Mỹ-Ấn: Bằng mặt, không bằng lòng - Kỳ 1: Đến hẹn lại... hứa

(ĐTTCO) - Từ ngày Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ, quan hệ  Mỹ-Ấn đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây căng thẳng thương mại giữa New Delhi và Washington đã leo thang, khi chiến lược “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump xung đột với cuộc vận động “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) của Thủ tướng Narendra Modi.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã bất ngờ hủy chuyến thăm lên kế hoạch ngày 14-2 đến Ấn Độ để đàm phán về các bất đồng thương mại giữa 2 bên, với lý do không mấy thuyết phục: “Thời tiết xấu và các vấn đề kỹ thuật cũng như các vấn đề hậu cần khác”. Đây chỉ là một trong nhiều lần 2 bên đã bỏ lỡ các cuộc đàm phán thương mại.

3 bất đồng
Từ khi lên nắm quyền, nhắm tìm một thế lực đối trọng với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Trump đã rất chú trọng quan hệ đối tác với Ấn Độ. Vào năm 2017, nhân một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Trump đã quyết định thắt chặt hơn nữa quan hệ với New Delhi bằng cách thiết lập một cơ chế đối thoại chiến lược gọi là 2+2, bao gồm lãnh đạo ngành ngoại giao và quốc phòng của 2 nước. Trên nguyên tắc, vào tháng 4-2018, cơ chế đối thoại này họp phiên đầu tiên. Tuy nhiên, cuộc họp đã bị hủy bỏ do ông Trump bất ngờ cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson. Đối thoại đã được dời lại cho đến ngày 6-7-2018. Chương trình nghị sự cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, trong đó có các vấn đề như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và Iran, hay các thương vụ vũ khí, và tranh chấp thương mại.
Mỹ-Ấn: Bằng mặt, không bằng lòng - Kỳ 1: Đến hẹn lại... hứa ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp song phương tại
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Philippines ngày 13-11-2017.  
Thế nhưng tối 27-6, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã điện thoại cho đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj để loan báo việc Mỹ hoãn cuộc họp vì những lý do “bất khả kháng”. Lần này, không thấy Mỹ thông báo thời điểm cuộc họp kế tiếp. Khi đó, cả 2 bên đều không cho biết là những lý do “bất khả kháng” ngoại trưởng Mỹ nêu lên là gì. Song các nhà phân tích đã ghi nhận ít nhất 3 điểm bất đồng đang khuấy động quan hệ giữa Washington và New Delhi, đặc biệt sau quyết định của Tổng thống Trump tái lập trừng phạt Iran, duy trì trừng phạt Nga, và áp đặt thuế quan trên các mặt hàng nhôm thép nhập vào Mỹ.
Trong lĩnh vực vũ khí, Ấn Độ cho đến nay mua rất nhiều vũ khí của Nga, và cũng muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Vấn đề là hiện nay, New Delhi đã hoàn tất cuộc đàm phán mua hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga, và lô hàng đầu tiên dự kiến được giao vào tháng 10-2020, theo truyền thông Ấn Độ. Điều này hiển nhiên không làm Mỹ hài lòng. Washington đã phản đối thương vụ đó của New Delhi và đe dọa rằng, việc Ấn Độ mua S400 của Nga có thể tác hại tới khả năng hợp tác Mỹ-Ấn trong tương lai.
Mỹ cũng yêu cầu Ấn Độ tích cực tham gia chiến dịch trừng phạt Iran mà Washington đơn phương khởi động. Tuy nhiên, Ấn Độ là một trong những khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, với lượng mua dầu thô chỉ sau Trung Quốc. Còn Iran là nhà cung cấp dầu cho Ấn Độ lớn thứ 3, chỉ thua Iraq và Saudi Arabia. Chính vì vậy, Ấn Độ vẫn bất chấp lời kêu gọi của Mỹ để tiếp tục mua dầu của Iran. Không chỉ vậy, hồi tháng 9-2018, một quan chức dầu khí Ấn Độ còn khẳng định “Ấn Độ chỉ công nhận lệnh trừng phạt do Liên hiệp quốc đưa ra”. Điều tương tự cũng diễn ra với các lệnh trừng phạt Venezuela của Mỹ. Ấn Độ hiện cũng phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ để tiếp tục mua dầu của chính phủ Maduro. 
Hồ sơ thứ 3 liên quan đến các thuế quan Mỹ áp đặt trên nhôm và thép nhập vào Mỹ, trong đó có sản phẩm của Ấn Độ. New Delhi đã từng đề nghị Washington cho miễn thuế quan, dù nhôm và thép không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ vào Mỹ. Theo dữ liệu của tổ chức IHS Global Trade Atlas, trong năm 2017 Mỹ chỉ chiếm 2% lượng thép xuất khẩu và 2% lượng nhôm xuất khẩu của Ấn Độ. 

