Nguy cơ watergate 2 (K1): “Quả bom” Comey

(ĐTTCO) - Với những vụ việc gây tranh cãi gần đây của người đứng đầu Nhà Trắng Tổng thống Donald Trump, khả năng một vụ Watergate (*) thứ 2 của Hoa Kỳ đang bắt đầu. 
Nhiều nhà phân tích đang bàn đến chuyện tổng thống sẽ bị điều tra, thậm chí bị truất phế và Hoa Kỳ rơi vào nội chiến.
Sau khi gây tranh cãi vì đột ngột cách chức Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey, ông Trump lại bị chỉ trích vì tiết lộ thông tin mật cho Nga. Mới đây nhất, ông Comey đã tiết lộ bản ghi nhớ của ông về các cuộc gặp với Tổng thống Trump, làm dấy lên nghi vấn tổng thống cản trở công lý, có thể dẫn đến bị luận tội.
Bản ghi nhớ chấn động

Theo các nguồn nặc danh, ngay sau mỗi cuộc gặp mặt hay điện thoại với Tổng thống Trump, ông Comey đều ghi lại một bản ghi nhớ chi tiết. Một số bản ghi nhớ được xếp hạng tuyệt mật, một số thì không. Một bản ghi nhớ được tờ New York Times (NYT) tiết lộ ngày 16-5, đề cập đến một cuộc họp tại Phòng Bầu dục giữa Comey và Trump vào ngày 14-2 năm nay, sau một cuộc họp báo an ninh quốc gia có nhiều người tham gia.
Cuộc họp diễn ra 1 ngày sau khi Cố vấn an ninh Michael Flynn từ chức. Sau khi cuộc họp này kết thúc, Trump đã yêu cầu những người khác rời khỏi phòng để nói chuyện riêng với Comey.

Theo bản ghi nhớ, ông đã nói với Comey: "Tôi hy vọng anh có thể cho qua chuyện này, hãy bỏ qua cho Flynn, ông ấy là một người tốt”. Comey đáp lại “Tôi đồng ý ông ấy là người tốt”, nhưng không cam kết gì với Trump. Theo NYT, bản ghi nhớ cho thấy tổng thống đã “dùng ảnh hưởng để cản trở một cuộc điều tra đang diễn ra”.
Comey và một số quan chức FBI cấp cao trước đó cũng cho rằng những lời của Trump là “một nỗ lực gây ảnh hưởng tới cuộc điều tra”. Nên họ quyết định giữ bí mật nội dung trao đổi giữa Comey và Trump, để không bị ảnh hưởng tới cuộc điều tra. 

Tờ Washington Post (WP) dẫn lời 2 trợ lý của ông Comey nói bản ghi nhớ dài khoảng 2 trang giấy và rất chi tiết. NYT cho biết những bản ghi nhớ của FBI thường là bằng chứng đáng tin cậy ở tòa án. Theo WP, bản ghi nhớ cũng đề cập việc Trump chỉ trích FBI vì đã không theo đuổi những kẻ rò rỉ tin tức của chính phủ và cho biết ông muốn "thấy các phóng viên vào tù". Chi tiết này ngay lập tức đã chọc giận báo chí và các tổ chức tự do ngôn luận, những người này cho rằng ông Trump chẳng khác gì một lãnh đạo của chế độ độc tài.

Ngay sau khi những tin tức về bản ghi nhớ được tiết lộ, Nhà Trắng ra tuyên bố: “Tổng thống chưa bao giờ yêu cầu ông Comey hoặc bất cứ ai chấm dứt bất kỳ cuộc điều tra nào, kể cả những cuộc điều tra liên quan đến Tướng Flynn”.  Đồng thời, Nhà Trắng khẳng định bản ghi nhớ “không phải là sự thật hay bức tranh chính xác về cuộc trò chuyện giữa Tổng thống và ông Comey”.

Nguy cơ watergate 2 (K1): “Quả bom” Comey ảnh 1 Việc Trump sa thải Giám đốc FBI đang làm chấn động chính trường Hoa Kỳ. 


Phản ứng của Hạ viện

Nhà báo Fox News Bret Baier cho biết không có đảng viên Cộng hòa nào "sẵn sàng ra trước ống kính" sau khi tin tức về bản ghi nhớ được công bố. Charles Krauthammer, một thành viên của chương trình Baier, cho biết: "Điều thật khó hiểu là không ai, thậm chí người của Nhà Trắng chịu xuất hiện để bảo vệ tổng thống ở đây. Chúng tôi không thấy đảng viên Cộng hòa nào trước máy quay".
Nhà báo Charlie Rose của CBS Morning Morning nói chương trình đã liên lạc với 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như các đại diện của Nhà Trắng, mời xuất hiện trên chương trình, nhưng tất cả đều từ chối. Đảng Cộng hòa cũng đã từ chối lời mời của Chris Hayes về việc xuất hiện trên MSNBC.

