Nga truy tìm tên lửa vác vai - Manpads

(ĐTTCO) - Như ĐTTC đã đăng loạt hồ sơ “Cuộc đua tên lửa toàn cầu” trên 2 số báo trước, tên lửa không còn là đặc quyền của vài nước mà đa phần các nước đều muốn có. 
Không chỉ các quốc gia có tiềm lực mà cả đội quân khủng bố cũng đang sở hữu. Hãng Sputnik đưa tin hôm nay 8-2 (giờ địa phương), lễ vinh danh quân sự phi công Roman Filipov sẽ diễn ra ở ở Voronezh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc trao danh hiệu Anh hùng Nga cho thiếu tá Filipov, người đã hy sinh sau khi chiếc chiến đấu cơ Su-25 do anh điều khiển bị lực lượng phiến quân bắn rơi tại Syria 5 ngày trước đó bằng tên lửa vác vai (Manpads).

Tên lửa tầm nhiệt
Chiếc Su-25 bị bắn rơi vào ngày 3-2 khi bay trên không phận thuộc khu vực giảm leo thang của tỉnh  Idlib. Filipov đã nhảy dù nhưng hy sinh trong trận chiến với những kẻ khủng bố dưới mặt đất. Anh giật chốt lựu đạn, tự sát trong vòng vây của phiến quân. Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov cho biết, chiếc Su-25 bị bắn rơi bằng tên lửa vác vai (Manpads) với đầu dò nhiệt.
“Cho đến khi xem xét vị trí máy bay rơi, vẫn chưa thể xác định đó là Manpads loại nào, loại cũ Strela hay loại mới Igla (do Nga sản xuất) hoặc Stinger của Hoa Kỳ. Theo quỹ đạo rơi của máy bay, có thể thấy động cơ bên phải bị cháy, có nghĩa tên lửa tầm nhiệt đã bắn trúng động cơ” - ông Shamanov nói.
Theo chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, Tổng Biên tập tạp chí Quốc phòng, ngoài việc có hành động quân sự đáp trả, Nga cần xác định bằng cách nào và từ nước nào mà Manpads lọt vào tay những kẻ khủng bố đã bắn rơi máy bay Nga.
Ông Korotchenko nhận định, một số cách Manpads có thể lọt vào tay khủng bố: “Chúng ta cần tìm hiểu đây là Manpads do nước nào sản xuất. Nếu đó là Stinger, bằng cách nào nó lọt vào tay al-Nusra (nhóm nhận trách nhiệm bắn rơi Su-25). Có thông tin rằng Hoa Kỳ cung cấp một số hệ thống vũ khí cho lực lượng người Kurd.
Khi đó cần phải yêu cầu Washington cho biết danh sách đầy đủ về việc họ giao thiết bị gì cho các nhóm vũ trang khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu xem có cung cấp Manpads hay không. Phương án thứ hai, Manpads có thể lọt vào Syria theo kênh Ukraine, trực tiếp hoặc qua Bulgaria”.
Tờ Russia Today cho biết, các lực lượng phiến quân Syria đang sở hữu nhiều loại Manpads có nguồn gốc từ Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc, chủ yếu là chiếm được từ kho vũ khí của quân đội chính phủ Syria hoặc dân quân người Kurd được Hoa Kỳ hỗ trợ.
Một số chuyên gia cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa Stinger và không loại trừ khả năng lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ loại vũ khí này. Tên lửa sau đó có thể bị tuồn ra thị trường chợ đen hoặc bị đánh cắp, cướp và cuối cùng lọt vào tay phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Nga truy tìm tên lửa vác vai - Manpads ảnh 1 Không chỉ các quốc gia có tiềm lực mà cả đội quân khủng bố cũng đang sở hữu tên lửa vác vai - Manpads. 
Nhộn nhịp thị trường vũ khí
Việc người Nga tìm “đường đi” của Manpads vào Syria đã phần nào phác họa được thị trường vũ khí thế giới sôi động thế nào. Cuối năm 2017, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho công bố một báo cáo đáng chú ý: Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán vũ khí toàn cầu tăng mạnh trong 5 năm do căng thẳng về địa chính trị.
Theo SIPRI, doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng 1,9% so với năm trước đó, đạt 374,8 tỷ USD. Tăng trưởng trong lĩnh vực bán vũ khí “đã được dự báo trước”, xuất phát từ việc “triển khai các chương trình vũ khí mới của các quốc gia, các hoạt động quân sự đang diễn ra ở một số nơi và những căng thẳng liên tục trong khu vực”. 
Các nhà sản xuất vũ khí ở Hàn Quốc, vốn cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho quân đội nước này, có tốc độ sản xuất tăng cao nhất trong số các nước phát triển. Chi tiêu cho sản suất vũ khí tăng nhanh cho thấy mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm ẩn với Triều Tiên. Doanh thu các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc đã tăng hơn 20% trong năm 2016, lên tới 8,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, các công ty Hoa Kỳ vẫn đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí trong năm 2016, với doanh số bán hàng tăng 4%, đạt hơn 217 tỷ USD. Hoa Kỳ chiến 58% tổng số doanh thu bán vũ khí toàn cầu. Công ty quốc phòng Lockheed Martin của Hoa Kỳ - nhà sản xuất lớn nhất thế giới - có doanh số bán vũ khí tăng 11% trong năm 2016, nhờ bán máy bay chiến đấu F-35 và mua lại thương hiệu máy bay trực thăng Sikorsky.
Bà Aude Fleurant, Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự của Viện SIPRI, cho rằng doanh thu bán vũ khí của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục tăng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn tăng ngân sách của Lầu Năm góc và tân trang lại kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. 
Bà Fleurant cũng cho hay các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như xung đột trên biển Đông, là nguyên nhân chính làm gia tăng doanh số bán vũ khí. Khu vực này là nơi có tuyến hàng hải quan trọng, trữ lượng dầu thô và khí đốt lớn. Căng thẳng ở khu vực biển Đông đã tăng từ năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các hòn đảo, trang bị sân bay, bến cảng và hệ thống vũ khí. Trung Quốc cũng ra cảnh báo các tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ phải tránh xa khu vực này.

