Nga-WTO: Hành trình 18 năm (kỳ 1): Vượt ải

Những ngày này, nước Nga đang đi những bước cuối cùng để chạm đích đến của cuộc hành trình đằng đẵng 18 năm: gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Những ngày này, nước Nga đang đi những bước cuối cùng để chạm đích đến của cuộc hành trình đằng đẵng 18 năm: gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Bộ hồ sơ về việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã hoàn tất trong phiên họp ngày 10-11 và dự kiến sẽ được Hội nghị Bộ trưởng WTO (diễn ra từ ngày 15 đến 17-12) thông qua lần cuối cùng.

Tiếp đó, Duma quốc gia Nga sẽ phê chuẩn các tài liệu vào tháng 1-2012 và 30 ngày sau, Nga có thể trở thành thành viên chính thức của  WTO, khép lại cuộc hành trình 18 năm đàm phán.

Ký kết hơn 100 hiệp định

WTO gồm 153 thành viên là cơ quan giám sát thương mại quốc tế, được thành lập vào năm 1995 để thay thế cho Tổ chức Thỏa hiệp chung về thương mại và thuế quan (GATT).

Gia nhập WTO là một quá trình phức tạp, trước hết phải chấp nhận một loạt hiệp định chung của WTO, bao gồm mức trần thuế quan các chính phủ có thể áp đặt lên các loại hàng hóa nhập khẩu; những hiệp định khác về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phải đạt được những hiệp định song phương với tất cả quốc gia thành viên và sẽ phải thay đổi nhiều luật lệ kinh tế, thương mại của nước mình cho phù hợp với chuẩn quốc tế.

Quốc gia Đông Âu được WTO kết nạp gần đây nhất là Ukraine, năm 2008. Các chuyên gia về thương mại quốc tế ước lượng nếu 1 nước muốn gia nhập WTO và nghiêm chỉnh trong việc đáp ứng các yêu cầu cũng phải mất 3-4 năm mới có thể được kết nạp. Vậy vì sao một cường quốc kinh tế và quân sự như Nga lại phải mất gần 2 thập niên?

Trưởng đoàn đàm phán WTO của Nga Maxim Medvedkov vui mừng sau khi hoàn tất bộ hồ sơ xin gia nhập WTO.

Trưởng đoàn đàm phán WTO của Nga Maxim Medvedkov
vui mừng sau khi hoàn tất bộ hồ sơ xin gia nhập WTO.

Để được gia nhập WTO, Nga đã ký kết 30 hiệp định song phương về dịch vụ và 57 hiệp định về hàng hóa, đồng ý cắt giảm thuế quan. Theo nguyên tắc WTO, một quốc gia muốn gia nhập phải nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên.

Nói cách khác, bất cứ thành viên nào cũng có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc kết nạp thành viên mới. Dựa vào nguyên tắc này, một nước thuộc Liên bang Xô viết trước đây là Georgia đã đòi được tiếp cận các thông tin về thương mại trong 2 vùng ly khai (tách khỏi Georgia vào năm 2008 dưới sự ủng hộ của Nga, châm ngòi cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Georgia), dựng lên rào cản trên con đường Nga đi tới WTO.

Lập trường của Nga là mậu dịch qua Abkhazia và Nam Ossetia rồi mới vào Georgia (đồng nghĩa với việc xem đây là 2 quốc gia độc lập). Ngược lại, Georgia giữ quan điểm một khi hàng hóa ra khỏi nước Nga, những hàng hóa này đã vào địa phận Georgia, ngay cả khi Georgia không hoàn toàn kiểm soát hai vùng lãnh thổ ly khai.

Sau một thời gian nhùng nhằng, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã gây áp lực buộc Georgia phải đồng ý cho Nga gia nhập WTO. Ngày 9-11, Nga vượt qua chướng ngại vật cuối cùng khi đạt được hiệp định song phương với Georgia. Hiệp định do Thụy Sĩ làm trung gian, bao gồm việc giám sát độc lập mọi trao đổi thương mại giữa Nga và Georgia, trong đó có vùng Abkhazia và Nam Ossetia, giải tỏa điểm gút mắc.

Vào tháng 12 tới, Bộ trưởng của tất cả 153 quốc gia thành viên WTO sẽ họp để thông qua đơn xin gia nhập của Nga. Cuộc hành trình 18 năm đàm phán gia nhập WTO của Nga đã gần chạm đích.

Thỏa thuận quan trọng

Tính đến thời điểm hiện nay, Nga là nền kinh tế lớn duy nhất còn nằm ngoài WTO. Khi một quốc gia như Nga muốn gia nhập WTO thường mất nhiều thời gian hơn do nhiều yếu tố.

Về khách quan: nền kinh tế của nước Nga quá phức tạp. Về chủ quan: do bản thân Nga muốn kéo dài thời gian thương thuyết nhằm giảm thiểu những nghĩa vụ phải thi hành. Trong khía cạnh thương thuyết, phải thừa nhận rằng những nhà đàm phán Nga đã làm việc một cách tuyệt vời.

Luật sư David Christy, một chuyên gia về thương mại đã giúp nhiều chính phủ trong việc gia nhập WTO, nhận xét: “Nga có kiểu đàm phán rất mạnh bạo và cũng sẵn sàng kéo dài tiến trình thảo luận từ năm này sang năm khác, với mục đích làm những phái đoàn đối tác phải mệt mỏi, để cuối cùng phải nhân nhượng nhiều nghĩa vụ mà đáng ra Nga phải thực hiện theo quy định gia nhập WTO”.

Trong quá trình thương thảo, đàm phán và ký kết những hiệp định song phương, đối tác thương mại lớn nhất của Nga là EU. Năm ngoái các nước trong liên minh này nhập khẩu 158,6 tỷ EUR hàng hóa của Nga, trong đó dầu khí chiếm phần lớn, đồng thời xuất khẩu qua Nga khoảng 86,1 tỷ EUR các sản phẩm máy móc, xe hơi, nông sản.

Theo thỏa thuận gia nhập WTO, Nga có thể mua xe hơi, xe tải, đồ đạc, quần áo và tất cả hàng hóa tiêu dùng, máy móc công nghiệp từ EU với giá rẻ hơn nhiều so với trước, đồng thời sẽ bán dầu khí một cách hiệu quả hơn và ngành công nghiệp thép sẽ không còn bị EU áp đặt quota như đối với các nước không phải thành viên WTO.

Đổi lại, Nga cam kết bỏ thuế đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và hàng hóa cotton (tin mừng cho giới nhà giàu mới nổi ưa dùng quần áo thời trang và các thứ xa xỉ phẩm hàng hiệu châu Âu), giảm dần mức trần thuế bình quân từ 10% xuống 7,8%, giảm thuế xe hơi và xe tải từ 25% xuống 15%, thuế máy móc công nghiệp từ 12% xuống 10%, thuế nông sản từ 13,2% xuống 10,8%... Người ta kỳ vọng thỏa thuận WTO sẽ thúc đẩy xuất khẩu của EU sang Nga và nhanh chóng bơm thêm mỗi năm 4 tỷ EUR cho nền kinh tế châu Âu đang èo uột.

----------

Kỳ 2: Thích nghi WTO

Các tin khác