Nguy cơ “Bom nợ” toàn cầu: Hoa Kỳ - con nợ lớn nhất

(ĐTTCO) - Tính đến ngày 30-4, nợ quốc gia Hoa Kỳ đạt hơn 21.000 tỷ USD. Trong đó, nợ công chiếm khoảng 77% GDP, đứng thứ 43 trong số 207 quốc gia. Trong tháng 4, Phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên gần 100% vào năm 2028, thậm chí cao hơn.
Những con số đáng sợ
Trong khi các chương trình cắt giảm thuế gần đây của Tổng thống Donald Trump dường như đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng CBO vẫn đưa ra dự báo năm nay thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ vào khoảng 890 tỷ USD, tăng từ 438 tỷ USD năm 2015. Và nếu dự báo hiện tại của CBO được giữ nguyên, mức thâm hụt vào năm tới sẽ hơn 1.000 tỷ USD, mức chỉ xuất hiện thời Đại suy thoái.
 Hoa Kỳ chưa bao giờ bị vỡ nợ hoàn toàn. Tuy nhiên, vào tháng 4-1979, Hoa Kỳ có thể bị mặc định về mặt kỹ thuật với số tiền 122 triệu USD trong các tín phiếu Kho bạc, ít hơn 1% nợ của Hoa Kỳ. Bộ Tài chính đã mô tả nó như là một sự trì hoãn chứ không phải là một sự vỡ nợ, nhưng nó đã làm lãi suất ngắn hạn tăng 0,6%. Những người khác xem nó như là một vụ vỡ nợ tạm thời, vỡ nợ một phần.
Theo hầu hết các chuyên gia, trừ khi có những hành động quyết liệt được thực hiện, thâm hụt ở mức ngàn tỷ USD sẽ trở thành bình thường mới - mối đe dọa lớn nhất của Hoa Kỳ, hơn bất cứ thứ gì Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hay Iran mang lại. Ước tính đến năm 2028, CBO tin mức thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ đạt 1.500 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt tích lũy 12.400 tỷ USD trong giai đoạn 10 năm từ năm 2019-2028.
Theo đồng hồ nợ công của Hoa Kỳ, tính đến nay nợ quốc gia của xứ cờ hoa đã hơn 21.352 tỷ USD. Đây là con số lớn hơn tổng GDP của Hoa Kỳ hàng năm. Và với số nợ này, riêng trong năm tài chính 2018, Hoa Kỳ đã phải trả khoản tiền lãi lên tới 315 tỷ USD. Con số này lớn hơn GDP của Việt Nam và tương đương tổng GDP của nhiều nền kinh tế cỡ trung bình, như Colombia hay Philippines. Chi phí lãi vay được dự đoán sẽ tăng từ 315 tỷ USD năm 2018 lên 914 tỷ USD vào năm 2028. Trong thập niên tới, lãi suất sẽ lên đến gần 7.000 tỷ USD. Đến năm 2026, lãi suất sẽ trở thành hạng mục ngân sách lớn thứ ba. 
Trong khi đó, tính bình quân, mỗi người dân Hoa Kỳ hiện đang phải gánh tới 65.024USD nợ quốc gia, tương đương 1,51 tỷ VNĐ. Trong khi đó, mỗi người đóng thuế Hoa Kỳ (người có việc làm, có thu nhập) phải mang số nợ quốc gia 175.343USD (4,07 tỷ VNĐ). Dựa trên các dự báo của CBO, nợ gia tăng sẽ làm giảm thu nhập của một gia đình 4 người, trung bình 16.000USD trong 30 năm.
Điều đáng lo ngại là một số quốc gia khác còn tồi tệ hơn so với Hoa Kỳ. “Nếu so với GDP, Hoa Kỳ tốt hơn so với Nhật Bản, Italia và Hy Lạp, nhưng không nhiều” - Christopher Whalen, Chủ tịch Whalen Global Advisors, người từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Cơ quan xếp hạng trái phiếu Kroll, cho biết. Điều này làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng.

