Châu Âu không bình yên

Kỳ 2: Tottenham - Cơn thịnh nộ người nhập cư?

Cuộc bạo loạn khởi nguồn từ Tottenham, Bắc London đã nhấn chìm nước Anh vào một cuộc khủng hoảng mới. Tình trạng bất ổn có liên quan đến sự bất bình giữa cảnh sát và cộng đồng người Anh da đen ở London. Phảùi chăng đây là bằng chứng cho một châu Âu bất ổn, kết quả của sự “phân biệt đối xử” giữa người da trắng và dân nhập cư?

Cuộc bạo loạn khởi nguồn từ Tottenham, Bắc London đã nhấn chìm nước Anh vào một cuộc khủng hoảng mới. Tình trạng bất ổn có liên quan đến sự bất bình giữa cảnh sát và cộng đồng người Anh da đen ở London. Phảùi chăng đây là bằng chứng cho một châu Âu bất ổn, kết quả của sự “phân biệt đối xử” giữa người da trắng và dân nhập cư?

> Châu Âu không bình yên (kỳ 1): Oslo - mối đe dọa cực hữu

Tính đến ngày 15-8, khoảng 3.100 người đã bị bắt giữ, trong đó hơn 1.000 người bị truy tố ra tòa. Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh (ABI) ước tính thiệt hại hơn 200 triệu bảng (328,3 triệu USD). Từ Tottenham, cuộc bạo loạn nhanh chóng lan khắp thủ đô London, bao gồm Wood Green, Enfield Town, Ponders End, Brixton và các nơi khác như Birmingham, Liverpool, Nottingham, Bristol và Medway.

Nhiều tòa nhà, xe cộ và điểm đỗ xe buýt đã bị thiêu rụi; cửa hàng và nhà hàng bị cướp phá. Những kẻ tham gia vào đốt phá, hôi của, đã không ngần ngại tấn công lực lượng cảnh sát. Thậm chí, qua các mạng xã hội, họ còn kêu gọi bạo động ở khắp nơi trên nước Anh. Đây là thử thách nặng nề đối với London, nơi sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè 2012.

Tức nước vỡ bờ

Một tòa nhà từng được xem là di sản văn hóa bị người nổi loạn phóng hỏa.

Một tòa nhà từng được xem là di sản văn hóa bị người nổi loạn phóng hỏa.

Tờ Telegraph của Anh cho biết cuộc bạo loạn là một diễn biến kiểu “tức nước vỡ bờ” của những tầng lớp dưới. “Những người nổi loạn ở London là sản phẩm của một đất nước đổ nát và một giai cấp chính trị lãnh đạm quay lưng lại phía họ” - tờ báo viết.

Tottenham là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc thiểu số, ngoài người da trắng. Theo phân tích của các chuyên gia, chất lượng cuộc sống đi xuống cùng với nền kinh tế thời hậu khủng hoảng, sau khi Chính phủ cắt giảm nhiều dịch vụ công tiết kiệm chi phí là căn nguyên của cuộc bạo loạn. Một số khác cho rằng đó là hệ quả tình trạng phân biệt đối xử với những nhóm người thiểu số của cảnh sát.

“Căng thẳng tăng dần do những biện pháp cắt giảm chi tiêu của Chính phủ liên minh. Người dân trong các cộng đồng nghèo ở London và khắp đất nước đang cảm thấy bị biến thành vật tế thần” - Scott Allen, một người thất nghiệp ở Tottenham, nói.

