Lật lại vụ án cựu Giám đốc IMF (kỳ 2) - Quay lại chính trường

Vụ việc ngày 14-5 tưởng chừng đã “đào mồ”  chôn sự nghiệp chính trị của ông Dominique Strauss-Kahn, một ứng cử viên Tổng thống Pháp tiềm năng. Nhưng hy vọng về sự “quay trở lại” của ông Strauss-Kahn đang ngày càng mạnh hơn sau khi các cáo buộc đối với ông có thể bị “phá sản”. Nhiều người tin rằng nếu Strauss-Kahn trắng án trong phiên tòa tới, ông có thể quay lại chính trường Pháp và thậm chí ra tranh cử Tổng thống.

Vụ việc ngày 14-5 tưởng chừng đã “đào mồ”  chôn sự nghiệp chính trị của ông Dominique Strauss-Kahn, một ứng cử viên Tổng thống Pháp tiềm năng. Nhưng hy vọng về sự “quay trở lại” của ông Strauss-Kahn đang ngày càng mạnh hơn sau khi các cáo buộc đối với ông có thể bị “phá sản”. Nhiều người tin rằng nếu Strauss-Kahn trắng án trong phiên tòa tới, ông có thể quay lại chính trường Pháp và thậm chí ra tranh cử Tổng thống.

> Kỳ 1: Ai ép ai?

Gài bẫy?

Tờ New York Post (NYP) dẫn nguồn từ một điều tra cấp cao cho rằng các công tố viên đồng ý sẽ bỏ vụ án chống lại Dominique Strauss-Kahn trong phiên tòa dự định diễn ra ngày 18-7 hoặc sớm hơn. “Độ tin cậy của cô ta (bên nguyên) hiện quá kém. Không thể tin điều gì cô ta nói. Vì vậy chúng tôi không thể duy trì vụ án này và có lẽ chúng ta không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra trong phòng khách sạn đó” - nhà điều tra yêu cầu giấu tên nói với NYP.

Các công tố viên đang nghiêng về việc đây là việc mua dâm, có sự đồng tình của cả 2 bên chứ không phải cưỡng dâm. Và người hầu phòng chỉ chống lại Dominique khi ông làm tổn thương cô.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà ông Dominique Strauss-Kahn.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà ông Dominique Strauss-Kahn.

Ông Dominique Strauss-Kahn được thả chỉ thời gian ngắn sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có Tổng giám đốc mới khiến nhiều người nghi ngờ việc bắt giữ thực ra là một âm mưu chính trị của giới chính khách Hoa Kỳ và châu Âu - những người phản đối các quyết sách theo hướng “thân thị trường mới nổi” của ông khi còn ngồi ghế Tổng giám đốc IMF.

Cũng có ý kiến cho rằng có thể ông bị chính Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy “gài bẫy”, vì các thăm dò trước đó cho thấy ông Dominique nhiều khả năng sẽ thắng trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee tháng 4 năm tới.

Pierre Moscovici, một chính trị gia có tiếng cẩn trọng, trả lời khi được hỏi liệu ông Strauss-Kahn bị “mất ghế” ở IMF quá nhanh hay không: “Đó không phải là câu hỏi. Câu hỏi phải là: Liệu có động cơ nào cho tất cả điều này hay không?”.

Tờ Độc Lập (Independent) của Anh nhận định người được lợi nhất trong việc Dominique Strauss-Kahn bị bắt giữ là Tổng thống Pháp Sarkozy. Tờ này cho biết ông Sarkozy từng “dự báo một cách hạnh phúc” với tư cách cá nhân rằng vụ Dominique sẽ “phủ bóng đen và làm tổn hại chiến dịch tranh cử của đảng Xã hội (đảng của Dominique Strauss-Kahn) cho dù ứng viên của họ là ai”.

Quay lại chính trường

Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết những đồng minh đảng Xã hội cho rằng ông Dominique vẫn có khả năng thách thức đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc đua năm tới. Một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của báo Người Paris (Le Parisien) cho thấy có 60% cử tri cánh tả (cùng phái với đảng Xã hội) và 49% công chúng muốn ông quay lại chính trường.

