Thế giới có thoát “chu kỳ 10 năm”?

Kỳ 3: Sẽ ít đau đớn hơn

(ĐTTCO) - Với những “Lehman mới” đang nổi lên ngày càng nhiều, Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. tin rằng vấn đề không phải có cuộc khủng hoảng tiếp theo hay không, mà khi nào nó xảy ra. Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng này đã đưa ra một dự báo thời gian cụ thể: năm 2020. Vậy, cuộc khủng hoảng kế tiếp có “đau đớn” như 10 năm trước?
Ngân hàng lớn an toàn cao
Thay đổi quan trọng nhất đối với các ngân hàng là sự gia tăng mạnh về các yêu cầu vốn và các điều kiện bắt buộc có vai trò như bộ đệm chống lại tổn thất. Vào thời điểm năm 2007, Lehman và các ngân hàng lớn khác có rất ít bộ đệm, chỉ khoảng 2USD cho mỗi 100USD tài sản. Điều đó có nghĩa chỉ cần tài sản của các ngân hàng đó giảm 2%, toàn bộ vốn chủ sở hữu sẽ bị xóa sổ.
 Thế giới dù có an toàn hơn, nhưng không phải là miễn nhiễm với khủng hoảng. Có điều, tác động của cuộc khủng hoảng sắp tới có thể sẽ ít đau đớn hơn nhờ hệ thống tài chính đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng trước.
Theo JPMorgan Chase & Co. 
Bây giờ, với gần 7USD cho mỗi 100USD tài sản, các ngân hàng có bộ đệm lớn hơn để xử lý các khoản lỗ không lường trước được khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra. Ngoài ra, các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ hiện có số vốn lớn hơn gần 3 lần so với tổng tài sản. “Khả năng phục hồi của các ngân hàng lớn nhất hiện nay khá cao. Nếu họ có thêm vốn khả năng phục hồi sẽ cao hơn”.
Tỷ lệ tài sản trên GDP của 10 ngân hàng lớn nhất thế giới trước khủng hoảng đã giảm trong thập niên qua. Các quy định đã hạn chế sự tăng trưởng của các ngân hàng lớn nhất. Mặc dù đã thâu tóm các đối thủ yếu hơn trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, JPMorgan Chase & Co. và Bank of America Corp. hiện vẫn nhỏ hơn so với năm 2007. Một số đại gia châu Âu như Royal Bank of Scotland Group Plc và ING Groep NV chỉ bằng 1/3 số tiền trước khủng hoảng của họ. Một ngoại lệ là Trung Quốc, giờ đây là nhà của 5 trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản. 5 ngân hàng đó có tài sản trong quý I-2018 bằng 131% GDP hàng năm của Trung Quốc, tăng từ 114% trong năm 2007.
Một thay đổi quan trọng nữa là các ngân hàng tại Hoa Kỳ buộc phải lập di chúc sống (living wills) mô tả chi tiết cách tháo dỡ những ngân hàng này trong trường hợp phá sản. Theo đó, tiền mặt phải được trữ ở các đơn vị phụ thuộc thay vì chuyển về công ty mẹ. Trong tuần đầu tiên sau khi Lehman Brothers phá sản, các chủ nợ của các chi nhánh của Lehman Brothers tại châu Âu đã rất thất vọng khi biết rằng tiền từ tất cả chi nhánh của Lehman Brothers được chuyển về công ty mẹ tại New York vào cuối mỗi ngày.
Các ngân hàng đã giảm phụ thuộc vào các nguồn vốn ngắn hạn và thay vào đó bằng tiền gửi. Các hợp đồng mua bán lại qua đêm và các nguồn ngắn hạn khác giờ đã được thay thế bởi tiền gửi - nguồn vốn mang tính ổn định cao nhất vì được nhà nước bảo hiểm. Trước khủng hoảng, Goldman Sachs hầu như không có khoản tiền gửi nào, giờ đây tiền gửi chiếm tới 16% nguồn vốn và ngân hàng này dự kiến tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ.
Kỳ 3: Sẽ ít đau đớn hơn ảnh 1 Trước khủng hoảng, Goldman Sachs hầu như không có khoản tiền gửi nào, giờ đây tiền gửi chiếm tới 16% nguồn vốn. 
Tỷ lệ doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán trên tổng doanh thu tại các ngân hàng môi giới - giao dịch lớn nhất hiện nay đã nhỏ hơn nhiều so với trước. Điều này có nghĩa các ngân hàng lớn đã phần nào chuyển từ giao dịch các sản phẩm cấu trúc rủi ro cao sang những sản phẩm truyền thống đơn giản như cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng. Các quy định mới sau khủng hoảng như luật Volcker (Volcker Rule - một phần của luật Dodd-Frank 2010) là một phần nguyên nhân dẫn tới sự chuyển dịch này.Rủi ro vay đòn bẩy và ngân hàng ngầm