Các vụ bạo loạn diễn ra khi còn chưa đầy 1 năm London sẽ tổ chức Thế vận hội mùa hè 2012. Theo Scott Allen, những khu vực nghèo như Tottenham không được gì từ hàng tỷ USD đổ ra cho Olympics. Trái lại, nơi này bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi những lệnh cắt giảm mạnh chi tiêu của Chính phủ và thất nghiệp gia tăng. Jason, một thanh niên da đen 26 tuổi, cho biết:

“Các vụ bạo loạn là tiếng kêu cấp cứu. Tôi không có việc làm, không tương lai, không gì cả từ khi rời ghế nhà trường”. Diana, người mẹ có 2 con sống ở Enfield, cho biết sự giận dữ trong cộng đồng người thiểu số đã nhen nhóm từ lâu vì nhiều người tin rằng cảnh sát đối xử không công bằng với họ. “Có quá nhiều cơ hội đã bị tước khỏi tay người dân lao động và điều đó ảnh hưởng đến các cộng đồng thiểu số. Cướp phá không phải là điều được ủng hộ, nhưng người ta bị dồn nén và xem nó như một cách để trút giận” - Diana nói.

Tất cả vì kinh tế?

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc bạo loạn khá đơn giản và dễ hiểu, nhưng đằng sau đó là những điều khiến giới lãnh đạo cả châu Âu và Hoa Kỳ phải suy ngẫm. Tottenham được cho là “quê hương” của hơn 10.000 người thất nghiệp, cứ 54 người thất nghiệp mới 1 người có việc làm. Theo một nghiên cứu mới của Liên minh châu Âu (EU), có 600.000 người dưới 25 tuổi ở Anh chưa hề đi làm ngày nào. Dù tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở Anh khoảng 7,7-8%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16-26 tuổi lên đến 20,4%, cao nhất 20 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở các nước khác thuộc EU cũng rất đáng lo ngại: 21%.

London còn là nơi mất cân bằng nhất ở Anh hiện nay. Theo một phúc trình của Viện Chính sách mới (NPI), 19% dân số nội thành London nằm trong top 10 thu nhập cao nhất nước, trong khi 16% ở top 10 đáy. 20% người giàu ở London có thu nhập chiếm 60% tổng thu nhập của thành phố.

Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định Anh là nơi tính cơ động xã hội kém nhất trong các nước phát triển. Cơ hội để một đứa trẻ trong gia đình nghèo được giáo dục tốt và lĩnh lương cao hơn cha mẹ chúng thấp hơn so với các nước phương Tây khác. Nước Anh cần có những cải tổ quy định và cấu trúc mạnh hơn cả trong lĩnh vực tài chính và thị trường lao động để có thể bảo đảm một quá trình hồi phục suôn sẻ.

Cảnh báo các nước châu Âu

Cùng với cuộc bạo loạn tại Tottenham, giới quan sát cảm thấy lo ngại trước những chính sách thắt lưng buộc bụng đang được nhân rộng ở châu Âu. Trước đây, nhiều người đã nói đến mặt trái của các chính sách khắc khổ, nhưng có lẽ ít ai hình dung được mặt trái của nó có sức hủy hoại lớn như những gì đang xảy ra ở Anh.

Tờ La Libre Belgique của Bỉ cho rằng cuộc bạo loạn là do sự xuống dốc của kinh tế mà Chính phủ Anh đã bất lực trong việc tìm ra giải pháp. Một số tờ báo khác chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền Thủ tướng Cameron làm bùng nổ bất ổn xã hội. Chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm đảm bảo các khoản vay nước ngoài là nguyên nhân bạo loạn ở Anh, tờ Eleftherotypia của Hy Lạp - nước từng chứng kiến nhiều đợt biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng - nhận định.

Các cuộc bạo loạn đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu còn cho thấy những món nợ công khổng lồ đã tác động đến toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của châu lục này. Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Libya với sự tham gia của quân đội nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh đang ngốn không ít tiền bạc, cũng được xem là nhân tố nhạy cảm tác động mạnh tới làn sóng phẫn nộ của dân chúng.

Hiện nay các nước châu Âu đang đối mặt với “nhiệm vụ nan giải” trong việc phục hồi tài chính công sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Vì thế các Chính phủ khó có thể biện minh khi vung tiền bạc và nhân lực vào cuộc chiến đầy mạo hiểm ở một chiến trường tận Bắc Phi, trong khi tình hình an ninh trong nước đang lộ rõ những bất ổn.

Các tin khác