Sẽ ngày càng cao
Thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Hoa Kỳ sẽ làm tăng nợ lên mức cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho đến nay, theo triển vọng ngân sách dài hạn của CBO 2018. Nếu luật hiện hành vẫn giữ nguyên, nợ công của Hoa Kỳ dự báo vượt quá quy mô nền kinh tế vào năm 2031. Đến năm 2048, nợ liên bang sẽ tăng gấp đôi lên 152% của nền kinh tế. “Triển vọng nợ lớn và đang phát triển đặt ra những rủi ro đáng kể cho đất nước và mang lại cho các nhà hoạch định chính sách những thách thức đáng kể” - Giám đốc CBO Keith Hall viết trong một tuyên bố vào tháng 6.
Báo cáo lý giải, do Hoa Kỳ có dân số già, an sinh xã hội và chi tiêu bảo hiểm sẽ tăng lên đáng kể. Các khoản thanh toán tiền lãi trên nợ chưa thanh toán cũng sẽ trở thành một nguồn chi tiêu lớn. Hall cho biết: “Đến năm 2048, khi lãi suất tăng từ mức thấp hiện tại và khi nợ tích lũy, chi phí lãi ròng của chính phủ liên bang được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi so với GDP và đạt mức kỷ lục. Những chi phí đó sẽ bằng chi tiêu cho an sinh xã hội, hiện là chương trình liên bang lớn nhất, vào năm 2048”.
Dự báo dựa trên việc cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump và hóa đơn chi tiêu trị giá 1.300 tỷ USD của chính phủ. Gần đây, chính quyền Trump cũng đã thông qua chi tiêu Quốc phòng tới 716 tỷ USD cho năm 2019, mức cao kỷ lục. Việc cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa góp phần vào mức thâm hụt bằng cách hạn chế thu ngân sách, nhưng sẽ hết hạn vào năm 2026. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa hiện đang soạn thảo luật để giảm thuế vĩnh viễn. “Nếu các nhà lập pháp thay đổi luật hiện hành để duy trì các chính sách nhất định, nợ sẽ thậm chí còn tăng lớn hơn” - báo cáo CBO cho biết.
Nguy cơ “Bom nợ” toàn cầu: Hoa Kỳ - con nợ lớn nhất ảnh 1 Lắp đặt đồng hồ nợ công tại Manhattan. 
Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc, Mexico, Canada và châu Âu cũng góp phần vào sự suy giảm tiềm năng của nền kinh tế. “Các tính toán của chúng tôi cho thấy một cuộc chiến thương mại lớn sẽ dẫn đến giảm đáng kể sự tăng trưởng. Sự suy giảm lòng tin tiêu dùng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khuếch đại cú sốc thương mại, dẫn đến một cuộc suy thoái hoàn toàn” - nhà kinh tế học của ngân hàng Merrill Lynch, Ethan Harris viết trong một lưu ý nghiên cứu. 

Con nợ của Trung Quốc
Tính đến tháng 9-2014, người nước ngoài sở hữu 6.060 tỷ USD nợ của Hoa Kỳ, tương đương 47% số nợ công 12.800 tỷ USD và 34% tổng số nợ 17.800 tỷ USD. Tính đến đầu năm 2018, các chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Ireland và Brazil. Tỷ lệ nắm giữ bởi chính phủ nước ngoài đã tăng theo thời gian, từ 13% nợ công năm 1988 lên 25% năm 2007 và 47% năm 2014. Tính đến tháng 9-2014, người nắm giữ nợ chính phủ lớn nhất của Hoa Kỳ là Trung Quốc, chiếm 21% tổng số trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ (10% tổng nợ công của Hoa Kỳ).
Tỷ lệ nợ do Trung Quốc nắm giữ đã tăng lên đáng kể từ năm 2000, khi Trung Quốc chỉ chiếm 6% của tất cả các trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Điều này tiềm ẩn rủi ro tài chính hoặc chính trị nếu các ngân hàng nước ngoài ngừng mua chứng khoán kho bạc hoặc bắt đầu bán chúng, một động thái đã được báo cáo trong tháng 6-2008 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. 
Nhiều nhà phân tích đã bày tỏ mối lo ngại về số nợ Trung Quốc đang nắm giữ của Hoa Kỳ. Đạo luật Ủy quyền quốc phòng của năm tài chính 2012 bao gồm một điều khoản yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện “đánh giá rủi ro an ninh quốc gia về nợ liên bang của Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ”. Bộ đã ban hành báo cáo của mình vào tháng 7-2012, nói rằng “việc cố gắng sử dụng chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ như một công cụ cưỡng chế sẽ có hiệu quả hạn chế và có khả năng gây hại nhiều cho Trung Quốc hơn là Hoa Kỳ. Và điều này sẽ vẫn đúng cả trong thời bình và trong các tình huống khủng hoảng hay chiến tranh”.
Năm 2007, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) khi đó là ông Ben Bernanke cũng từng nói rằng “bởi vì việc nắm giữ trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng của thị trường Hoa Kỳ, nên các thị trường tín dụng Hoa Kỳ sẽ có thể hấp thụ mà không gặp khó khăn gì trong bất kỳ sự phân bổ nước ngoài nào”. Cho đến nay, một số lượng đáng kể các nhà kinh tế và các nhà phân tích đã bác bỏ tất cả những lo ngại về nợ nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ, nợ bằng USD Hoa Kỳ, bao gồm cả số nợ do Trung Quốc nắm giữ.

Các tin khác