Hàng nóng F-35
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc trang bị máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35 với tên lửa không-đối-đất có khả năng bắn trúng các mục tiêu xa trên mặt đất. Mục đích chính trong việc trang bị F-35 của Nhật Bản là chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp trên những đảo xa xôi của Nhật Bản, trong khi một số chuyên gia tin là Chính phủ Nhật Bản cũng đang nhắm vào việc có được khả năng tấn công những mục tiêu như các căn cứ của địch nhằm mục đích bảo vệ đất nước.
Máy bay phản lực chiến đấu F-35 sẽ thay thế máy bay F-4 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Máy bay F-35 có khả năng tàng hình tối tân, khó bị radar địch phát hiện. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự trù đưa vào sử dụng 42 máy bay F-35 và triển khai dần dần đến căn cứ không quân Misawa thuộc tỉnh Aomori. 
Hiện Chính phủ Nhật Bản dành sự quan tâm đối với Phi đạn tấn công Chung (JSM) do Na Uy chế tạo. Na Uy cũng là nước tham gia vào dự án quốc tế phát triển F-35. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện không có loại phi đạn không đối đất, nhưng JSM có cả khả năng không-đối-tàu và không-đối-đất với tầm bắn khoảng 300km.
Với việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển những chương trình hạt nhân và phi đạn và liên tục có những hành động khiêu khích, ngày càng xuất hiện thêm các lời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản phải có khả năng tấn công những căn cứ của kẻ thù để tăng cường khả năng ngăn chặn của Nhật Bản.
 Các Manpads có khả năng bắn rơi máy bay Nga
9K38 Igla: Tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla được Cục thiết kế (OKB) Kolomna phát triển từ năm 1972 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1983. Tổ hợp tên lửa này có thể được tích hợp hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) để tránh bắn vào máy bay đồng minh, cùng hệ thống tự động dẫn hướng bắn để đơn giản hóa việc khai hỏa. Igla có thể bắn hạ mục tiêu đạt tốc độ 1.300km/giờ, tầm bắn tối đa 5,2km và trần bắn 3,5km. 
FN-6: FN-6 là tên lửa vác vai thế hệ 3 do Trung Quốc phát triển. Dòng tên lửa này được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp và cực thấp, đạt tầm bắn 6km và trần bắn 3,5km.
FIM-92 Stinger: Stinger là dòng Manpads được Hoa Kỳ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay. FIM-92 được thiết kế chuyên để bắn hạ các phi cơ yểm trợ mặt đất có tốc độ cao, đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải. Mẫu FIM-92 cơ bản có tầm bắn 4,5km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Hoa Kỳ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 8km.
9K338 Igla-S: Vào đầu những năm 2000, Nga bắt đầu phát triển biến thể Igla tối tân mang tên 9K338 Igla-S, trước khi đưa vào biên chế năm 2004. Quả đạn được trang bị động cơ mới và tăng nhiên liệu mang theo, giúp tăng tầm bắn lên 6km trong khi trần bắn vẫn ở mức 3,5km. Igla-S có thể bắn hạ phi cơ có tốc độ tới 1.440km/giờ.
9K34 Strela-3: Tổ hợp Strela-3 được Liên Xô nghiên cứu nhằm thay thế cho dòng Strela-2. Việc sử dụng nền tảng tên lửa Strela-2 giúp đẩy nhanh quá trình phát triển. Loại tên lửa này được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô hồi đầu năm 1974. Tổ hợp Strela-3 có tầm bắn 4,1km và trần bắn 2,3km.

Các tin khác