Đại diện đảng Cộng hòa Jason Chaffetz, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã viết thư cho quyền Giám đốc FBI yêu cầu "cung cấp tất cả các bản ghi nhớ, ghi chú, tóm tắt và các bản ghi nói đến hoặc liên quan đến bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa Comey và Tổng thống" trước ngày 24-5. Chaffetz đã viết trong bức thư rằng các bài báo đã “làm nổi lên những câu hỏi liệu tổng thống có cố gắng gây ảnh hưởng hoặc cản trở cuộc điều tra với Flynn hay không”.
Chaffetz nói ông định lấy bản ghi chép bằng trát tòa nếu cần thiết. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã ủng hộ đề nghị của Chaffetz. Trong khi đó, đại diện đảng Dân chủ Adam Schiff, thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện, tuyên bố: "Nếu đúng, đây là một cáo buộc đáng lo ngại rằng Tổng thống có thể đã can thiệp hoặc cản trở việc điều tra".

Vi phạm nghiêm trọng

Khi nhà báo Wolf Blitzer của CNN hỏi thượng nghị sĩ độc lập Angus King, nếu việc Trump yêu cầu Comey chấm dứt cuộc điều tra là có thật, liệu Hoa Kỳ có khả năng có thêm một vụ phế truất tổng thống, ông King trả lời: “Dù rất miễn cưỡng, nhưng tôi phải nói là “có”, chỉ đơn giản bởi vì cản trở công lý là một hành vi vi phạm nghiêm trọng”.

Ngày 17-5, Ủy ban Tình báo Thượng viện, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đảng Cộng hòa Richard Burr và Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Mark Warner, đã gửi 2 lá thư yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến cuộc điều tra của ủy ban về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Thư đầu tiên gửi cho Comey, yêu cầu ông xuất hiện trước ủy ban trong cả 2 phiên họp mở và đóng cửa. Lá thư thứ hai được gửi đến quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, yêu cầu cung cấp "bất kỳ ghi chép hoặc biên bản ghi nhớ nào của cựu giám đốc về bất kỳ thông tin liên lạc nào ông có thể có với các quan chức cao cấp của Nhà Trắng và Bộ Tư pháp, liên quan đến điều tra những nỗ lực can thiệp của Nga".

Cũng vào ngày 17-5, Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trong một bức thư do các thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley, Lindsey Graham và thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, Sheldon Whitehouse ký, cũng yêu cầu cung cấp hồ sơ của FBI. Ủy ban cho biết muốn có "tất cả các bản ghi nhớ liên quan đến các tương tác của cựu Giám đốc FBI Comey với cấp trên của mình trong cả chính quyền Trump và Obama" trước ngày 24-5.

1 ngày sau khi bản ghi nhớ của Comey được NYT tiết lộ, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chỉ định cựu Giám đốc FBI Robert Mueller, một người được nhận định là “không lung lay trước các áp lực chính trị”, làm công tố viên đặc biệt, phụ trách việc giám sát cuộc điều tra phản gián của FBI về nỗ lực can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ. Nói cách khác, ông Muller sẽ tiếp tục cuộc điều tra của ông Comey, bao gồm điều tra bất kỳ mối quan hệ nào giữa các cộng sự của Trump và Nga, cũng như "bất kỳ vấn đề nào nảy sinh hoặc có thể phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra".
 Theo quy định của Bộ Tư pháp, một công tố viên đặc biệt có tất cả quyền hạn của một công tố viên Hoa Kỳ, bao gồm khả năng mở cuộc điều tra, trát đòi hầu tòa và đưa ra các cáo buộc hình sự. Tuy nhiên có một sự khác biệt: Các công tố đặc biệt có thể không cần thông báo cho Bộ Tư pháp những gì họ đang làm. Song trước khi có hành động "đáng kể", công tố đặc biệt phải thông báo cho Tổng Chưởng lý. Đặc biệt, ông Trump không có quyền sa thải Mueller như đã làm với Comey.
(Còn tiếp)
------------

* Watergate là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Hoa Kỳ từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Các tin khác