Mỹ-Trung tranh giành số 1 siêu cường: Những cơn sóng ngầm

(ĐTTCO) - Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đang leo thang, khả năng sẽ kéo theo chiến tranh tiền tệ rất cao. 

Khi đó quyền lợi kinh tế các đối tác thương mại của 2 quốc gia này bị ảnh hưởng, vì bị lôi vào vòng xoáy của những xung đột nhằm bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình. Điều này có thể sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh kinh tế trên quy mô toàn cầu, dễ khiến thế giới rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới. 

Cả hai “vừa đấm, vừa xoa”
Từ tháng 4-2018 Trung Quốc đã có dấu hiệu làm suy yếu nhân dân tệ (NDT) khi căng thẳng thương mại giữa 2 nước ngày một trầm trọng. Và khi Hoa Kỳ đe dọa đánh thuế lên toàn bộ 560 tỷ USD hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc trong kim ngạch mậu dịch của mình, Trung Quốc tiếp tục đẩy giá trị NDT giảm mạnh, làm dấy lên lo ngại nguy cơ chiến tranh mậu dịch, kéo theo cuộc chiến tranh tiền tệ.
Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang nắm giữ thứ vũ khí tối thượng trong chiến tranh kinh tế: 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc kích hoạt “quả bom” này bằng cách bán tháo trái phiếu ra thị trường, hệ thống tài chính Hoa Kỳ sẽ rối loạn, kéo theo thị trường tài chính thế giới rơi vào hoảng loạn. Khi đó, các quốc gia sẽ kích hoạt các kế hoạch phòng vệ của mình, đồng nghĩa cuộc chiến tranh kinh tế quy mô toàn cầu sẽ bùng nổ.
 Căng thẳng thương mại có thể được chấm dứt, để đảm bảo cuộc chiến tranh kinh tế không bùng nổ và gây hại cho nền kinh tế toàn cầu.  Nhưng điều đó không có nghĩa, những vấn đề cơ bản trong xung đột lợi ích kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc đã được giải quyết. Cả 2 siêu cường chắc chắn sẽ không từ bỏ những kế hoạch đã được vạch ra. Vì vậy, sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tác động của những con sóng ngầm này.
Thế nhưng, cũng có quan điểm cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra, bởi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc không mạo hiểm đẩy mọi thứ đi quá xa. Về phía Trung Quốc, trước đó đã có nhiều động thái nhằm tránh tối đa khả năng bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Nước này đã liên tục cảnh báo và hô hào nhằm lôi kéo cộng đồng quốc tế gây áp lực để ngăn chặn chính quyền Donald Trump thực hiện các hành vi phát động chiến tranh. Phát ngôn viên Trung Quốc nêu rõ: "Quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần được khẳng định, chúng tôi sẽ không khơi mào và sẽ không áp thuế với hàng hóa từ Hoa Kỳ trước, nếu Hoa Kỳ không làm điều tương tự". 
Về phía Hoa Kỳ, khi ông Trump đang vấp phải những áp lực chính trị và chỉ trích nặng nề từ chính giới và các nhà đầu tư phố Wall, thậm chí là các nông dân vùng Trung Tây, những người đã từng bỏ phiếu cho ông ta tuyên bố rằng mình đã bị phản bội. Đặc biệt, kỳ bầu cử vào tháng 11 cũng đã đến gần, trong khi ông Trump dường như chưa có bất kỳ kế hoạch rõ ràng nào để đảm bảo giành chiến thắng.  

Hoa Kỳ: Chu kỳ khủng hoảng đe dọa 
Đây là thời điểm người ta đang nói nhiều đến chu kỳ khủng hoảng 10 năm: Năm 1987, khủng hoảng thị trường chứng khoán thế giới bùng nổ, bắt nguồn từ ngày Thứ hai đen tối ở Hoa Kỳ. Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu, từ bong bóng giá tài sản và vay nợ nước ngoài quá mức của Thái Lan, lan sang các quốc gia thị trường mới nổi ở châu Á. Năm 2007, bong bóng giá nhà đất nổ tung đã làm thị trường tài chính của Hoa Kỳ sụp đổ, và đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử vào mùa thu năm 2008. Vậy chu kỳ 10 năm là có thật và liệu nó có lặp lại vào 2018?
Nhưng khả năng để những đe dọa của ông Trump đối với việc tiếp tục đánh thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc khiến chiến tranh tiếp tục leo thang rất khó xảy ra. Bởi lúc này Tổng thống Hoa Kỳ đang gặp phải những chỉ trích nặng nề và áp lực chính trị ngày càng cao.
Mỹ-Trung tranh giành số 1 siêu cường: Những cơn sóng ngầm ảnh 1 Trong vài tháng tới, nhiều khả năng là trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Hoa Kỳ vào tháng 11, ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau để thảo luận các kịch bản kết thúc chiến tranh thương mại. 
Đảng Cộng hòa đang thúc giục ông Trump phải thảo luận với ông Tập Cận Bình để ngăn chặn chiến tranh thương mại leo thang. “Nếu để căng thẳng leo thang, các bên sẽ gây ra cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm và dần nhận chìm thế giới" - Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin Brady, người đứng đầu Ủy ban Cách thức và Phương tiện Quốc hội Hoa Kỳ, cảnh báo. 
Điều quan trọng là nhóm của ông Trump thừa hiểu rằng, nếu để chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ không chỉ gây chiến với Trung Quốc mà sẽ đẩy các nền kinh tế còn lại như Canada, Mexico và EU vào thế đối đầu.
“Nếu Hoa Kỳ tăng thuế quan, lên ô tô chẳng hạn, chúng tôi sẽ đoàn kết và phản ứng mạnh mẽ, để thể hiện rằng châu Âu là khối thống nhất và có quyền lực tối cao” - Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, phát biểu tại hội nghị kinh tế diễn ra tại miền Nam nước Pháp.
Thực tế, nếu chiến tranh leo thang, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại rất nặng nề và lâu dài, không phải như lời ông Trump phát biểu trước cử tri tại Michigan vào tháng 4 vừa qua: "Sẽ có một chút đau đớn ban đầu. Tuy nhiên, những người bạn nông dân của tôi, những người yêu nước, về dài hạn các bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều".
Các nhà phân tích cho rằng nếu để chiến tranh thương mại lây lan toàn diện, khả năng Hoa Kỳ lâm vào suy thoái trong năm 2019 với tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Và đó là điều dân chúng Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận khi họ mới chỉ vừa nếm trải cảm giác thoát khỏi bóng ma suy thoái kinh tế kéo dài suốt 10 năm (2007-2017). 

