Nguy cơ watergate 2 (K2): Trump có cản trở công lý?

(ĐTTCO) - Cho đến nay nhiều người cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể bị luận tội với cáo buộc “cản trở công lý”, đặc biệt sau khi tin tức về những bản ghi chép của cựu Giám đốc FBI James Comey được công bố. Các chuyên gia pháp lý nói gì về vấn đề này?
 

Comey cũng có tội?

Trong khi một số chuyên gia pháp lý nói các bản ghi nhớ của ông Comey là bằng chứng thuyết phục cho thấy ông Trump đã tìm cách “cản trở công lý”, những người khác lại cho rằng chính ông Comey cũng đối mặt với nguy cơ bị truy tố. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa cộm cán, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng nằm trong số này. Lý do: Nếu biết Trump đang cản trở pháp lý, tại sao Comey không nói gì hay không từ chức?

 “Nếu tổng thống yêu cầu giám đốc FBI làm điều gì đó sai trái, vị giám đốc đó phải nói không và từ chức” - thượng nghị sĩ Lindsey Graham bang Nam Carolina nói. Luật sư Matt Wilson trích dẫn Khoản 4, Điều 18 Bộ luật Hoa Kỳ: "Bất cứ ai biết về một tội ác hình sự mà che giấu và không khai báo sớm cho thẩm phán hay người có thẩm quyền dân sự hoặc quân sự theo luật pháp Hoa Kỳ, sẽ bị phạt hoặc bỏ tù không quá 3 năm, hoặc cả 2". Tội này được gọi là tội “cố ý che giấu trọng tội”.

Wilson cũng đặt câu hỏi tại sao Comey chờ đợi cho đến bây giờ mới tiết lộ thông tin nếu ông tin rằng tổng thống đã phạm tội. "Comey không nghĩ rằng tổng thống đã phạm tội, hoặc Comey đã phạm tội. Vì vậy, nếu những bản ghi nhớ này thực sự tồn tại, điều đó không có lợi cho Comey" - Wilson nói.

Trump-Comey và lá thư sa thải. 

Vẫn chưa rõ ràng

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng những lý luận trên là thiển cận, chỉ nhìn vấn đề ở một góc độ. Robert Chesney, giáo sư luật tại Đại học Luật Texas và biên tập viên sáng lập của Lawfare, nói với Business Insider: “Những lý luận trên hoàn toàn thiếu căn cứ. Bởi tội che giấu trọng tội chỉ cấu thành khi người che giấu biết rõ hành vi nào đó là trọng tội.
Nếu bản ghi nhớ có thực và chính xác, việc tổng thống nói với Comey rằng ông hy vọng Giám đốc FBI có thể "buông" vụ điều tra về Flynn vì ông ta là người "tốt", chỉ là một phần của nghi vấn cản trở công lý, chưa phải là bằng chứng thuyết phục”.

Nói cách khác, lời đề nghị của ông Trump khi đó vẫn chưa thể xác định là một hành động cản trở của công lý. Phải đến nay, sau một chuỗi sự việc của tổng thống như yêu cầu Comey cam kết trung thành, sa thải Comey và thừa nhận rằng cuộc điều tra về sự dính líu của Nga trong bầu cử là một phần lý do sa thải Comey; hay tiết lộ gần đây về việc Trump yêu cầu 2 quan chức tình báo cấp cao giúp đẩy lùi nỗ lực điều tra của FBI về sự dính dáng với Nga... mới có thể xác định rõ tổng thống đang cố cản trở công lý.

Philip Heymann, giáo sư danh dự tại Trường Luật Harvard, từng làm việc trong Bộ Tư pháp thời các Tổng thống John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Jimmy Carter và Bill Clinton, cũng có ý kiến tương tự: "Việc tổng thống yêu cầu buông cuộc điều tra chưa có gì rõ ràng để kết luận, chắc chắn ông không có ý đe dọa ai hay ý định làm bất cứ điều gì, chỉ là kêu gọi Comey chú ý đến một lời đề nghị tốt cho bất cứ ai. Tuy nhiên, việc sa thải Comey khi ông không làm theo, có vẻ như một hành động cản trở công lý".

