Kinh tế Triều Tiên 3 đời họ Kim (kỳ 1): Từ hơn đến kém

Cho đến nay, CHDCND Triều Tiên vẫn là một quốc gia “bí ẩn” trong mắt các nhà quan sát quốc tế. Hầu như rất ít thông tin được tiết lộ về đời sống người dân cũng như khả năng thực sự của nền kinh tế nước này. Nhân việc Triều Tiên có lãnh đạo mới, ĐTTC tổng hợp những nhận định chung về đất nước bí ẩn này và dự báo về các vấn đề mà nhà lãnh đạo mới có thể phải đối mặt.

Cho đến nay, CHDCND Triều Tiên vẫn là một quốc gia “bí ẩn” trong mắt các nhà quan sát quốc tế. Hầu như rất ít thông tin được tiết lộ về đời sống người dân cũng như khả năng thực sự của nền kinh tế nước này. Nhân việc Triều Tiên có lãnh đạo mới, ĐTTC tổng hợp những nhận định chung về đất nước bí ẩn này và dự báo về các vấn đề mà nhà lãnh đạo mới có thể phải đối mặt.

Sau khi bán đảo Triều Tiên bị phân chia thành 2 nhà nước ở Nam và Bắc vĩ tuyến 38, Hàn Quốc ở phía Nam nhanh chóng phát triển thành một nền kinh tế có tầm mức GDP trên 1.000 tỷ USD, trong khi kinh tế CHDCND Triều Tiên ở phía Bắc bị cho là “không đủ nuôi sống người dân”,  phải phụ thuộc nhiều vào viện trợ nhân đạo từ bên ngoài.

Cùng vạch xuất phát

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, 2 chế độ mới ở bán đảo Triều Tiên được thành lập thay thế cho chính quyền thực dân Nhật Bản.

Ở miền Bắc từ vĩ tuyến 38 được Liên Xô ủng hộ thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa, trong khi ở phía Nam vĩ tuyến 38 chính quyền dân tộc được thành lập dưới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Nhưng Hoa Kỳ và Liên Xô không đồng thuận trong việc áp dụng Đồng ủy trị ở Triều Tiên và chính quyền miền Bắc không đồng ý với cuộc tổng tuyển cử thống nhất trong cả nước.

Dưới thời “Lãnh tụ Vĩ đại”, GDP bình quân của Triều Tiên không tăng trưởng suốt 20 năm.

Dưới thời “Lãnh tụ Vĩ đại”, GDP bình quân của Triều Tiên không tăng trưởng suốt 20 năm.

Điều này dẫn tới việc thành lập chính phủ riêng biệt ở 2 miền, mỗi bên đều tuyên bố là chính phủ hợp pháp của toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Sự phân chia này không đồng đều cả về tài nguyên thiên nhiên và con người. Miền Bắc được lợi về công nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, trong khi miền Nam có tới 2/3 lực lượng lao động. Dù vậy, nếu so tất cả mặt thuận lợi và khó khăn, 2 miền được cho là tương đồng.

Những năm đầu tiên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, miền Bắc nhận được những chương trình viện trợ lớn từ các nước khối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) huy động tối đa nguồn lực con người và tài nguyên để phát triển kinh tế.

Nhờ vậy, trong những năm 70 của thế kỷ 20, kinh tế Triều Tiên đạt được nhiều thành tựu, GDP bình quân đầu người cao hơn Hàn Quốc, năng suất lao động cao hơn người Trung Quốc. Những thành tựu này đã khiến “Lãnh tụ Vĩ đại” Kim Nhật Thành quyết định miễn thuế hoàn toàn cho người dân kể từ năm 1974, cho rằng thuế là “tàn dư của các chế độ cũ”.