Trung Quốc:  “lưỡng bại câu thương”
Theo nhiều chuyên gia, những đòn tấn công của Hoa Kỳ chưa chắc đủ gây thiệt hại để buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhượng bộ. "Trong vòng 12 tháng tới, Trung Quốc có thể chịu đựng được nhiều hơn so với Hoa Kỳ" - Evan Medeiros, Giám đốc điều hành của Eurasia Group, nói. Bởi lẽ, một điều rất quan trọng là vị thế chính trị của ông Tập rất khác biệt so ông Trump, khi ông này có quyền ngồi ghế Chủ tịch Trung Quốc suốt đời và kiểm soát truyền thông rất tốt. Ông Tập cũng không phải chịu các áp lực chính trị từ các đảng phái đối lập như ông Trump.
Ông Tập có thể sử dụng thặng dư mậu dịch khổng lồ của mình, ước tính hơn 3.000 tỷ USD, để hỗ trợ các ngành sản xuất bị thiệt hại bởi chính sách thuế của Hoa Kỳ, giúp họ trụ vững trong thời gian tới, hoặc  có thể trợ giá đậu nành để người dân nước này không chịu các cú sốc lớn về giá cả. Trung Quốc đã từng áp dụng chiến lược này và tỏ ra thành công khi bảo vệ các ngành xuất khẩu khỏi bị tổn thương bởi cuộc đại suy thoái kinh tế hồi năm 2007-2008. 
Những phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đáng ngạc nhiên từ Trung Quốc trong những ngày vừa qua, dường như đã gửi đi một thông điệp rõ ràng cho ông Trump rằng, người Trung Quốc đã sẵn sàng cho một trò chơi kéo dài. Đây là điều ông Trump đang rất lo ngại: kịch bản sa lầy trong chiến tranh thương mại sẽ vùi lấp sự nghiệp chính trị non trẻ của vị tổng thống doanh nhân này. Tuy nhiên, những ngày qua thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục chao đảo và tình trạng “lưỡng bại câu thương” (cả 2 bên đều bị tổn thương, chẳng bên nào được lợi) là không thể tránh khỏi, nếu Trung Quốc nghĩ đến chuyện bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ để trả đũa.

Kịch bản kết thúc cuộc chiến
Kịch bản kết thúc chiến tranh có khả năng xảy ra, cao nhất là ông Trump nhận được một số nhượng bộ nhỏ từ Trung Quốc và tuyên bố chiến thắng. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng nói Trung Quốc đang chuẩn bị để tạo thuận lợi cho các công ty Hoa Kỳ tiếp cận thị trường, và ngưng chuyện ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Nếu ông Trump nhận được những loại nhượng bộ như vậy một cách chính thức, ngay lập tức ông ta sẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng chiến dịch của mình đã thành công.
Tuy nhiên, trên thực tế những nhượng bộ nhỏ như vậy sẽ không giải quyết, hoặc cải thiện được thâm hụt cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Để thực sự ngăn chặn được những bước tiến mạnh mẽ của Trung Quốc trong kế hoạch tranh chấp vị trí số 1 với nền kinh tế Hoa Kỳ, ông Trump buộc phải đẩy cuộc chiến đi xa hơn với cường độ cao hơn. Trung Quốc cũng hiểu rõ điều đó và nếu để chiến tranh thương mại đi đến tận cùng, Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại về kinh tế nhiều hơn so với Hoa Kỳ. Chính vì vậy, khả năng chiến tranh sẽ được 2 bên kết thúc trên bàn đàm phán.

Các tin khác