Myanmar thức giấc (kỳ 1): Ngôi sao mới tỏa sáng

Từng là nền kinh tế thịnh vượng nhất Đông Nam Á trong nửa thế kỷ trước chiến tranh thế giới thứ 2, Myanmar về sau suy giảm nghiêm trọng, trở thành một  trong những nước nghèo nhất khu vực hiện nay. Tuy nhiên, cùng với quá trình dân chủ hóa và mở cửa trong vài năm gần đây, Myanmar một lần nữa trở mình, hứa hẹn sẽ là ngôi sao mới ở khu vực.

Từng là nền kinh tế thịnh vượng nhất Đông Nam Á trong nửa thế kỷ trước chiến tranh thế giới thứ 2, Myanmar về sau suy giảm nghiêm trọng, trở thành một  trong những nước nghèo nhất khu vực hiện nay. Tuy nhiên, cùng với quá trình dân chủ hóa và mở cửa trong vài năm gần đây, Myanmar một lần nữa trở mình, hứa hẹn sẽ là ngôi sao mới ở khu vực.

Từ hè năm 2011, Myanmar liên tục được nhắc đến trên các diễn đàn và tạp chí nổi tiếng về kinh tế như một địa chỉ đầu tư mới cực kỳ hấp dẫn. Trong năm 2011, nước này phê chuẩn tới 20 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều hơn con số cộng lại của cả 2 thập niên qua và thậm chí vượt cả Việt Nam, nước được xem là địa chỉ đầu tư vừa nổi lên được ưu ái nhất.

Thay đổi

Từ một đất nước bị cô lập, Myanmar đang có những thay đổi rõ rệt, mở ra một thời kỳ kinh tế mới mẻ cho đất nước vốn đã “đóng cửa” với thế giới bên ngoài suốt nửa thế kỷ qua. Trên chính trường, trong năm qua Myanmar đã ban hành thêm 18 luật mới, trong đó có những điều luật được giới quan sát nước ngoài nhận định rất tích cực.

Thí dụ, đảng đối lập được chạy đua vào nghị viện, hoặc Luật Truyền thông đang được cân nhắc sửa đổi để giúp Myanmar trở thành một trong những môi trường thông tin tự do nhất khu vực. Từ khi lên nắm quyền năm 2011, Tổng thống Thein Sein được giới quan sát nhận định là một nhà lãnh đạo dân chủ và táo bạo.

Ông từng khiến giới quan sát ngạc nhiên khi “dám” thừa nhận chế độ có nhiều điểm sai lầm, thất bại và cần phải học từ nhiều nước khác, một điều chưa từng có trước đó. Đầu tháng 2, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Hla Tun công bố chi tiết về ngân sách của chính phủ, trong đó có việc nợ nước ngoài khoảng 11 tỷ USD.

Myanmar bất ngờ nổi lên như ngôi sao thu hút FDI trong năm 2011.

Myanmar bất ngờ nổi lên như ngôi sao thu hút FDI trong năm 2011.

Trên lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Myanmar cho biết đang tiến hành đẩy mạnh tư hữu hóa. Chính quyền Naypyidaw đặt mục tiêu tư nhân hóa 90% nền công nghiệp của đất nước, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.

“90% ngành công nghiệp quốc doanh sẽ được chuyển đổi sang lĩnh vực tư, song song với việc dân chủ hóa đất nước” - Bộ trưởng Công nghiệp Khin Maung Kyaw phát biểu với báo giới.

Ngày 5-2, các quan chức thuộc Cơ quan Quản lý vận tải hàng hải nội địa Myanmar cho biết sẽ tiến hành tư hữu hóa 4 công ty hàng không nội địa, vận tải hàng hải nội địa, bốc dỡ hàng hải và đóng tàu thuộc Bộ Giao thông. Việc chuyển đổi mô hình 4 công ty trên sẽ bắt đầu ngay trong năm nay, là một phần trong chương trình tư hữu hóa tầm cỡ quốc gia của chính quyền Naypyidaw, nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của nhiều ngành, nghề đã quốc hữu hóa từ những năm 60 của thế kỷ 20.

Trước đó, ngày 9-2-2010, Myanmar tuyên bố sẽ tư hữu hóa 3 bến cảng ở Rangoon, nơi thao túng 90% hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước. Cũng trong tháng 2-2010, chính quyền Naypyidaw công bố chương trình tư nhân hóa hơn 250 trạm xăng dầu trên cả nước.

Hệ thống đường sắt tại các đô thị trên cả nước cũng được đưa vào kế hoạch tư hữu hóa. Cho đến nay, có 8 công ty tư nhân đang hợp tác khai thác hệ thống đường sắt xung quanh thành phố Yangon (thủ đô cũ).

Những thế lực kinh tế từng áp đặt lệnh cấm vận lên Myanmar như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh những thay đổi ở Myanmar, cho biết sẽ gỡ bỏ dần những biện pháp cấm vận từng trói buộc nền kinh tế nước này nhiều thập niên qua.

Ngày 23-1, EU cho biết trước tiên sẽ bỏ lệnh cấm thị thực với Tổng thống Myanmar và các quan chức chính phủ nhờ những tiến bộ nước này đạt được, đồng thời có thể dỡ bỏ hoàn toàn các cấm vận kinh tế đối với Myanamar vào tháng 4 tới.

Tương tự, ngày 6-2, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố gỡ bỏ nhiều hình thức cấm vận đối với Myanmar. Quyết định này cho phép Myanmar nhận hỗ trợ về kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…

Kêu gọi đầu tư

Tại triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 8 ở Naning (Trung Quốc) vừa qua, U Aung Naing Oo, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế Myanmar, cho biết nước này đang có những chính sách mời gọi đầu tư cực kỳ hấp dẫn, trong đó có kế hoạch miễn thuế 8 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Myanmar sẽ thông qua luật đầu tư sửa đổi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào cuối tháng này.

Số liệu công bố của Chính phủ Myanmar vào tháng 6-2011 cho biết vốn FDI đổ vào nước này trong năm tài khóa 2010-2011 đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, với 8,27 tỷ USD từ đại lục và 5,39 tỷ USD từ Hồng Công. Sau đó là các nhà đầu tư Thái Lan, với 2,49 tỷ USD. Khoảng 10,2 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Trong 3 tháng đầu năm tài khóa này (từ tháng 4 đến 6-2010), lượng vốn FDI đổ vào Myanmar đạt 16 tỷ USD. Đây là con số nhảy vọt đáng kinh ngạc, bằng cả thời gian từ khi Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar được triển khai năm 1988 đến ngày 31-3-2010 (16,05 tỷ USD).

Như vậy, nhờ các chính sách mở cửa, chỉ 1 quý Myanmar đã thu hút FDI bằng 20 năm trước. Với 20 tỷ USD, FDI của Myanmar đạt tăng trưởng 667% so với năm tài khóa trước đó (302 triệu USD), chiếm tỷ lệ 50% so với GDP. Trong khi đó, nước thu hút FDI lớn nhất là Hoa Kỳ chỉ có tỷ lệ FDI/GDP 16%.

FDI tăng mạnh, cộng với những chính sách cải tổ trong hoạt động chống tham nhũng và hệ thống hối đoái giúp nội tệ Myanmar, đồng kyat tăng tới 25% trong năm qua. Bộ trưởng Hla Tun ước tính kinh tế Myanmar tăng 8,8% trong năm ngoái.

------------

Kỳ 2: Con hổ mới của châu Á?

Các tin khác