Lò lửa Ấn Độ - Pakistan chờ nổ-Kỳ 2: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

(ĐTTCO) - Các cuộc không kích ăn miếng trả miếng giữa Ấn Độ và Pakistan gây lo ngại về nguy cơ chiến tranh toàn diện. Và viễn cảnh đáng sợ khi 2 nước có gần 300 đầu đạn hạt nhân chĩa vào nhau.

Hậu quả thảm khốc
Năm 1998, cả Pakistan và Ấn Độ đều thử vũ khí nguyên tử. Pakistan phóng thành công tên lửa tầm xa Ghauri, mang tên một chiến binh Hồi giáo từng chinh phục Ấn Độ hồi thế kỷ 12. Năm 2002 đến lượt Ấn Độ thử hỏa tiễn Agni có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước được cho sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân. 2 quốc gia này từng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và tên lửa mang khả năng hạt nhân.
Điều đó cho thấy 1 trong 2 phía có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân bất cứ khi nào cần thiết. Ông Ankit Panda, thành viên cấp cao Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ tại Washington D.C, nhận định: “Điều cần phải hiểu ở đây là cả Ấn Độ và Pakistan đều dễ tổn thương trước năng lực hạt nhân của nhau. Một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực Nam Á nếu xảy ra sẽ rất thảm khốc. Họ có thể tấn công vào các trung tâm đô thị chính của nhau”. 
Đáng lưu ý, vũ khí hạt nhân ở Pakistan hoàn toàn do quân đội kiểm soát, trong khi quân đội lại có rất nhiều phần tử cực hữu. Giả sử họ thua trong các trận chiến đấu bằng vũ khí thông thường, những phần tử này không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong tình hình như vậy, 1 cuộc chiến tranh tổng lực giữa 2 nước như 1 cuộc chiến tranh trước đây, sẽ hủy diệt cả Ấn Độ lẫn Pakistan.
Theo Hiệp hội Các nhà khoa học hạt nhân (Bullentin of Nuclear Scientists), cuộc chiến hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ, hoặc thậm chí chỉ là cuộc tấn công vào thành phố lớn sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ để lại hậu quả thảm khốc và gây chấn động trên toàn thế giới. Pakistan mất chưa tới 4 phút để phóng 1 tên lửa tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu 100 quả bom nguyên tử có sức công phá lớn như vụ nổ hạt nhân Hiroshima bị thả xuống các thành phố của Ấn Độ và Pakistan? 30 triệu người sẽ thiệt mạng ngay lập tức, và phóng xạ lan tràn ra khắp một vùng rộng lớn, bao gồm Ấn Độ, Pakistan cộng thêm Iran, Tây Tạng, Afghanistan, Bangladesh, Myanmar... Bão lửa sẽ hình thành, giải phóng một lượng lớn khói bụi độc hại vào bầu khí quyển.
Điều này sẽ làm giảm 10% lượng mưa toàn cầu và giảm nhiệt độ đột ngột. Cây trồng sẽ không thể phát triển được khi khói bụi che lấp ánh sáng mặt trời. Khí hậu trái đất có thể bị ảnh hưởng trong ít nhất một thập kỷ, hoặc lâu hơn. Hậu quả rất tàn khốc. Các chuyên gia của Đại học Tổng hợp Rutgers, Mỹ, ước tính hơn 2 tỷ người có nguy cơ chết đói. 

