Leo thang bảo hộ mậu dịch (P.2): “Phát xít” kinh tế

Trong bối cảnh nhiều nước gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, một số nhà chuyên môn tin rằng bảo hộ mậu dịch là một biện pháp “tự vệ” cần thiết của các nước. Quan điểm này có thể làm mát lòng các nhà lãnh đạo ở một số quốc gia, nhưng lại làm dấy lên nhiều quan ngại.

Trong bối cảnh nhiều nước gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, một số nhà chuyên môn tin rằng bảo hộ mậu dịch là một biện pháp “tự vệ” cần thiết của các nước. Quan điểm này có thể làm mát lòng các nhà lãnh đạo ở một số quốc gia, nhưng lại làm dấy lên nhiều quan ngại.

Bảo hộ là tiến bộ?

Hồi tháng 4, nhóm áp lực cánh tả Compass ở Anh đã gây tranh cãi khi xuất bản phúc trình cho rằng chủ nghĩa toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn tới những bất ổn kinh tế và xã hội hiện nay.

“Đã đến lúc phải biết rằng thúc đẩy thị trường mở đã là cách làm của thế kỷ trước, và ngày càng nguy hiểm”, tác giả phúc trình Colin Hines viết. Ông dẫn chứng các ứng viên tổng thống Pháp vừa qua đều được cử tri ủng hộ khi tranh cử bằng những chính sách gia tăng bảo hộ.

Những nước như Argentina, Brazil, Costa Rica từ đầu năm đến nay đưa ra nhiều biện pháp bảo hộ để bảo vệ nền kinh tế trong nước. “Đứng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, đây là lúc cần bàn luận nghiêm túc về điều tôi gọi là “chủ nghĩa bảo hộ tiến bộ” (progressive protectionism)”, Hines viết.

Theo đó, chủ nghĩa bảo hộ tiến bộ được định nghĩa là khuyến khích và cho phép các nước xây dựng lại và tái định hình nền kinh tế của họ bằng cách hạn chế những hàng hóa nhập khẩu, cũng như những nguồn vốn họ chọn đổ vào hoặc chuyển ra khỏi đất nước.

Hines tin rằng điều này sẽ giúp các nước không còn phụ thuộc vào xuất khẩu, cho phép các quỹ và doanh nghiệp trong nước gặp nhau và đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận xã hội.

Tương tự, đảng cực hữu BNP của Anh nhận định “toàn cầu hóa đã mang việc làm và công nghiệp sang Viễn Đông, nhưng mang lại sự  phá sản và thất nghiệp cho nước Anh”. Đảng này kêu gọi loại trừ có chọn lọc các loại hàng hóa nước ngoài ra khỏi thị trường Anh và giảm nhập khẩu.

“Chúng ta phải bảo đảm rằng các hàng hóa gắn nhãn hiệu của Anh phải được sản xuất tại các nhà máy ở Anh, thuê nhân công người Anh”, BNP kêu gọi. Tuy nhiên, những quan điểm này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nhà phân tích kỳ cựu Tim Worstall của Viện Adam Smith chỉ trích quan điểm của Colin và BNP là những nỗ lực tiến tới chủ nghĩa phát xít.

“Thật ngạc nhiên khi thấy nhóm áp lực Compass lại cổ súy cho những chính sách phát xít kinh tế”, Worstall viết. “Hines đã bị mắc kẹt trong chủ nghĩa trọng thương của những năm 1700”.

“Thuốc” kích cầu hảo hạng

Trong một bài viết trước khi tham dự thượng đỉnh G8 hồi cuối tháng 5, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng giảm bớt rào cản mậu dịch chính là biện pháp kích cầu tốt nhất cho kinh tế toàn cầu.

“Chúng ta cần hợp tác hành động để đưa ra một biện pháp kích cầu mạnh cho nền kinh tế thế giới, một biện pháp sẽ mang đến sự thay đổi thực sự, đó là mở rộng tự do mậu dịch”, ông Cameron viết cho trang PoliticsHome.

