Lò lửa Ấn Độ - Pakistan chờ nổ - Kỳ 1: Lịch sử đối đầu

(ĐTTCO) - Ấn Độ và Pakistan đang cùng hướng tới kỷ niệm 72 năm độc lập vào tháng 8 tới. Song sự xung đột giữa 2 nước lớn ở Tiểu lục địa Nam Á, dù đã có nhiều nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng, nhưng 2 bên vẫn chưa giải quyết được các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định, thậm chí làm tăng khả năng leo thang mới.

Quan hệ thù địch giữa Ấn Độ (1,3 tỷ dân) với Pakistan (212 triệu dân) đã có từ ngày 2 quốc gia này hình thành năm 1947. Đó là khi Ấn Độ và Pakistan giành độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Anh vào năm 1947, trong suốt hơn 70 năm qua, 2 nước đã xảy ra 4 cuộc chiến, 3 trong số đó vượt qua khu vực tranh chấp ở Kashmir. Vì sao lại xảy ra cuộc tranh chấp triền miên này?

Hơn nửa thế kỷ thù địch
Thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ (bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh) được chia thành 500 vương quốc, công quốc, lãnh địa nhỏ do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực thật do người Anh nắm giữ. Người Anh làm chủ bộ máy hành chính, quân đội, hệ thống hỏa xa, bưu chính, ngoại giao nhưng không can thiệp vào các tập tục văn hóa, tôn giáo bản địa. Trong số đó, Jammu và Kashmir là 2 trong số hàng trăm lãnh địa trên nắm quyền mạnh nhất. 
Vùng đất của đa số người Hồi giáo nằm về phía Tây tiểu lục địa cũng chỉ mới có tên Pakistan vào năm 1933. Vào tháng 8-1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á, cắt Pakistan thành nước cho người theo Hồi giáo. Còn Ấn Độ là quốc gia có đa số người theo Ấn giáo và các đạo khác. Chừng 14 triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa, phải chọn trở thành công dân của 1 trong 2 quốc gia mới trong cuộc chia cắt vĩ đại, gọi là “Partition”.
Đã có khoảng 2 triệu người bị giết trong xung đột theo sau cuộc di cư khổng lồ, tạo ra không khí thù địch mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc đầu tiên cho 2 nước. Các tiểu vương quốc đều phải chọn hoặc trở thành bộ phận của Pakistan hoặc Ấn Độ. Theo đó, vùng đất bang Jammu và Kashmir đã không chọn theo Pakistan. Vì thế tháng 10-1947, một nhóm vũ trang từ Pakistan đem quân vào chiếm Kashmir.
Lò lửa Ấn Độ - Pakistan chờ nổ - Kỳ 1: Lịch sử đối đầu ảnh 1  
Vị tiểu vương ở Kashmir kêu gọi Ấn Độ trợ giúp, và giao tranh Ấn Độ - Pakistan lần 1 tại Kashmir nổ ra. Từ tháng 5-1948 đến tháng 1-1949, quân chính quy Pakistan giao tranh với quân đội Ấn Độ. Sau đó, Liên hiệp quốc phải cử quân gìn giữ hòa bình vào phân giải tranh chấp tại Kashmir giữa 2 nước. Nhưng lời hứa mở trưng cầu dân ý để người địa phương tự quyết đã không được thực hiện. Năm 1954, Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn luật đưa Jammu và Kashmir vào lãnh thổ Cộng hòa Ấn Độ.
Phần do Ấn Độ kiểm soát chỉ chiếm 2/3 Kashmir, nay có khoảng 12 triệu dân. Năm 1957, bang Kashmir thuộc Ấn Độ thông qua hiến pháp, dựa trên căn bản Hiến pháp Ấn Độ. Bên phía Pakistan, vùng bán tự trị Azad Jammu và Kashmir được thành lập. Từ “azad” trong tiếng Pakistan có nghĩa là tự do, hàm ý đây là sự lựa chọn của người địa phương. Mặt khác, Pakistan không công nhận bang Kashmir do Ấn Độ lập ra.