Sẽ khủng hoảng kinh tế? 
Hậu quả trước mắt của tình hình căng thẳng đã thấy rõ. Ngày 27-2, Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan ra thông báo đóng cửa không phận nước này, làm ảnh hưởng đến các hãng hàng không có đường bay qua nước này, trong đó có Vietnam Airlines, Thai Airways, Singapore Airlines và British Airways… đi châu Âu.
Ngay lập tức ngày 28-2, chứng khoán Ấn Độ, Pakistan, Nepal… giảm mạnh. Chứng khoán châu Âu, châu Á cũng không ngoại lệ. KOSPI đóng cửa với 2.195,44 điểm, thấp hơn 1,76% so với phiên giao dịch trước đó. Hang Seng mất 124,26 điểm, tương đương 0,43%, trong khi Nikkei 225 cũng mất tới 0,79%, tương đương 171,35 điểm.
Lò lửa Ấn Độ - Pakistan chờ nổ-Kỳ 2: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân ảnh 1 Vũ khí Ấn Độ được đặt trong tình trạng báo động cao. 
Sự căng thẳng này còn tác động tiêu cực đến kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ tướng Imran Khan nhằm cứu nền kinh tế của Pakistan đang bị chìm trong khủng hoảng hiện nay. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang phải chịu áp lực rất mạnh trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến được tổ chức vào tháng 4 tới.
Mặc dù các nhà phân tích chính trị cho rằng đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng N. Modi có cơ hội thắng cử lớn nhất, nhưng cuộc cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Trong lúc này ông N. Modi không được phép phạm bất cứ sai lầm nào, bởi vì cái giá của sai lầm sẽ rất đắt.
Ông As Dulat, cựu giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ, người từng là cố vấn cho thủ tướng Ấn Độ về vấn đề Kashmir từ năm 2000-2004, cho biết Ấn Độ khó có thể duy trì việc sử dụng giải pháp quân sự. Bởi lẽ, bất kỳ sự leo thang quân sự nào đều có tác động bất lợi, không chỉ đối với 2 nước mà còn cả thế giới. “Nam Á đang là khu vực được toàn cầu theo dõi.
Do đó, cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi 2 nước kiềm chế” - ông Dulat nói với tờ báo Hongkong South China Morning Post. Chuyên gia Sreeram Chaulia, nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học O.P. Jindal Global, Ấn Độ, cũng dự đoán xung đột quân sự sẽ sớm lắng xuống. Nhưng ông cũng lo ngại các nhóm phiến quân được cho là do Pakistan hậu thuẫn, sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào Ấn Độ.
Theo một số nhà phân tích, để tiến trình hòa bình diễn ra, các nhà lãnh đạo của cả 2 nước cần thay đổi trọng tâm đối thoại, tập trung vào vấn đề kinh tế - xã hội, thay vì quan tâm nhiều đến tranh chấp tại khu vực Kashmir. Khi đó tình hình căng thẳng có thể dần hạ nhiệt. 

Giải pháp ngoại giao 
Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ có lợi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan đòi sử dụng các biện pháp quân sự để lấy lại toàn bộ vùng Kashmir. Đây là nơi đại bộ phận người Hồi giáo sinh sống, trong đó có căn cứ của “Jaish-e-Muhammad”, là tổ chức đã tấn công vào Quốc hội Ấn Độ và thành phố Mumbai năm 2001. Chính vì vậy, chỉ sau vài giờ bắn hạ 2 máy bay và bắt sống phi công của Ấn Độ, Thủ tướng Imran Khan của Pakistan đã kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ đối thoại để giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Islamabad và New Dehli. Ngoại trưởng Ấn Độ Shusshma Suwaresh cũng tuyên bố Ấn Độ “không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa” với Pakistan sau các cuộc không kích vào lãnh thổ Pakistan.
Phía Pakistan đã thả viên phi công Ấn Độ bị bắt vào ngày 1-3 như một cử chỉ thiện chí. Viên phi công - Trung tá Không quân Abhinandan, trở thành tâm điểm của cuộc xung đột ở khu vực Kashmir, sau khi một video quay cảnh người này đang bị quân đội Pakistan bắt giữ. Phó Nguyên soái Không quân Ấn Độ RGK Kapoor, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì phi công của chúng tôi được thả”.
Áp lực quốc tế cũng là nhân tố giúp giảm căng thẳng. Các nước trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ lo ngại về tình hình chiến sự và mong muốn Ấn Độ và Pakistan sớm đàm phán hòa bình. Các nước Anh, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, kêu gọi chính phủ 2 nước thực hiện các biện pháp kiềm chế nhằm đảm bảo tình hình căng thẳng không trở nên tồi tệ hơn.
Trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã từng đề nghị Mỹ, Trung Quốc và Nga làm trung gian hòa giải về ngoại giao. Lần này cũng vậy. Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng đang gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, trong cuộc điện thoại với Ngoại trưởng Trung Quốc, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi, hy vọng Trung Quốc sẽ đóng “vai trò xây dựng” và hỗ trợ xoa dịu căng thẳng đang gia tăng, theo hãng tin Reuters.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Pakistan tại Mỹ, ông Asad Majeed Khan cho biết nước này mong muốn chính quyền của Tổng thống Donald Trump thể hiện vai trò chủ động hơn trong giải quyết căng thẳng lần này. Nhà Trắng lên án cuộc xung đột và yêu cầu 2 nước thực hiện ngay lập tức các biện pháp để giảm tình trạng leo thang xung đột. Liên minh châu Âu cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về nguy cơ leo thang xung đột quân sự. Nga đề nghị đóng vai trò làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan. 
 Việc tìm kiếm giải pháp vẫn phụ thuộc phần lớn vào chính phủ Ấn Độ và Pakistan. Nếu 2 bên không thu hẹp được bất đồng sẽ dễ rơi vào cuộc chiến tranh hạt nhân, với hậu quả vượt ra ngoài lãnh thổ của cả Ấn Độ và Pakistan.

Các tin khác