Cuộc chiến không khói súng

Kỳ 1: Những “phát súng” đầu tiên

(ĐTTCO) - Cuộc chiến này không có sự tham gia của phản lực, tàu ngầm hay xe tăng, không có tên lửa hay súng đạn, không khiến ai phải chết ngoài chiến trường, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của các quốc gia, làm suy yếu sinh kế của hàng triệu người. 

Đó chính là cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành với Trung Quốc và một số nước khác. Ngày 6-7, Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử, khi Washington và Bắc Kinh đồng thời tăng thuế 25% lên các mặt hàng nhập khẩu của đối phương trị giá 34 tỷ USD. 

Hệ quả “tức nước vỡ bờ”?
Những động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ là sự thực thi hóa các cảnh báo đã được đưa ra từ hồi tháng 3. Khi đó, ông Trump đã ký Biên bản ghi nhớ của Tổng thống, lệnh cho Đại diện Thương mại (USTR) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp chống lại Trung Quốc dựa trên kết quả của cuộc điều tra theo Điều 301.
Cuộc điều tra này bắt đầu từ tháng 8-2017, dẫn tới kết luận các chính sách của Trung Quốc cho thấy một loạt hoạt động thương mại không công bằng, như sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các công ty chuyển giao công nghệ. 
Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố tìm thấy bằng chứng, cho thấy Bắc Kinh áp đặt các điều khoản không công bằng đối với các công ty Hoa Kỳ, hướng các khoản đầu tư ở Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp chiến lược và hỗ trợ tấn công không gian mạng.
Trong tuyên bố ngày 22-3, ông Trump cho biết Hoa Kỳ đang phải gánh chịu thâm hụt thương mại lên tới 375-504 tỷ USD với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức cắt giảm 100 tỷ USD mức thâm hụt của Hoa Kỳ. Nhà Trắng cũng cho rằng Bắc Kinh đang ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, và dọa sẽ hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào xứ sở cờ hoa.
Như vậy, cho đến nay Hoa Kỳ đã đưa ra 2 lý do để tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất, để bù đắp thâm hụt thương mại, theo Tổng thống Trump là “lớn nhất đối với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử thế giới”. Thứ hai, Washington muốn ngăn chặn các hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng còn một lý do khác chính quyền Trump không đưa ra, đó chính là kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh.
Trong báo cáo của USTR ngày 22-3, cụm từ “Made in China 2025” đã được nhắc đến hơn 100 lần, cho thấy mức độ quan tâm của Nhà Trắng đối với kế hoạch này. “Made in China 2025” đặt mục tiêu Trung Quốc sẽ chuyển đổi thành một nước dẫn đầu về công nghệ, bước đầu là năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049.
Con đường Bắc Kinh vạch ra để đạt mục tiêu này là nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược, gồm công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới, và y sinh học. 
Kỳ 1: Những “phát súng” đầu tiên ảnh 1
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cáo buộc cách Trung Quốc nỗ lực đạt được trình độ công nghệ cao. Đó là thay vì bỏ tiền của, công sức và thời gian để nghiên cứu và phát triển, Bắc Kinh đã tìm cách đánh cắp công nghệ của các nước khác, thông qua tin tặc, gián điệp, thôn tính công ty và chèn ép các công ty đầu tư vào Trung Quốc.
Và ngày 1-6, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã khởi kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc Bắc Kinh đã đặt ra các quy định trái phép, ép buộc các công ty châu Âu phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, như điều kiện để được quyền làm ăn ở Trung Quốc. 

Nguy cơ thành “chiến tranh thế giới”
Dù EU đã có hành động cụ thể chống lại Trung Quốc, nhưng nước này vẫn muốn lôi kéo các nước châu Âu thành lập liên minh để chống lại Washington. Theo hãng tin Reuters, trong các cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) và Berlin (Đức) gần đây, các quan chức Trung Quốc cấp cao, bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, đã đề xuất cùng EU lập liên minh.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nước này hơn nữa để bày tỏ thiện chí. Một đề xuất khác là Trung Quốc và EU cùng hành động chống lại Hoa Kỳ tại WTO. Lý do khiến Bắc Kinh cảm thấy tự tin khi lôi kéo EU vì Hoa Kỳ đã áp thuế với kim loại xuất khẩu của EU và dọa đánh thuế ngành công nghiệp xe hơi của lục địa già. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, đó là câu nói phổ biến ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng theo Reuters, dường như các nước EU đã từ chối đề xuất của Bắc Kinh trước thềm hội nghị thượng đỉnh châu Âu - Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 16 đến 17-7. Reuters dẫn lời 5 quan chức và nhà ngoại giao EU, cho biết hội nghị thượng đỉnh dự báo sẽ chỉ thống nhất lại cam kết của các bên về một hệ thống thương mại đa phương, và thành lập một nhóm hợp tác nhằm hiện đại hóa WTO. “Trung Quốc muốn châu Âu phải đứng về phe họ để chống lại Washington. Chúng tôi sẽ không làm vậy và đã nói rõ với họ” - một quan chức ngoại giao châu Âu nói.
Dù châu Âu tỏ ra không hài lòng với động thái của Hoa Kỳ áp thuế suất lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ EU, cũng như một số bất đồng khác về mặt chiến lược, nhưng EU và Washington đều thống nhất rằng Trung Quốc đang cố tình thao túng nền thương mại với tham vọng trở thành số 1 thế giới. Trong khi đó, Business Insider (BI) đưa tin EU đang cố tập hợp các nhà sản xuất toàn cầu để chống lại nỗ lực áp đặt thương mại của ông Trump.
Dẫn báo cáo của Financial Times (FT), BI cho biết các quan chức cấp cao của EU đang lên kế hoạch thảo luận về một thỏa thuận giữa các nhà xuất khẩu ô tô lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ để cắt giảm thuế quan đối với hoạt động của họ trên toàn cầu. Nó cũng sẽ giảm "chi phí xuất khẩu cho các lĩnh vực tự động của các nước tham gia khác” - FT báo cáo. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã không xác nhận các kế hoạch, nói rằng Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker "vẫn chưa quyết định nội dung thảo luận" tại một cuộc họp với ông Trump sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Báo cáo về chiến lược mới của EU xuất hiện chỉ vài ngày sau khi FT đưa tin EC đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ đe dọa sẽ đặt 300 tỷ USD hàng hóa Hoa Kỳ vào diện tăng thuế nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu xe từ châu Âu.
EU cũng cho biết vẫn chưa quyết định biện pháp đối phó với bất kỳ mức thuế tự động mới nào, nhưng cho rằng "có khả năng" áp dụng chúng vào "khối lượng thương mại đáng kể" trong trường hợp ông Trump áp đặt mức thuế như vậy. Những động thái của EU đang làm dấy lên quan ngại: Liệu cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump đang phát động có thể lan thành một cuộc chiến toàn cầu? Làm thế nào để dập tắt nó trước khi bùng phát, WTO có thể đóng vai trò tích cực hay không?
(còn tiếp)
 Tối 10-7 theo giờ địa phương, tức sáng 11-7 theo giờ Hà Nội, Hoa Kỳ đã bất ngờ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD sẽ bị đánh thuế sớm nhất là trong tháng 9 tới. Động thái mới này được các chuyên gia đánh giá sẽ làm cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Tuy nhiên, để được thông qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ có buổi điều trần về các sản phẩm bị đánh thuế này. Theo nhận định sẽ mất 2 tháng để hoàn thành danh sách hàng hóa mới này. Sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đánh thuế số hàng hóa này.

Các tin khác