Đảng Xã hội Pháp đã định ngày 13-7 là hạn chót để đăng ký làm ứng viên tranh cử Tổng thống. Hiện bà Aartine Aubry đã được chọn làm ứng cử viên của đảng này cho cuộc bầu cử. Nhưng do phiên tòa tuyên Dominique diễn ra vào ngày 18-7 nên có 51% cử tri cánh tả yêu cầu đảng Xã hội dời lại ngày chốt danh sách, chờ phán quyết chính thức từ tòa án Hoa Kỳ. Trong trường hợp nhỡ hạn, ông Dominique vẫn có thể tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập.

Một số người tin rằng nếu được trắng án, ông Dominique thậm chí còn quay lại chính trường mạnh mẽ hơn, với tâm lý “đền bù”. Hơn nữa, người Pháp lâu nay có truyền thống không xét nét chuyện đời tư, đặc biệt chuyện tình cảm của các chính khách, nếu chuyện đó không vi phạm pháp luật. Điển hình là đương kim Tổng thống Sarkozy có tới 3 đời vợ.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng dù trắng án, ông Dominique vẫn không được xem là trong sạch, bởi đã quan hệ với người phụ nữ khác ngoài vợ mình. Điều đó khiến ông bị “mất điểm” trước các nữ cử tri.

“Người Pháp đã nhận ra Dominique là một “tay chơi” và họ không muốn nước Pháp có 1 Berlusconi (Thủ tướng Italia)” - một Bộ trưởng thân Sarkozy nói.

Một số người cho rằng nước cờ khôn ngoan là ông không đua ghế Tổng thống và bắt tay với ứng viên Aubry để đưa bà này đắc cử, đổi lại ông sẽ được chỉ định làm Thủ tướng hoặc một chức vụ quan trọng.

Tại quê nhà, Dominique Strauss-Kahn cũng đang đối mặt với vụ án tình thứ 2, khi nữ nhà văn kiêm nhà báo Tristane Banon đệ đơn kiện ông cố gắng cưỡng bức cô trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2003. Đáp lại, Strauss-Kahn gọi cáo buộc của Banon là chuyện “tưởng tượng”. Các luật sư của ông đã kiện ngược lại Banon “dựng chuyện”.

Chưa biết liệu ông Dominique Strauss-Kahn có được trắng án cũng như quay lại chính trường không, nhưng vụ án rõ ràng có những tác động lớn. Tác động đầu tiên là tâm lý phản đối Hoa Kỳ của người Pháp gia tăng. Vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn hồi tháng 5 bị xem là nỗi nhục của người Pháp khi ông bị giới truyền thông “quy chụp” mà chưa có kết luận điều tra.

“Ông Dominique được thả càng gia tăng chủ nghĩa bài Hoa Kỳ và những kẻ tổn hại lớn nhất là hệ thống tư pháp Hoa Kỳ và cảnh sát New York. Vụ việc khơi dậy những bất đồng trước đó về chuyện án tử hình. Người châu Âu tin rằng không thể có văn minh khi vẫn còn án tử hình. Và nay cảm giác Hoa Kỳ chưa phải là nước văn minh gia tăng khi cảnh sát hành xử như vậy. Đó là một đất nước nguy hiểm” - nhà nghiên cứu quan hệ Pháp-Hoa Kỳ Dominique Mosi nói.

Vụ án cũng khiến phong trào nữ quyền dâng cao ở nước Pháp. Các nhà hoạt động nữ quyền kêu gọi phải loại bỏ “chủ nghĩa đàn ông” ra khỏi môi trường chính trị Pháp, nơi các nam chính trị gia có thể quan hệ thoải mái không ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình nếu không vi phạm luật pháp.

Ngoài ra, vụ án vô tình biến ngôi nhà ông Dominique Strauss-Kahn ở trước đây trở thành một “điểm đến không thể bỏ qua” đối với du khách.

Các tin khác