Nghi án tỷ phú Trung Quốc trốn thuế (Kỳ 2)

Kỳ 2: Ma trận gian lận

Kỳ 2: Ma trận gian lận

(ĐTTCO) - “Xào nấu” sổ sách và gian lận kế toán; vay tiền ngân hàng để mua lại chính sản phẩm của công ty; chuyển kho nhôm khổng lồ từ Mexico sang Việt Nam và một số nơi khác để gian lận nguồn gốc... là những cáo buộc trong báo cáo dày 51 trang của hãng Dupre Analytics đối với Công ty Zhongwang và ông chủ Lưu Trung Điền.

“Xào nấu” sổ sách

“Ông Lưu và gia đình đã tiến hành những gian lận lớn nhất từng được phát hiện ở Trung Quốc và lừa đảo có hệ thống các nhà đầu tư, xào nấu ít nhất 62,5% doanh thu kể từ năm 2011 và có khả năng đã lướt sóng hàng tỷ USD bằng vốn đầu tư của cơ sở sản xuất chậm triển khai ở Thiên Tân” - Dupre khẳng định. Báo cáo gay gắt của Dupre cáo buộc ông Lưu và các bên liên quan đến ông lấy 36,5 tỷ đô la Hồng Công (HKD - 4,7 tỷ USD) trong các khoản vay từ các ngân hàng đại lục để mua các sản phẩm nhôm Zhongwang kể từ năm 2011.

Nếu không cẩn thận, Việt Nam có thể trở thành nơi để tỷ phú Lưu xóa bỏ nguồn gốc Trung Quốc đối với nhôm của ông, sau đó nhập trở lại Hoa Kỳ hòng hưởng thuế rẻ. Nếu điều này bị phát hiện, nhôm Việt Nam có nguy cơ sẽ bị áp các biện pháp trả đũa.

Dupre còn cho biết kể từ năm 2011, khoảng 38,5 tỷ HKD doanh thu đã bị Zhongwang "bán phi pháp cho cho những đối tác chịu kiểm soát của ông Lưu”. Dựa trên nghiên cứu của mình, Dupre tin Zhongwang là bên có trách nhiệm cuối cùng đối với các khoản vay, nhưng họ chỉ phát hiện việc Zhongwang bảo lãnh khoản nợ 625 triệu HKD đối với Cheng Wang Renhe, một nhà cung cấp của Zhongwang. “Điều thực sự đáng chú ý về gian lận này là các nhóm của ông Lưu ở đại lục, bao gồm cả các nhà cung cấp, đã có thể đảm bảo hơn 17,25 tỷ HKD cho vay ròng từ các ngân hàng đại lục. Không nhóm nào trong số đó có uy tín tín dụng, nên cuối cùng số nợ này sẽ được ghi cho Zhongwang” - Dupre nói.

Theo Dupre, ông Lưu đã thiết lập một cơ sở tái nung chảy nhôm bí mật ở Mexico (xem lại Kỳ 1), nhập khẩu 16,3 tỷ HKD các sản phẩm nhôm do Zhongwang sản xuất kể từ năm 2011 và biến chúng thành phôi nhôm. Điều này về cơ bản đã đảo ngược quá trình sản xuất của nhà máy Zhongwang ở Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, nơi biến phôi nhôm thành các sản phẩm nhôm sử dụng trong xây dựng, giao thông vận tải và các ứng dụng công nghiệp. "Nó giống như lấy một chiếc xe mới, nấu cho nó tan chảy rồi bán thép" - Dupre ví von. Tuy nhiên, cơ sở này chỉ có thể bán một lượng phôi nhôm trị giá 7,5 tỷ HKD trong hơn 3 năm.

Dupre cũng cáo buộc Lưu nhập khẩu 4,4 tỷ HKD sản phẩm nhôm từ Zhongwang đến cơ sở tại Hoa Kỳ, trong đó có 2 kho hàng ở California. Những cơ sở riêng lẻ tại Malaysia dưới sự điều hành của ông cũng đã nhập 10 tỷ HKD các sản phẩm của Zhongwang, trong khi cơ sở tại Việt Nam nhận được 20 tỷ HKD sản phẩm. Dupre tính toán rằng Lưu và gia đình ông đã bán nhôm nấu lại dưới giá mua vào. Điều này có nghĩa họ sẽ phải chịu thiệt hại. "Nếu Zhongwang phải vay các khoản như chúng tôi đã nói, họ có thể mất khả năng trả nợ” - báo cáo viết.

