Kinh tế Trung Quốc trước nhiều sức ép

(ĐTTCO) - Trong các số báo ra ngày 10-1 và 14-1, ĐTTC đã có bài “Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao?” phân tích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, dẫn đến 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu lẫn nhau, khi đó mọi bên đều sẽ gánh chịu những tổn hại. Đến nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu chấm dứt cuộc chiến thương mại. Liệu kinh tế Trung Quốc có chịu đựng được trước nhiều sức ép đang diễn ra dồn dập.

Cục diện mới
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đưa nhận định, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận cho cuộc tranh chấp thương mại vốn bùng phát từ năm ngoái. Theo kế hoạch, một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc sẽ tới thủ đô Washington vào tuần tới để tiến hành đàm phán, nỗ lực tìm một giải pháp trước ngày 1-3.
Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc từ ngày 2-3, trừ khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về lạm dụng sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này. Hiện nhiều công ty của cả hai nước đang chịu thiệt hại từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. 
Như vậy, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ đã chuyển sang cục diện mới. Triển vọng trong năm 2019, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ vẫn là nhân tố khó đoán định lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, có thể thấy cường độ thực tế của cuộc đọ sức kinh tế Trung-Mỹ trong năm 2019 biến động liên tục, thể hiện cục diện “áp lực ngắn hạn giảm đi, đọ sức dài hạn tiếp tục kéo dài”.
Nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ từ bỏ một phần hợp tác, nhưng ít khả năng từ bỏ hợp tác toàn diện. Cụ thể, 2 bên sẽ tiến hành cuộc đọ sức chính sách thông thường, nhưng ít khả năng tiến hành cuộc chiến tranh lạnh toàn diện, thực hiện một số chính sách bất hợp lý và thể hiện sự đối lập, nhưng xác suất xảy ra xung đột chính sách mất kiểm soát một cách tổng thể rất nhỏ. 
Kinh tế Trung Quốc trước nhiều sức ép ảnh 1 Trong năm 2019 đồng NDT sẽ đối diện với áp lực mất giá mạnh hơn.  
Sức ép từ nhu cầu
Trang mạng jrj.com.cn mới đây đăng bài viết của nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Phan Hướng Đông phân tích khái quát về tình hình kinh tế Trung Quốc và thế giới năm 2018, dự báo tình hình năm 2019. Theo bài viết, năm 2019 kinh tế Trung Quốc có chiều hướng suy thoái, thất nghiệp gia tăng, vật giá sụt giảm, việc nới lỏng chính sách tiền tệ dễ rơi vào cạm bẫy thanh khoản, tài chính tuy tích cực nhưng khó khăn chồng chất, không gian hạn chế. 
Sức ép gây sụt giảm nền kinh tế Trung Quốc năm 2019 chủ yếu đến từ nhu cầu bản thân. Động cơ ổn định tăng trưởng của chính phủ mạnh lên, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng có thể tăng trở lại, nhưng bị hạn chế bởi nguồn vốn và tính tích cực của chính quyền địa phương, mức độ tăng lên có thể có hạn. Tuy nhiên, cải cách cơ cấu nguồn cung năm 2019 có thể dần dần đi từ giảm đến tăng, mức độ thu hẹp nguồn cung có sự thuyên giảm.
Việc này có lợi cho việc giảm bớt sức ép khiến kinh tế đi xuống. Áp lực lạm phát không lớn, nhưng phải quan tâm đến sự tác động của nguồn cung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm và giá cả hạ thấp dẫn đến việc một số rủi ro kinh tế tiềm tàng như sự thu hẹp bảng cân đối kế toán, nợ địa phương.
Tương tự, trang ftchinese.com nhận định năm 2019, sức ép gây suy thoái kinh tế Trung Quốc chủ yếu đến từ nhu cầu. Bài viết cho rằng do nhu cầu sụt giảm, nên giá cả phải đối mặt với rủi ro giảm phát. Nền kinh tế đi xuống và giá cả giảm phát sẽ khiến rủi ro nợ địa phương dần dần lộ rõ. Theo bài viết, mấu chốt của xu thế kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 nằm ở sự dự đoán về hành vi và hiệu quả của chính sách.
Năm 2019, sự điều chỉnh chủ động của tổ hợp chính sách sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đây cũng là lý do chính khiến không nên bi quan về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn. Một số biện pháp sẽ được áp dụng. Thứ nhất, giới hạn chính sách tiền tệ được nới lỏng.
Năm 2019, Ngân hàng Trung ương sẽ giữ lập trường không quá nới lỏng hay quá thắt chặt, mà duy trì sự ổn định và nới lỏng có giới hạn trong chính sách tiền tệ.
Thứ hai, chính sách tài chính sẽ tiếp sức cho chính sách tiền tệ, trở thành công cụ chủ yếu để quản lý nhu cầu ngắn hạn.
Thứ ba, dựa trên quan điểm cơ bản của “đòn bẩy ổn định”, việc giám sát tài chính có hy vọng tập trung vào tăng cường quản lý rủi ro về tính thanh khoản, đặc biệt là ngăn chặn rủi ro thanh khoản chuyển sang rủi ro tín dụng của nền kinh tế thực, tránh bùng nổ tình trạng “giảm phát-nợ” dưới tác động cao của đòn bẩy.
Thứ tư, bên cạnh việc hình thành sự hợp lực trong quản lý nhu cầu ngắn hạn, cải cách mở cửa một cách kiên định mới là biện pháp căn bản để phá vỡ cục diện khó khăn ở trong và ngoài nước, nâng cao tiềm năng lâu dài.