Tuy nhiên, chính sách này không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu ngân sách, vì đặc tính nền kinh tế kế hoạch tập trung của Triều Tiên khiến nhà nước có thể thu tới 98,1% ngân sách (trong giai đoạn 1961-1970) từ thuế doanh số (thuế thu theo doanh số bán sản phẩm của các nhà máy), lợi nhuận chia từ các doanh nghiệp nhà nước (tất cả doanh nghiệp Triều Tiên đều sở hữu nhà nước) và phí cho thuê máy móc, thiết bị, hệ thống tưới tiêu, truyền hình…

2 thập niên không tăng trưởng

Triều Tiên luôn tự hào là nước duy nhất trên thế giới nơi người dân không biết đến thuế là gì. Không chỉ vậy, theo hãng tin nhà nước KCNA, người Triều Tiên không biết đến tiền thuê nhà vì được ở trong “những căn nhà hiện đại do nhà nước xây”. Người dân cũng được học hành và hưởng các dịch vụ y tế miễn phí. Vì vậy, người Triều Tiên “hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc”.

Tuy nhiên, có lẽ vì nôn nóng thống nhất bán đảo Triều Tiên, lãnh tụ Kim Nhật Thành dồn sức quá mức cho quân đội. Ước tính chi phí quốc phòng từ 3,7% GDP năm 1959 nhảy lên đến 19% trong năm 1960 và duy trì bình quân 19,8% GDP trong giai đoạn 1961-1966. Từ năm 1967, con số này nhảy vọt lên 30,4% GDP và duy trì ở mức bình quân 30% GDP cho đến năm 1971.

Sau đó, chi phí quốc phòng giảm còn 17% GDP năm 1972 và tiếp tục giảm trong những năm 1980. Theo con số chính thức của nhà nước, trong 2 năm 1989 và 1990, chi phí quốc phòng ở mức 12 và 12,3% GDP. Năm 1992, Bình Nhưỡng dự báo chi phí quốc phòng ở mức 11,6%.

Cho đến nay, các nhà quan sát quốc tế cho rằng chi phí quốc phòng của Triều Tiên khoảng 15-26% GDP (4-7 tỷ USD). Chi phí quốc phòng lớn làm giảm ngân sách cho các hoạt động kinh tế. Thêm vào đó, tuổi huy động quân dịch sớm (17 tuổi) khiến lực lượng lao động vốn ít ỏi lại càng thiếu hơn.

Ước tính lực lượng vũ trang hiện nay của Triều Tiên khoảng 1,2 triệu quân. Khả năng huy động quân đội của nước này là 7,7 triệu người. Đây là con số rất lớn nếu so với dân số Triều Tiên hiện khoảng 22,9 triệu người.

Do bao cấp nặng và chính sách khuyến khích “bỏ cuốc, cầm súng”, cộng với những đợt hạn hán kéo dài khiến mùa màng thất bát, kinh tế Triều Tiên bắt đầu sa sút kể từ cuối thập niên 70. Tính đến cuối năm 1979, GDP bình quân ở miền Bắc chỉ bằng 1/3 miền Nam.

Theo dữ liệu của Historical Statistics for the World Economy, GDP bình quân của Triều Tiên hầu như nằm ngang trong suốt giai đoạn 1973-1991, ở mức 2.841 đô la quốc tế (*). Từ năm 1992 đến khi Kim Nhật Thành qua đời (1994), con số này đi xuống nhanh chóng và chỉ còn 1.849 đô la quốc tế.

Trong giai đoạn 1994-1997, Triều Tiên thậm chí rơi vào nạn đói. Ước tính, khoảng 900.000-3,5 triệu người trong tổng số 22 triệu dân Triều Tiên chết vì đói hay các bệnh liên quan đến đói, với đỉnh điểm số người chết vào năm 1997. Hiến pháp Triều Tiên phong Kim Nhật Thành là “Lãnh tụ Vĩnh cửu”.

-----------

Kỳ 2: Gượng dậy từ đói kém

(*) Đô la quốc tế là một đơn vị tiền tệ giả định, có sức mua ngang bằng sức mua USD tại thời điểm nhất định, là USD quy đổi theo tỷ giá hối đoái sức mua tương đương của nội tệ từng nước. So sánh tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người giữa nhiều nước bằng đô la quốc tế, sẽ cho một thước đo có giá trị hơn để so sánh mức sống.

Các tin khác