Ấn Độ hành động
Đáp lại việc áp thuế nhôm thép của Mỹ, Ấn Độ - nước nhập khẩu rất nhiều hạnh nhân từ Mỹ - đã nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này thêm 20%. Bên cạnh đó, New Delhi còn đánh thuế 120% trên quả óc chó. Tổng cộng, trong năm ngoái Ấn Độ đã đề xuất hàng loạt thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, trị giá gần 900 triệu USD. Vào tháng 10 năm ngoái, ông Trump đã mô tả Ấn Độ là một "vua thuế quan", khi ông nhắc lại cáo buộc của mình rằng New Delhi có mức thuế suất cao đối với các sản phẩm khác nhau của Mỹ. 
Trong thực tế, mức thuế trả đũa được đề xuất của Ấn Độ ít hơn nhiều so với Trung Quốc, với hơn 800 sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, chiếm khoảng 20,6 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2017. Theo sau Trung Quốc là Canada (2,6 tỷ USD), Mexico (2,5 tỷ USD), Liên minh châu Âu (1 tỷ USD) và Thổ Nhĩ Kỳ (250 triệu USD), trong việc áp thuế trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Các quốc gia nói trên đều áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để trả đũa các hành động chính quyền Trump đã thực hiện vào tháng 3-2018 để bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ, nhằm đáp ứng các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ. Kể từ đó, hơn 800 thực phẩm và nông sản của Mỹ đã phải chịu thuế trả đũa từ Trung Quốc, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mexico. Theo dữ liệu xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu của Mỹ sang các nước trả đũa đạt tổng cộng 26,9 tỷ USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, các đề xuất thuế của Ấn Độ đã liên tục được hoãn lại. "Ấn Độ đã đề xuất thuế trả đũa đối với táo, hạnh nhân, quả óc chó, đậu xanh và đậu lăng của Mỹ, nhưng họ đã trì hoãn việc thực hiện trong khi chờ đàm phán với chính quyền Trump" - Cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội lưỡng đảng (CRS), cho biết. Ấn Độ xếp thứ 3 trong các điểm đến cho xuất khẩu táo của Mỹ trong năm 2017, mua 97 triệu USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. "Chính phủ Ấn Độ đề xuất áp dụng mức thuế trả đũa 30% đối với hàng nhập khẩu táo Mỹ vào ngày 31-1-2019" - CRS cho biết. So sánh, xuất khẩu táo của Mỹ sang Mexico và Trung Quốc hiện phải chịu mức thuế trả đũa bổ sung lần lượt 20% và 40%. 
Nhằm giảm bớt tác động bất lợi của thuế quan trả đũa đối với nông dân và chủ trang trại tại Mỹ, chính quyền Trump đã thực hiện các biện pháp thông qua gói hỗ trợ thương mại trị giá 12 tỷ USD. Theo đó, USDA cam kết thanh toán trực tiếp cho nông dân các mặt hàng được lựa chọn chịu thuế, cũng như mua số lượng dư thừa của một số mặt hàng và cung cấp tài trợ cho các nỗ lực xúc tiến thương mại bổ sung. 
 Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ trong năm 2017-2018 đạt 47,9 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu đạt 26,7 tỷ USD. Vì thế, New Delhi dường như vẫn dưới cơ Washington nếu thực sự cuộc chiến thương mại nổ ra. Đây có thể là lý do khiến Ấn Độ nhiều lần dời các hạn chót nâng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ.

(Còn tiếp)

Các tin khác