Chuyên gia pháp lý Josh Barro của Business Insider nói thêm: “Nếu Comey công bố các bản ghi nhớ trước khi bị sa thải, đảng Cộng hòa sẽ biện hộ rằng Trump chỉ nói như vậy, nhưng ông ta không cố ý cản trở công lý”. Và nếu Trump không có bước đi cụ thể để cản trở cuộc điều tra, chẳng hạn như yêu cầu các quan chức tình báo đẩy lùi cuộc điều tra hay sa thải Giám đốc FBI, lời bào chữa đó có hiệu quả".

Luận tội và truất phế

Như vậy, có thể kết luận Tổng thống Trump đã thực sự cản trở công lý, qua một chuỗi hành động. Đầu tiên ông yêu cầu Comey buông cuộc điều tra, kế đó yêu cầu Comey cam kết trung thành, tiếp theo yêu cầu các quan chức tình báo giúp đẩy lùi cuộc điều tra, và cuối cùng (sau khi tất cả các bước trên không có hiệu quả) đã quyết định sa thải Comey và nêu cuộc điều tra là một trong những lý do sa thải. Các chuyên gia trên tờ Politco cũng xác nhận Tổng thống Trump đã phạm vào các Điều 1503 và 1505 của Đạo luật số 18 trong Bộ luật Hoa Kỳ về tội danh cản trở công lý. 

Vấn đề ở đây là liệu ông Trump có bị luận tội hay không? Lật lại vụ Watergate, Erwin Chemerinsky, Hiệu trưởng Trường Luật tại Đại học California-Irvine, nói: "Điều này không chắc chắn. Bồi thẩm đoàn Watergate vào năm 1974 gọi Richard Nixon là một trường hợp bất khả thi vì họ không biết liệu có thể truy tố đương kim tổng thống hay không". Điều đó khẳng định có một giả thuyết trong các chuyên gia pháp lý rằng các tòa án sẽ chống lại ý tưởng truy tố tổng thống đương nhiệm.

Thực tế, Văn phòng Cố vấn pháp lý của Bộ Tư pháp (OLC) đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 1973 (trường hợp Tổng thống Nixon) và 2000 (Tổng thống Bill Clinton), và kết luận rằng tổng thống không thể bị truy tố về tội hình sự bởi điều này sẽ làm suy yếu khả năng thực thi pháp luật.
OLC kết luận: "Chỉ Hạ viện có quyền đưa ra những cáo buộc về hành vi phạm tội hình sự của đương kim tổng thống thông qua thủ tục buộc tội hiến pháp". Susan Rose-Ackerman, Giáo sư Trường Yale, nói: "Tổng thống có thể bị buộc bất cứ tội gì, nhưng ông ta không thể bị truy tố khi đang làm nhiệm vụ, vì điều đó sẽ làm suy yếu khả năng lãnh đạo đất nước".

Vì vậy, nếu Tổng thống Trump bị xác định là cản trở công lý, ông cũng không phải đối mặt với việc bị truy tố ở tòa án. Thay vào đó, Hạ viện sẽ tổ chức các phiên điều trần và bỏ phiếu để buộc tội ông. Sau đó, nếu Hạ viện thông qua việc buộc tội, cũng phải cần đến 2/3 số phiếu ở Thượng viện để có thể bãi nhiệm tổng thống.
Với Tổng thống Nixon, ông cũng đối mặt với việc bị Hạ viện buộc tội, nhưng trước khi điều đó xảy ra ông đã xin từ chức. Với Tổng thống Clinton trong vụ “Clinton và Jones” năm 1997, ông cũng đã bị buộc tội, nhưng không bị quốc hội yêu cầu bãi chức.

Hiện nay các đảng viên Cộng hòa kiểm soát cả 2 viện, vì vậy bất kỳ sự buộc tội nào đối với Trump sẽ không khả thi. "Không có cơ hội để Hạ viện có thể buộc tội Donald Trump ngay cả khi có bằng chức xác thực ông ta đã cản trở công lý.
Tuy nhiên, việc buộc tội không có hạn định, nếu đảng Dân chủ nắm giữ Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, họ sẽ có thể theo đuổi việc buộc tội mà không phải lo lắng về việc Trump sớm có những hành động cản trở” - theo Michael Herz của Trường Luật Cardozo tại Đại học Yeshiva.

Các tin khác