NB 1 năm sau thảm họa (kỳ 2): Mối nguy Fukushima

Sống trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Nhật Bản đã trải qua vô số tai kiếp động đất và sóng thần, nhưng thảm họa lần này đặc biệt nghiêm trọng vì nó đã châm ngòi cho “quả bom nổ chậm”: sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Sống trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Nhật Bản đã trải qua vô số tai kiếp động đất và sóng thần, nhưng thảm họa lần này đặc biệt nghiêm trọng vì nó đã châm ngòi cho “quả bom nổ chậm”: sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Nguy cơ mất Tokyo

Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của sự cố hạt nhân Fukushima năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không nắm được mức độ thiệt hại thực tế tại nhà máy và họ đã bí mật xem xét khả năng sơ tán Tokyo. Tổ chức tư nhân Sáng kiến tái thiết Nhật Bản đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Theo đó, một nhóm 30 giáo sư, luật sư và nhà báo đã dành hơn 6 tháng điều tra về phản ứng của Nhật Bản khi thiên tai phá hỏng hệ thống làm mát ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Nhóm này đã phỏng vấn hơn 300 người, bao gồm các nhà quản lý hạt nhân cấp cao, quan chức chính phủ và cả Thủ tướng lúc đó là ông Naoto Kan. Họ được cấp quyền truy cập đặc biệt, một phần vì sức ép công luận mạnh mẽ, một phần vì người sáng lập tổ chức là Yoicho Funabashi - cựu tổng biên tập nhật báo Asahi Shimbun - một trong những nhà trí thức có uy tín nhất của Nhật Bản.

1 năm sau thảm họa, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn là hiểm họa lớn đe dọa sự bình yên xứ sở hoa anh đào.

1 năm sau thảm họa, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi
vẫn là hiểm họa lớn đe dọa sự bình yên xứ sở hoa anh đào.

Bản báo cáo 400 trang đã tái hiện thảm họa hạt nhân từ nhiều góc nhìn của những người trong cuộc. Các nhân vật chính như Thủ tướng Kan, lãnh đạo Công ty điện lực Tokyo (Tepco) và người quản lý Fukushima, đã không có sự phối hợp ăn ý với nhau. Sự mâu thuẫn của họ đã tạo ra dòng chảy thông tin hỗn loạn, đôi khi trái chiều trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng.

Bản báo cáo thuật lại những cuộc điện thoại dồn dập của người quản lý nhà máy Masao Yoshida gọi tới các quan chức đứng đầu chính phủ, tranh cãi rằng ông có thể đặt nhà máy vào tầm kiểm soát nếu như buộc nhân viên giữ vững vị trí; hoặc ông này đã làm ngơ các lệnh từ tổng hành dinh Tepco rằng không sử dụng nước biển để làm mát lò phản ứng… Báo cáo cũng mô tả bầu không khí u ám tại tư dinh của Thủ tướng khi một loạt các vụ nổ làm rung chuyển nhà máy vào ngày 14 và 15-3.

Ông Kan và các quan chức đã thảo luận về một kịch bản tồi tệ nhất nếu công nhân Nhà máy Fukushima Daiichi sơ tán. Nhà máy sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, phát tán một lượng lớn chất phóng xạ vào khí quyển, buộc các nhà máy hạt nhân gần đó cũng phải di tản theo và tình hình sẽ càng thêm tồi tệ.

Chánh thư ký nội các lúc đó là Yukio Edano đã báo động “một chuỗi phản ứng dây chuyền quỷ tha ma bắt” như thế có thể dẫn tới cuộc di tản thủ đô Tokyo cách đó 150 dặm về phía Nam: “Chúng ta sẽ mất Fukushima Daini, tiếp đó sẽ tới Tokai (tên 2 nhà máy điện hạt nhân khác). Nếu điều này xảy ra, chúng ta cũng sẽ mất Tokyo”.

Báo cáo viết Chính phủ Nhật Bản vì lo ngại gây ra hoảng loạn nên đã quyết định “nói giảm nói tránh” những mối nguy hiểm thực sự của sự cố. Chính phủ không chỉ giấu người dân mà còn giấu cả các đồng minh như Hoa Kỳ. Báo cáo dường như xác nhận mối nghi ngờ của các chuyên gia hạt nhân Hoa Kỳ rằng Chính phủ Nhật Bản đã không sẵn sàng ứng phó những mối nguy hiểm từ Fukushima, nhưng cũng cho thấy Chính phủ Hoa Kỳ đôi khi phản ứng thái quá và thổi phồng mối nguy, chẳng hạn như khi báo động nhầm các thanh nhiên liệu đã tiếp xúc với không khí, dễ bị tan chảy và phát tán một lượng lớn phóng xạ.

Cuộc chiến dài lâu

Giới chuyên gia ước tính phải mất khoảng 40 năm mới có thể hoàn toàn kiểm soát được sự cố Fukushima. Trong lúc này, nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn như bóng ma ám ảnh đất nước mặt trời mọc. Căn cứ vào những dữ liệu thu thập được từ các chuyến bay trên vùng trời Fukushima, Chính phủ Nhật Bản vừa công bố chỉ số phóng xạ từ các khu vực trong vùng cấm và vùng di tản mở rộng xung quanh nhà máy.

Các thông số không được tốt nên Chính phủ lên kế hoạch tái tổ chức vùng cấm 20km quanh nhà máy và vùng di tản mở rộng thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực ước tính mức độ phơi nhiễm phóng xạ hàng năm trên 50milisievert, tức hơn 9,5 microsievert mỗi giờ, trải dài chủ yếu ở phía Tây Bắc nhà máy sẽ bị kéo dài thời hạn cấm cư trú.

Trong lúc đó, Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố số liệu tỷ lệ thất nghiệp nhích từ 4,5% của tháng 12-2011 lên 4,6% trong tháng 1-2012, chi tiêu hộ gia đình giảm 2,3% so với năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng lõi giảm do giá cả tivi, tủ lạnh và các mặt hàng gia dụng khác tiếp tục đi xuống. Nhật Bản đã bị giảm phát nhiều năm và các chuyên gia kinh tế dự báo chiều hướng này sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa.

Nhằm đối phó giảm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước diễn biến ngày càng khó lường, tháng trước Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tuyên bố bơm thêm 130 tỷ USD cho nền kinh tế, đồng thời tăng mạnh chương trình mua tài sản từ 10.000 tỷ yen lên 65.000 tỷ yen. Động thái bất ngờ của BOJ đã giúp hạ nhiệt yen và thúc đẩy TTCK.

Trong những phiên giao dịch đầu tháng 3, TTCK Tokyo đã thiết lập các đỉnh cao trong 7 tháng và ngấp nghé ngưỡng 9.800 điểm. Dù còn cách xa so với trước thảm họa nhưng vẫn là dấu hiệu đáng mừng. Một số chuyên gia kinh tế - chính trị quốc tế cho rằng mặc dù 2011 là năm mất mát, thiệt hại nhưng cũng là động lực kích thích tinh thần thép của dân tộc Nhật Bản.

Các tin khác