2 bên tố cáo nhau
Năm 1962 và 1963, sau chiến tranh Trung - Ấn ở vùng núi Himalaya, Ấn Độ và Pakistan đồng ý mở đàm phán về biên giới ở Kashmir dưới sự bảo trợ của Mỹ và Anh, tuy nhiên đã không đạt được kết quả. Năm 1965, chiến tranh lần 2 giữa Ấn Độ - Pakistan nổ ra. Đến năm 1971, giao tranh giữa 2 nước lan rộng vì vấn đề Đông Pakistan, vùng nói tiếng Bengal, độc lập tách ra khỏi Pakistan. Ấn Độ đưa quân vào trợ giúp người bản địa chống lại quân đội Pakistan. Đông Pakistan tuyên bố độc lập, thành nước Bangladesh vào cuối 1971.
Năm 1974, Islamabad công nhận Bangladesh, ký đường Kiểm soát Hành chính tại Kashmir với Ấn Độ dài 450 dặm, nhưng không công nhận bang Kashmir thuộc Ấn Độ. Phong trào vũ trang Hồi giáo Jammu và Kashmir chống Ấn Độ được Pakistan công khai hỗ trợ. Tháng 5-1999, Ấn Độ oanh kích lực lượng do Pakistan yểm trợ tại vùng núi phía Bắc Kargil do Ấn Độ kiểm soát. Sau đó trong nhiều tháng, Ấn Độ liên tục pháo kích vào các vị trí trong khu vực họ cho là quân khủng bố kiểm soát, làm 50.000 dân ở 2 bên đường giới tuyến phải sơ tán, trở thành người tỵ nạn.
Năm 2010-2017, phong trào đòi độc lập cho Kashmir lên cao. Các vụ tấn công vào quân đội Ấn Độ cũng rải rác xảy ra. Ngày 22-11-2018 vụ tấn công tự sát nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi (Pakistan), Pakistan đã cáo buộc Ấn Độ đứng đằng sau vụ tấn công này nhằm thay đổi các chương trình hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan, cũng như ủng hộ quân nổi dậy dân tộc ở Baluchistan. Vùng Baluchistan nằm trên biên giới của Afghanistan và Iran, có trữ lượng khí thiên nhiên và khoáng sản phong phú.
Trong khi đó, Ấn Độ cáo buộc Pakistan nuôi dưỡng các chiến binh Hồi giáo trong khu vực tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Ấn Độ. Cứ như vậy, từ nhiều năm nay, quân đội 2 nước thường xuyên xảy ra đấu súng trên đường kiểm soát chung. 2 nước đều đưa ra những số liệu cáo buộc bên kia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký kết vào năm 2003, sau cuộc xung đột giành quyền kiểm soát sông băng Siachen.
Phía Ấn Độ cáo buộc chỉ riêng năm 2018, quân đội Pakistan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tới 2.936 lần trên đường kiểm soát chung. 61 người thiệt mạng, 250 người bị thương vì các vụ nổ súng của Pakistan. Phía Pakistan cũng đưa ra số liệu cáo buộc lực lượng quân đội Ấn Độ đã 1.400 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cho đến tháng 8-2018.

Xung đột leo thang
Vào giữa tháng 2-2018 vừa qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên xấu đi, sau khi phiến quân JeM tiến hành cuộc tấn công tự sát vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir, khiến 46 binh sĩ thiệt mạng. Đây được coi là tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên do phiến quân gây ra. 
Phiến quân JeM (Jaish-e- Mohammad), có trụ sở ở Pakistan, đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Điều này dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội ở Ấn Độ, kêu gọi báo thù cho những binh sĩ thiệt mạng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối mặt với áp lực lớn để đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Ngày 15-2, Ấn Độ tuyên bố sẽ cô lập toàn bộ Pakistan.
Tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Ấn Độ cắt nguồn nước từ các con sông Stalj, Beas và Raffi đang cung cấp nước cho Pakistan. Ngày 19-2, tin tức nói có thêm 4 binh sĩ Ấn Độ bị bắn chết trong cuộc đọ súng với dân quân Hồi giáo được Pakistan ủng hộ. Ngày 26-2, không quân Ấn Độ không kích tại địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố ở biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Không quân Pakistan đã bắn hạ 2 tiêm kích của Ấn Độ. 
Tình hình biên giới Ấn Độ và Pakistan trở nên rất căng thẳng khi 2 nước đã không chiến, pháo kích và không kích vào lãnh thổ của nhau. Pakistan nói họ tiến hành 6 vụ không kích vào khu Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, sau khi máy bay Ấn Độ xâm phạm không phận Pakistan. Ấn Độ cũng tuyên bố đáp trả bằng việc bắn rơi chiến đấu cơ F-16 của đối phương. Ngày 1-3, Thiếu tướng Surinder Singh Mahal của Ấn Độ, cho biết các chiến đấu cơ Pakistan liên tiếp ném bom vào các vị trí đồn trú của họ nhưng không gây ra tổn thất nào đáng kể. Trong ngày sau đó, giao tranh vẫn tiếp tục giữa 2 nước ở biên giới vùng Kashmir, phía Pakistan cho biết có thêm 1 trực thăng Ấn Độ bị rơi ở vùng Kashmir.
 Căng thẳng ở lò lửa Ấn Độ - Pakistan nảy sinh từ quyết định chia đôi khu vực của Anh năm 1947, tạo thành Ấn Độ đa số người Hindu và Pakistan đa số Hồi giáo. Chiến tranh bùng nổ ngay khi Kashmir đòi độc lập. Vị hoàng tử giành chiến thắng trong cuộc chiến này là người theo Hindu và ông đã cậy nhờ sự chống lưng của quân đội Ấn Độ đổi lấy việc sáp nhập vào Liên minh Ấn, dù dân chúng vùng này đa số người Hồi giáo.
(Còn tiếp)

Các tin khác