Ngân hàng ngầm thống trị (K2): Nỗ lực kiểm soát

Tháng 11-2012, tại Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á. Trong hội nghị này, các chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp kiểm soát tốt hơn các định chế ngân hàng ngầm và các hoạt động ngân hàng ngầm; phải coi đó là một vấn đề lớn để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong tương lai.

Tháng 11-2012, tại Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á. Trong hội nghị này, các chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp kiểm soát tốt hơn các định chế ngân hàng ngầm và các hoạt động ngân hàng ngầm; phải coi đó là một vấn đề lớn để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong tương lai.

Đề xuất của FSB

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi phải kiểm soát tốt hơn hoạt động ngân hàng ngầm. Vào đầu năm 2012, một cuộc hội thảo của EU ngày 19-3 đã lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành nhằm soạn thảo một bộ luật kiểm soát hoạt động của ngân hàng ngầm.

Ở quy mô lớn hơn, tại Hội nghị thượng đỉnh Cannes vào tháng 11-2011, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí tăng cường sự giám sát và các quy định về hệ thống ngân hàng ngầm; đồng thời thông qua các khuyến nghị ban đầu của Hội đồng Ổn định tài chính (FSB) và kế hoạch tiếp tục phát triển các khuyến nghị chính sách trong năm 2012.

Nếu không được kiểm soát tốt, hoạt động ngân hàng ngầm có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai.

Nếu không được kiểm soát tốt, hoạt động ngân hàng ngầm
có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Los Cabos vào tháng 6-2012, các nhà lãnh đạo G20 đã nhắc lại sự ủng hộ đối với việc kiểm soát ngân hàng ngầm và yêu cầu FSB trình khuyến nghị để xem xét tại hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 vào tháng 11-2012.

Tại hội nghị tháng 11-2012, FSB đã công bố khuyến nghị Tăng cường giám sát và quy định về ngân hàng ngầm. Trong đó, FSB tập trung vào 5 vấn đề: (i) giảm thiểu các hiệu ứng lan tỏa giữa hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và hệ thống ngân hàng ngầm (SBS); (ii) giảm tính nhạy cảm của các quỹ thị trường tiền tệ (MMFs); (iii) đánh giá và giảm thiểu rủi ro hệ thống gây ra bởi các tổ chức phi ngân hàng khác; (iv) đánh giá và sắp xếp các ưu đãi liên quan đến chứng khoán; (v) giảm rủi ro và chu kỳ ưu đãi liên quan đến hợp đồng tài chính bảo đảm như repo và cho vay chứng khoán.

Đối với hệ thống NHTM, FSB đề xuất các quy định tham gia hoạt động ngân hàng ngầm như sau: Tăng yêu cầu vốn đối với việc mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán và các cơ sở cung cấp thanh khoản cho các công cụ chứng khoán; tăng yêu cầu vốn theo xếp hạng dựa trên cách tiếp cận nội bộ (IRB) đối với các định chế tài chính được kiểm soát bởi luật có tài sản lớn hơn hoặc bằng 100 tỷ USD, và đối với các tổ chức tài chính không được quản lý, bất kể quy mô…

Với MMFs, FSB đề xuất những giới hạn cụ thể về các loại tài sản MMFs có thể đầu tư; buộc MMFs tuân thủ các nguyên tắc chung về giá trị hợp lý khi đánh giá tài sản của chính mình, hoạt động định giá của MMFs cần phải được một bên thứ ba đánh giá lại; MMFs cần giữ một số tối thiểu tài sản có thanh khoản cao để tăng cường khả năng đối mặt với việc rút vốn, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro cụ thể liên quan với các tính năng giá trị tài sản ròng ổn định và chi phí phát sinh từ những rủi ro này…

Với lĩnh vực chứng khoán, FSB đề xuất 3 nội dung: (i) tăng cường giám sát việc thực hiện các yêu cầu lưu giữ và tác động của nó lên thị trường; (ii) buộc các tổ chức phát hành công khai hơn đối với các kết quả kiểm tra sức ép đối với loại tài sản họ phát hành; (iii) khuyến khích tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chứng khoán.

Quản lý có mục tiêu

Trong khi đó, một số nhà chuyên môn cho rằng tùy mục tiêu, có thể đưa ra những cách quản lý hoạt động ngân hàng ngầm khác nhau. Theo đó, để tăng tối đa hiệu quả kinh tế của hoạt động ngân hàng ngầm, các nhà chức trách cần quản lý theo hướng đẩy mạnh khắc phục những bất cập thị trường. Quan trọng nhất là khắc phục bất cập về thông tin. Mạng lưới ngân hàng ngầm rất phức tạp.

Sự phức tạp này khiến việc minh bạch khó hơn, là nguyên nhân dẫn đến bất cập thông tin. Do đó, một câu hỏi là liệu các quy định có nên hướng tới việc đơn giản hóa hoặc tiêu chuẩn hóa ngân hàng ngầm để giảm bớt sự phức tạp hay không. Thí dụ, một trong những mục tiêu của Đạo luật Dodd-Frank (Hoa Kỳ) là để chuẩn hóa các hoạt động giao dịch phái sinh trong hệ thống SBS.

Tuy nhiên, chuẩn hóa có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn, chuẩn hóa các giao dịch phái sinh có thể làm tăng rủi ro hệ thống bằng cách tập trung các hoạt động phái sinh ở tầm mức cao. Tác động kinh tế chung của chuẩn hóa cũng không rõ ràng vì nó có thể kiềm chế đổi mới và giảm khả năng đạt hiệu quả tối ưu khi các công ty tạo ra những sản phẩm tài chính theo từng đối tượng nhà đầu tư khác nhau.

Có những bất cập khác cần khắc phục, đó là những bất cập duy lý - khi nhà đầu tư ít am hiểu về sản phẩm đầu tư nhưng vẫn tin rằng nó sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm có độ minh bạch cao; bất cập cấp quản lý - xung đột lợi ích giữa các cấp quản lý trong một thực thể ngân hàng ngầm, chẳng hạn các nhà phân tích đầu tư và phó giám đốc chiến lược hầu như luôn được trả thù lao ngắn hạn theo từng loại sản phẩm đầu tư, khiến định hướng dài hạn của họ bị lệch lạc...

Cách quản lý thứ hai nhắm đến mục tiêu giảm tối đa rủi ro hệ thống. Những khuyến nghị của FSB về các quy định đối với NHTM, MMFs và các giao dịch chứng khoán, repo nêu trên chính là nhắm đến mục tiêu giảm thiểu rủi ro của hệ thống SBS. Đạo luật Dodd-Frank cũng có điều khoản nhắm đến mục tiêu này khi yêu cầu các định chế tài chính phi ngân hàng phải tuân thủ những quy định về vốn, giới hạn đòn bẩy và nợ ngắn hạn, quy định về thanh khoản và công bố thông tin...

Các tin khác