Hiện nay, trong khi các hộ gia đình giảm nợ vay, các doanh nghiệp lại tăng cường vay mượn. Nhiều doanh nghiệp còn dùng tiền đi vay để mua lại cổ phiếu của chính mình. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ của các công ty phi tài chính đã tăng từ 32% năm 2006 lên 49% vào tháng 6-2018. Trong môi trường lãi suất xuống thấp, những người cho vay mong muốn thu lợi cao hơn. Chính điều này đã dẫn tới sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu rác (junk bond). Những công ty bị cho là kém an toàn đã vay được tiền với lãi suất chênh lệch ngày càng ít so với những công ty được cho là an toàn. Theo cảnh báo của Moody’s trong hơn 1 năm qua, các điều khoản đối với các khoản vay đòn bẩy đang ngày càng lỏng lẻo. Nhiều công ty không có khoản vay nào khác ngoài vay đòn bẩy, sẽ khiến các chủ nợ chịu rủi ro mất vốn lớn trong trường hợp công ty vỡ nợ.
Một vấn đề khác là khi các ngân hàng truyền thống lớn nhất đã vào vòng kiềm tỏa, hệ thống ngân hàng ngầm lại nổi lên để thay thế. Liệu hệ thống ngân hàng ngầm có trở nên quá lớn để đổ vỡ? Moody’s hiện đang nhận sự hỗ trợ từ chính phủ để xếp hạng các trung tâm thanh toán bù trừ (được xem như ngân hàng ngầm). Trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất, tất cả tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều nhận được hỗ trợ như vậy từ các ngân hàng cho vay lớn nhất thế giới. Một nguy cơ khác là các ngân hàng ngầm có thể kéo sập các ngân hàng truyền thống lớn. Khi khoản lỗ tại một trung tâm thanh toán bù trừ tăng lên, trung tâm này có thể kêu gọi vốn từ các thành viên của mình - tức là các ngân hàng lớn nhất. Vì vậy, việc thua lỗ của các trung tâm bù trừ có tác động dây chuyền ra toàn hệ thống tài chính có thể xảy ra.
Giá trị cho vay của 8 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng hiện cao gấp 4 lần so với 2010. Mặc dù mối quan hệ giữa hệ thống ngân hàng truyền thống và ngân hàng ngầm không thực sự rõ ràng, việc các ngân hàng cho các tổ chức phi ngân hàng vay ngày càng nhiều, cho thấy mối liên hệ đang ngày càng trở nên khăng khít. Nếu những ngân hàng ngầm này phá sản, các ngân hàng truyền thống lớn có thể đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Những thách thức mới
FED là ngân hàng trung ương đầu tiên cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng 0 vào cuối năm 2008 để ngăn chặn sự giảm giá tự do của giá tài sản. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã nối gót vào đầu năm 2009. Kể từ đó, nhiều ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất xuống mức 0 hoặc thấp hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngay cả khi FED đã từ từ tăng lãi suất trong 3 năm qua, các ngân hàng trung ương khác đã bị mắc kẹt với lãi suất bằng 0, thậm chí lãi suất âm.
Các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 10.000 tỷ USD trái phiếu để giúp giữ giá tài sản, một nỗ lực được gọi là “nới lỏng định lượng” hoặc QE. Giá mua tài sản và lãi suất dưới 0 đã giúp đẩy lãi suất trên nhiều loại trái phiếu xuống mức âm. Điều đó có nghĩa người cho vay phải trả tiền cho chính phủ để giữ nợ lại của họ, thay vì đòi hỏi lãi suất như trước kia. Trạng thái nợ biến dạng như vậy là một phần của “điều bình thường mới” (the new normal), một thuật ngữ được phổ biến bởi cố vấn kinh tế trưởng Allianz SE và nhà báo nổi tiếng Bloomberg Opinion Mohamed El-Erian. 
Nhiều nhà kinh tế cho rằng hệ thống tài chính thế giới ngày nay an toàn hơn 10 năm trước, không chỉ vì sự khôn ngoan chúng ta rút ra được từ cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm, mà còn vì những bài học của cuộc suy thoái đã giúp tạo ra Đạo luật Dodd-Frank trong năm 2010, cũng như những nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý các ngân hàng. Và để tránh được cuộc khủng hoảng mới, các nhà kinh tế nói chung đồng ý rằng việc cắt giảm chi tiêu hoặc cắt giảm thuế sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức ở đây là quốc hội các nước chỉ sẵn lòng đi một đoạn đường nhất định trên con đường đó.

Các tin khác