Nguy cơ dân số giảm
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo dân số ở quốc gia đông dân nhất thế giới đang ở giai đoạn giảm nhanh nhất trong vài thập niên gần đây, có thể tiềm ẩn gây ra khủng hoảng cả về dân số cũng như kinh tế trong tương lai không xa.
Sau nhiều năm thực hiện hàng loạt chính sách kiểm soát tăng dân số, bao gồm cả chính sách mỗi gia đình chỉ được có 1 con, Trung Quốc hiện lại bước vào kỷ nguyên tăng trưởng “âm” về dân số. Theo The New York Times, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố nghiên cứu cho thấy chính sách 1 con của Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ban đầu khiến tăng trưởng dân số chậm lại, nhưng cũng đồng thời lại tạo ra nhiều thách thức mới. Giảm tỷ lệ sinh và tăng tuổi thọ đồng nghĩa sẽ khó có đủ người lao động để nuôi số dân khổng lồ và đã già. Các nhà khoa học cho rằng quá trình giảm dân số ở nước này sẽ bắt đầu năm 2027, hay thậm chí có thể sớm hơn.
Chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy xu hướng giảm dân số từ năm 2013 và đã nới lỏng quy định “chỉ được sinh 1 con” trong những trường hợp nhất định. Đến năm 2016, Trung Quốc đã quyết định cho mỗi gia đình được sinh 2 con nhằm tạo ra “thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh”, nhưng kế hoạch đó không diễn ra như kỳ vọng.
Số trẻ sơ sinh chỉ tăng một chút vào năm 2016 và đến 2017 lại tiếp tục giảm, với 17,2 triệu trẻ được sinh ra năm 2017, ít hơn 17,9 triệu trẻ được sinh vào năm 2016. Số liệu do Thời báo Hoàn cầu đưa dự báo số trẻ sinh trong năm 2018 có thể chỉ khoảng 15 triệu, và đã có những địa phương cho biết tỷ lệ sinh giảm tới 35%.
Khủng hoảng dân số nhãn tiền có thể là "gót chân Achilles" trong cuộc cải cách kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc 40 năm qua. Trong tương lai, số người lao động sẽ ít đi, chính phủ sẽ gặp khó khi phải trả lương cho số dân ngày càng già và sống thọ hơn. Đồng thời, dân số giảm sức tiêu dùng cũng giảm và điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Dù vậy, xem xét từ góc nhìn toàn cầu, tuy kinh tế Trung Quốc tiếp tục phải chịu nhiều sức ép, nhưng trong bối cảnh lớn kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp và khủng hoảng đang gia tăng, Trung Quốc vẫn có ưu thế nhất định trong năm 2019 này.
 Trong năm 2019 đồng NDT sẽ đối diện với áp lực mất giá mạnh hơn. Đầu tiên, cùng với việc xuất khẩu bị ảnh hưởng do tăng thuế và tính không xác định liên quan đến chiến tranh thương mại, dự đoán năm 2019 tỷ trọng xuất siêu ngoại thương hàng hóa/GDP sẽ giảm xuống mức 2,8%, thặng dư tài khoản vãng lai có thể không còn, thậm chí có thể xuất hiện tình trạng thâm hụt lần đầu tiên trong 24 năm trở lại đây. Tiếp đó, chênh lệch lãi suất giữa trong và ngoài nước cũng sẽ không ngừng thu hẹp, kỳ vọng về sự mất giá của đồng NDT có thể mạnh lên, dẫn đến quy mô dòng vốn chảy ra nước ngoài gia tăng.

Các tin khác