá giá nội tệ có thể cải thiện cán cân thương mại nếu tổng nhu cầu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu và nhu cầu nội địa đối với hàng xuất khẩu lớn hơn 1.

Nếu tổng này nhỏ hơn 1, việc phá giá nội tệ sẽ làm cán cân thương mại dịch chuyển mạnh hơn về hướng nhập siêu. Nhìn chung, giới chuyên môn tin rằng việc phá giá nội tệ có tác động tốt hơn cho cán cân thương mại nếu đó là một nước phát triển và sẽ tệ hơn nếu đó là nước đang phát triển.

Tuy nhiên, Pakistan đã chọn giải pháp này với mong muốn giúp hàng hóa của họ rẻ hơn, cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu. Và việc phá giá đồng rupee đã khiến kim ngạch nhập siêu tăng cao do tỷ giá với USD giảm.

Các nhà nghiên cứu Pakistan kiến nghị Chính phủ nên chống lại nhập siêu bằng các biện pháp như chú trọng đầu tư hơn vào nông nghiệp, vì nông nghiệp là cơ cấu chính của nền kinh tế Pakistan.

Ngoài ra, nước này cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu để mở rộng thị trường, trong khi phải thay đổi để cạnh tranh hơn về chi phí, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất công nghệ cao...

--------

> Kỳ 1: Con dao 2 lưỡi

Các tin khác