Nhờ mở cửa mậu dịch Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nhờ mở cửa mậu dịch Trung Quốc đã nhanh
chóng vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong thực tế, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trong thập niên 90 của thế kỷ trước, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người thực tế tăng nhanh gấp 3 lần ở các nước đang phát triển ít sử dụng rào cản mậu dịch (5%/năm) so với những nước đang phát triển khác (1,4%/năm).

Tương tự, nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết mậu dịch tăng được 10% sẽ kéo theo 4% tăng trưởng thu nhập bình quân. Tại khu vực các nước OECD, một môi trường cởi mở cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ giúp GDP bình quân tăng 0,75%; các rào cản đầu tư giảm sẽ giúp GDP bình quân ở OECD tăng 2-3%.

Việc nới lỏng các chính sách bảo hộ mậu dịch ở biên giới (thuế xuất nhập khẩu…) sẽ giúp phúc lợi toàn cầu tăng thêm 100 tỷ USD. Nếu các rào cản đối với hàng hóa nông sản và công nghiệp hoàn toàn được dỡ bỏ, phúc lợi toàn cầu sẽ tăng thêm 100 tỷ USD nữa. Bằng chứng rõ ràng cho thấy lợi ích từ tự do mậu dịch là sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ sau khi họ mở cửa kinh tế, mở cửa mậu dịch.

Ngược lại, cứ mỗi 1USD thu được do gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ dẫn đến 2,16USD mất mát đối với kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, 0,73USD suy giảm trong thu nhập thế giới và 0,66USD đối với GDP một nước.

Bằng việc đóng cửa biên giới hay siết chặt thị trường, người tiêu dùng sẽ phải chịu tốn kém hơn, trong khi chi phí sản xuất của các công ty trong nước sẽ tăng cao do không tiếp cận được những nguồn linh kiện/nguyên liệu rẻ. Trong khi một chính phủ đơn lẻ có thể thu được lợi ích trong ngắn hạn khi áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, nếu đa số chính phủ trên thế giới đều hành động tương tự, tất cả các nước đều trở thành kẻ thua cuộc.

Trái với quan điểm của một số nhà hoạch định chính sách rằng bảo hộ mậu dịch sẽ bảo vệ được việc làm trong nước, các nghiên cứu của WB cho thấy bảo hộ đồng nghĩa với thất nghiệp gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Điều này được minh chứng trong cuộc đại khủng hoảng Hoa Kỳ vào đầu những năm 1930.

Lúc đó, theo sau việc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929, Chính phủ Hoa Kỳ đã gia tăng các biện pháp hạn chế nhập khẩu với hy vọng bảo vệ được thị trường việc làm trong nước. Tuy nhiên, động thái đó nhanh chóng dẫn tới các biện pháp trả đũa từ các nước đối tác, khiến tình trạng suy thoái kéo dài, cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán biến tướng thành đại khủng hoảng.

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu và sử học đều nhất trí rằng việc gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm đại khủng hoảng trở nên trầm trọng.

Đối với các nước đang phát triển, việc mở cửa thị trường sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với các nước phát triển. Nghiên cứu của OECD cho biết một khi tự do hóa mậu dịch hoàn toàn đối với cả hàng hóa và dịch vụ, thu nhập bình quân thực tế tại các nước đang phát triển sẽ tăng 1,3%, trong khi chỉ tăng 0,76% ở các nước phát triển.

Đặc biệt, những nền kinh tế mới nổi như Ai Cập, Thái Lan, Nigeria sẽ càng được lợi hơn, với mức tăng từ 3-6% GDP. Ngược lại, các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho các nước nghèo khi họ không đủ sức để “chạy đua” với các nước phát triển trong việc triển khai các chính sách bảo hộ, trợ giá do thiếu nguồn lực ngân sách.

Các tin khác