Trước đó, vào tháng 9-2009, tờ The Economic Observer ở đại lục tuyên bố 10 khách hàng lớn của Zhongwang trong thực tế không phải là bên mua.  Zhongwang bác bỏ những cáo buộc này, nhưng cổ phiếu của công ty đã lao từ 8,89HKD xuống còn 2,5HKD và duy trì ở mức thấp đến năm 2014. Vào tháng 4-2010, công ty một lần nữa khiến giới đầu tư nghi ngờ hoạt động quản trị doanh nghiệp, sau khi tiết lộ việc họ đã cho một công ty xây dựng của chính quyền địa phương ở Liêu Ninh vay 2,3 tỷ NDT. Zhongwang cho biết đã vay 2,3 tỷ NDT từ 2 ngân hàng Liêu Ninh và trao tiền cho Hongwei, công ty đầu tư vào các dự án xây dựng, "để hỗ trợ phát triển địa phương". Zhongwang nói họ không phải chịu trách nhiệm trả nợ, nhưng lại ghi khoản nợ vào bảng cân đối của mình.

Sau khi IPO năm 2009, Zhongwang đã huy động được 7,4 tỷ HKD từ các trái chủ kể từ năm 2012, đồng thời vay không đảm bảo hơn 5,4 tỷ HKD. Vào ngày 24-7-2015, Zhongwang nói đã vay được 20 tỷ NDT từ 6 ngân hàng quốc doanh lớn, dùng để tài trợ cho nhà máy nhôm Thiên Tân. Dupre cho biết nhà máy Thiên Tân trị giá 58 tỷ HKD đã được dùng để chuyển ít nhất 9,3 tỷ HKD vào túi riêng của họ Lưu.

Kho nhôm tại Vũng Tàu nghi của tỷ phú Lưu. Ảnh: WSJ

Kho nhôm tại Vũng Tàu nghi của tỷ phú Lưu. Ảnh: WSJ

Kho nhôm ở Việt Nam

Sau khi bị Dupre vạch mặt chỉ tên về kho nhôm ở Mexico, ông Lưu đã bí mật cho chuyển hơn một nửa số nhôm ở đó (500.000 tấn) sang Việt Nam. Theo Global Trade Information Services (GTIS), định chế chuyên theo dõi thương mại trên toàn thế giới, Việt Nam là điểm đến của 91%  nhôm xuất khẩu từ Mexico trong năm nay. Đáng chú ý, đây là một tuyến đường thương mại ít được sử dụng đối với nhôm trong những năm gần đây.

Việc chuyển nhôm từ Mexico sang Việt Nam đã bị báo Wall Street Journal (WSJ) phanh phui vào tháng 9-2016. WSJ dẫn lời các giám đốc doanh nghiệp nhôm ở Hoa Kỳ cáo buộc ông Lưu chuyển số nhôm này đến Mexico để che giấu nguồn gốc Trung Quốc của nó hòng trốn thuế hải quan. Nhôm có nguồn gốc Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá lên tới 374% tại Hoa Kỳ, trong khi nhôm có nguồn gốc Việt Nam chỉ chịu mức thuế khoảng 5%.

Sự gia tăng xuất khẩu nhôm từ Mexico sang Việt Nam cũng trùng hợp với sự gia tăng trong xuất khẩu nhôm đến Việt Nam từ 2 quốc gia khác: Trung Quốc và Hoa Kỳ, qua các cảng gần các cơ sở có liên quan với ông Lưu ở Việt Nam. Thí dụ, GTIS cho biết 65% xuất khẩu nhôm của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam tính đến tháng 8 năm nay, so với 3% trong năm 2015. Trong đó, phần lớn được nhập từ Perfectus Aluminum. Công ty này trước đây thuộc sở hữu con trai ông Lưu, nay thuộc về ông Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Lưu. Ông Cheung cũng sở hữu Aluminicaste Aluminum ở Mexico, công ty giám sát kho dự trữ nhôm Mexico. Con trai ông Lưu trước đây cũng sở hữu Aluminicaste. Vì vậy, nhiều người nghi ngờ thật ra cả Perfectus và Aluminicaste đều thuộc về gia đình họ Lưu. Ông Cheung cũng là đồng sở hữu Công ty Global Vietnam Aluminum, công ty quản lý nhà máy ở Vũng Tàu, nơi đang cất giữ một phần số nhôm nhập từ Mexico.

Tuy nhiên, trả lời báo giới, ông Lưu khẳng định không có liên quan đến chuyện làm ăn của con trai ông ở Hoa Kỳ hay Mexico. Aluminicaste cũng phủ nhận quyền sở hữu đối với số nhôm ở Mexico. Người phát ngôn của Zhongwang Trung Quốc cũng phủ nhận liên quan đến số nhôm bị “bốc hơi” từ Mexico. Theo GTIS, từ đầu năm 2015 đến nay, Việt Nam đã nhập khoảng 1,7 triệu tấn nhôm đùn (trị giá 5 tỷ USD) từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Gần như tất cả nhôm đùn nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đều đến từ tỉnh Liêu Ninh, nơi đặt trụ sở nhà máy của Zhongwang Trung Quốc.

Các tin khác