Nga một mình chống lại tất cả

(ĐTTCO) - Cuộc họp khẩn của Hội đồng chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) diễn ra hôm qua 4-4 tại La Haye, Hà Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng sẽ “đặt dấu chấm hết” cho những căng thẳng xung quanh vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại Anh, mà các nước phương Tây cáo buộc Nga đứng sau vụ việc.

Chiến dịch trục xuất vội vàng
Theo Tổng thống Putin, Nga đưa ra ít nhất 20 câu hỏi tại cuộc họp lần này, đồng thời nhấn mạnh Moskva muốn được tham gia cuộc điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia trên lãnh thổ Anh. Tổng thống Putin cũng cho biết Ủy ban Điều tra LB Nga đã khởi tố vụ án hình sự vụ sát hại công dân Nga Yulia sau khi người này cùng với bố được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh, hôm 4-3.
Trước đó, Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm công nghệ và khoa học quốc phòng (DSTL) tại Porton Down, khẳng định quân đội Anh không thể chứng minh chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal được sản xuất tại Nga. Tuy nhiên, ông Aitkenhead cho biết DSTL đã xác định được chất độc được sử dụng trong vụ việc tại Salisbury thuộc nhóm chất độc thần kinh loại vũ khí quân sự thường được biết đến với tên gọi “Novichok”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng thể hiện ngạc nhiên về tốc độ diễn ra chiến dịch chống Nga sau khi Anh vội vàng đổ tội cho Nga đứng sau vụ việc trên. Đã có hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 quốc gia đã bị trục xuất. Đáp lại, Nga cũng đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây.
Trong cuộc họp báo ngày 2-4 tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các đối tác phương Tây, trước hết là Anh, Hoa Kỳ và một số nước theo đuôi mù quáng đã vứt bỏ mọi phép xã giao, công khai nói dối, bịa đặt, tung tin đánh lạc hướng dư luận. Tuy nhiên, Nga phản ứng một cách bình tĩnh và yêu cầu mọi cáo buộc phải có bằng chứng. Ông Lavrov nhấn mạnh nếu London không trả lời được các câu hỏi của Moskva, điều đó chứng tỏ vụ đầu độc ông Skripal hoàn toàn là một hành động khiêu khích thô bỉ. Cho đến nay, Nga vẫn bác bỏ mọi trách nhiệm về vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia. 
Nga một mình chống lại tất cả ảnh 1 Cha con điệp viên Skripal. 
Phép thử
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng vụ đầu độc liên quan đến cựu điệp viên Skripal rõ ràng chỉ có lợi cho Chính phủ Anh khi muốn hướng dư luận ra khỏi những vấn đề trong nội bộ nước Anh liên quan đến tiến trình Brexit. Chính phủ Nga cũng đã cáo buộc mục tiêu chính của một số nước phương Tây là ngăn chặn việc tổ chức vòng chung kết giải bóng đá thế giới (VCK) World Cup 2018 tại Nga bằng mọi cách.
Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ không muốn leo thang căng thẳng với Điện Kremlin. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại và dần khôi phục quan hệ với Nga nếu Nga sẵn sàng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Tổng thống nước này Emmanuel Macron sẽ vẫn tới thăm Nga và dự Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg vào tháng 5 tới, đồng thời nhận định rằng cần duy trì những cuộc trao đổi thẳng thắn với Moskva. 
TS. Nicholas Redman, Giám đốc phụ trách xuất bản thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Anh, nhận định: Những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay liên quan đến cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal chưa đủ quy mô trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho việc giải quyết quan hệ giữa 2 bên trong thời gian tới.
Theo TS. Nicholas Redman, cách gọi “Chiến tranh Lạnh” có thể gây ra sự hiểu nhầm về bản chất của những căng thẳng Nga - phương Tây hiện nay. Khác với Chiến tranh Lạnh trước kia, cuộc khủng hoảng đang diễn ra không phải là một cuộc đối đầu về ý thức hệ, cũng không ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, TS. Redman thừa nhận đây là cuộc xung đột nghiêm trọng về lợi ích quốc gia và về giá trị giữa các bên, chi phối mạnh mẽ chính trị nội bộ của các nước liên quan, cũng như quan hệ quốc tế. 
Theo TS. Redman, căng thẳng quan hệ Nga - phương Tây đang leo thang nhanh chóng sau những phản ứng rất cứng rắn của Anh sau khi “rút kinh nghiệm” từ vụ cựu điệp viên người Nga Alexander Litvienko bị nghi đầu độc bằng chất polonium tại thủ đô London hồi năm 2006.
Bên cạnh đó, Anh đang trong giai đoạn bất định về địa-chính trị, khi ngay cả quan hệ với đồng minh thân cận nhất là Hoa Kỳ có lẽ cũng không còn được như trước, trong khi quan hệ với châu Âu bị chi phối bởi các cuộc đàm phán Brexit đầy khó khăn. Vụ việc tại Salisbury được ví như "phép thử" về sự bền chặt của các mối quan hệ đồng minh chiến lược của mình, nhằm bảo đảm rằng những mối quan hệ này vẫn vững chắc và nước Anh không bị cô lập. 

Hướng đi tới
Những năm gần đây, quan hệ giữa Nga và phương Tây ở nhiều cấp độ trở nên xấu đi, sau khi phương Tây cáo buộc Nga can thiệp các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và châu Âu, tiến hành tấn công và do thám trên mạng, và can dự vào xung đột tại Ukraine, Syria... Tất cả những vấn đề này đã tích tụ lại và vụ việc tại Salisbury là cơ hội để các nước phương Tây thể hiện thái độ cứng rắn trong quan hệ với Nga.
TS. Redman cho rằng sẽ rất khó dự báo diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng hiện nay, vì vấn đề không chỉ là căng thẳng giữa Nga và Anh, mà câu chuyện này đã mở rộng sang quan hệ giữa Nga với các nước lớn khác. Những biện pháp trả đũa lẫn nhau cũng như tranh cãi qua lại giữa 2 bên sẽ khiến triển vọng làm dịu căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong tương lai gần rất thấp.
Tuy nhiên, vẫn còn sự đan xen lợi ích về an ninh và kinh tế. Phương Tây và Nga đều cần đến nhau, mà quyết định của một số nước châu Âu, gần đây nhất là Đức, về việc cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga là một minh chứng. Châu Âu cần khí đốt của Nga, trong khi Nga cần một khách hàng giàu có cho nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mình. 
Trang mạng Người quan sát của Trung Quốc nhận xét sự phát triển của Nga có một đặc điểm đáng chú ý là mỗi khi môi trường bên ngoài tồi tệ, sức mạnh quy tụ trong nước Nga được phát triển nhanh chóng. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế Nga cần không gian quốc tế rộng lớn, chính sách “hướng Đông” của Nga sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa, mong muốn và nhu cầu thực tế trong hợp tác kinh tế phát triển của Nga với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngày càng cấp bách trong vòng 6 năm tới dưới nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin.
6 năm tới sẽ là thời cơ rất tốt của hợp tác kinh tế Trung-Nga: Nga có nhiều nhu cầu mở rộng hợp tác với Trung Quốc, cùng với việc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tiến triển thuận lợi kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với “Liên minh kinh tế Á-Âu”, 2 nước Trung-Nga sẽ có sự đột phá khá lớn trong lĩnh vực kinh tế thương mại.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh LB Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Hoa Kỳ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn. Hiện con gái cựu điệp viên này là Yulia Skripal đã hồi tỉnh, có thể ăn uống và nói chuyện.

Các tin khác