Nguy cơ khủng bố Đông Nam Á (K2): Đe dọa toàn khu vực

(ĐTTCO) - Một khi IS và chân rết của chúng thiết lập được cứ địa ở Philippines hoặc một nước nào đó trong khu vực, toàn bộ Đông Nam Á sẽ bị đe dọa do tình trạng an ninh biên giới lỏng lẻo giữa các nước hiện nay, theo nhận định của giới chuyên gia.
 
Những tay súng hồi hương

Thông tin từ các lực lượng tình báo của Philippines cho biết trong 400-500 tay súng đánh chiếm thành phố Marawi ngày 23-5, có tới 40 người vừa trở về từ những nước Trung Đông. Việc tổ chức khủng bố như IS kiểm soát được các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông đã khuyến khích những người theo chủ nghĩa khủng bố. Trong thời gian qua, IS đã thu hút được nhiều thanh niên từ khắp mọi nơi, trong đó ước tính khoảng 1.500 người từ Đông Nam Á, đến tham gia chiến đấu cho chúng, nhằm xây dựng cái gọi là caliphate (vương quốc Hồi giáo). 

Những tay súng này (chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Philippines) đã tập trung trong nhóm vũ trang Đông Nam Á có tên là Katibah Nusantara. Quá trình chiến đấu ở chiến trường Iraq và Syria đã cung cấp cho họ những kinh nghiệm thánh chiến, khủng bố. Vì vậy, khi trở về họ sẽ mang những kinh nghiệm chết chóc này cùng những mối liên hệ với các tay súng láng giềng để hình thành một “liên minh khủng bố” trong khu vực.

Người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, ông Ayob Khan Mydin Pitchay, đã nêu đích danh 4 người Malaysia đến Mindanao để gia nhập các nhóm vũ trang. Trong số họ có Mahmud Ahmad, giảng viên đại học, người được cho có khả năng nắm vai trò lãnh đạo IS ở miền Nam Philippines nếu Hapilon bị giết. Trong khi đó, các quan chức tình báo Indonesia tin có ít nhất 38 người nước này đã đến miền Nam Philippines để gia nhập các nhóm chân rết của IS, trong đó có 22 người tham gia chiến đấu ở thành phố Marawi.
Một số có thể đã đến Marawi dưới vỏ bọc tham dự Tablighi Jamaat, một phong trào Hồi giáo Sunni, chỉ vài ngày trước khi vụ đụng độ diễn ra. Theo GS. Rohan Gunaratna, chuyên gia an ninh tại Đại học Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, có tới 8 trong số 33 phiến quân bị giết trong 4 ngày đụng độ đầu tiên tại Marawi là người nước ngoài, một tỷ lệ cao bất thường. 

Cuộc chiến giữa quân đội Philippines và khủng bố tại Marawi vẫn đang diễn ra quyết liệt. 

Vị trí chiến lược

Đến nay, nhiều chiến binh khủng bố đã bắt đầu quay lại quê nhà, và khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn cho IS ở Iraq và Syria, việc hồi hương này có thể tăng tốc nhanh chóng, trong đó có những tên khủng bố muốn tìm một địa điểm mới để chiến đấu. “IS đang bị co cụm ở Iraq và Syria, nên muốn phân tán ra các khu vực ở châu Á và Trung Đông. Một trong những khu vực chúng đang mở rộng là Đông Nam Á và Philippines là trung tâm” - theo GS. Gunaratna.

Mindanao từ hàng thập niên qua đã bị hoành hành bởi cướp bóc, quân nổi dậy và các phong trào ly khai. Nhưng các quan chức từ lâu đã cảnh báo sự nghèo đói, tình trạng vô luật pháp và biên giới lỏng lẻo với các vùng Hồi giáo khiến nó có thể sớm trở thành cứ địa của các phần tử khủng bố, đặc biệt khi các tay súng IS bị đánh dạt ra khỏi Iraq và Syria. Năm ngoái, các tay súng gốc Đông Nam Á chiến đấu cho IS ở Syria đã tung một video cổ vũ những người đồng hương tham gia cuộc thánh chiến ở miền Nam Philippines, hoặc tiến hành các vụ tấn công ở quê nhà hơn là đi đến Syria. 

Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng IS đang âm mưu thành lập caliphate không chỉ ở Trung Đông mà cả ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và Thái Lan, nơi các mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah (JI) và Jemaah Anshar Khilafah, Abu Sayyaf và các nhóm khác đang hoạt động. Môi trường xã hội ở Đông Nam Á có những yếu tố khiến ý tưởng của IS được tiếp nhận với khoảng 300 triệu người dân ở đây là tín đồ đạo Hồi. Hơn nữa, ở các nước này từng có các tổ chức khủng bố thánh chiến, cùng với hàng ngàn người thuộc các nước Đông Nam Á đang tham chiến trong hàng ngũ IS ở Trung Đông.

Môi trường thuận lợi

Điều khiến những nhóm khủng bố ưa thích ở khu vực Đông Nam Á là tại đây có sự hợp tác giữa các nhóm khác nhau. Từ lâu nay, mặc dù không chia sẻ cùng mục tiêu, các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á lại “hợp tác vui vẻ” xuyên biên giới để hỗ trợ nhau về hậu cần, đào tạo, và những nơi trú ẩn an toàn. Thí dụ, JI và Phong trào Aceh Tự do (GAM) đã được đào tạo với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) trong các trại ở phía Nam Philippines; GAM đã buôn lậu vũ khí với tổ chức khủng bố Thái Lan Pattani (PULO), và những tên khủng bố sử dụng các liên kết trong khu vực để di chuyển từ nước này sang nước khác.

Một điểm khác khiến Đông Nam Á được ưa chuộng là hoạt động kiểm soát biên giới của các nước trong khu vực khá lỏng lẻo. Hầu hết các nước đang phát triển và các nước thu nhập trung bình đều thiếu tài nguyên và năng lực cần thiết để đối phó với những mối đe dọa xuyên quốc gia. Vì vậy các chính phủ ngày càng tỏ ra lúng túng trước những hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tội phạm và khủng bố. Thực tế, các mạng lưới tội phạm đang kiểm soát các hoạt động trải dài khắp Đông Nam Á hoặc kết nối các vùng khác nhau. IS và các nhóm khủng bố khác được tài trợ bằng số tiền thu được từ các loại tội phạm xuyên quốc gia và những dòng tiền bất hợp pháp khác.

Nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Tội phạm và Ma túy LHQ cho biết thu nhập của các loại tội phạm xuyên quốc gia toàn cầu vào khoảng 1.000 tỷ USD/năm, tương đương với GDP của một số nước trong G20. Tại Đông Nam Á, các tổ chức tội phạm đã buôn lậu người, vũ khí, động vật, ma túy và nhiều thứ khác qua các biên giới, với số tiền thu về ước tính lên tới 100 tỷ USD/năm.
Thêm vào đó, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực đã cải thiện đáng kể con đường kết nối giữa các quốc gia, đã làm lợi cho cả các tổ chức tội phạm và khủng bố. Trong khi đó, mối quan hệ giữa các tổ chức tội phạm và khủng bố đã được biết đến từ lâu. Theo đó, các tổ chức khủng bố nhúng tay vào hoạt động tội phạm để tăng ngân sách, trong khi các tổ chức tội phạm dùng các hình thức khủng bố như những phương tiện để kiểm soát.

Đông Nam Á đã bị tổn thương vì khủng bố trong một thời gian dài, chẳng hạn các vụ tấn công ở Bali (các năm 2002 và 2005), Jakarta (2003, 2005 và 2009) và Nam Philippines (2004). Các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Nam Philippines như Abu Sayyaf đã chiến đấu với chính quyền trong nhiều năm trời, và tỉnh có đông dân số Hồi giáo ở Nam Thái Lan đã chứng kiến sự nổi dậy từ năm 2001. 

Với sự chuyển hướng của IS, đặc biệt việc thành lập cứ địa ở Philippines, nguy cơ khu vực Đông Nam Á chìm trong bạo lực khủng bố ngày càng gia tăng.

Các tin khác