Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao? - Kỳ 1: Tổn hại là điều khó tránh

(ĐTTCO) - Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi yêu cầu Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ; đe dọa áp dụng thuế quan toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc và buộc nước này phải đàm phán với Mỹ.
 Mỹ ra sức giải quyết các vụ “trộm tài sản trí tuệ”, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Mỹ rút về nước. Liệu những hành động trên có giúp kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng cao trong 2019?
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina để bàn giải pháp tháo gỡ cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Cuộc gặp này được dự báo là cơ sở để giới đầu tư xác định hướng đi của thị trường tài chính trong năm 2019, cũng như hướng đi của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và thế giới.
Cuộc chiến thương mại chưa thấy lợi cho Mỹ
Các cố vấn của ông Trump luôn nhấn mạnh rằng, sự tăng tốc của kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi khác và cả châu Âu. Họ cho rằng xử lý tốt vấn đề Trung quốc sẽ làm kinh tế Mỹ mạnh hơn. Họ cũng lập luận rằng tập trung xử lý tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) của Trung Quốc sẽ giúp giảm nhu cầu giải quyết thâm hụt thương mại. Họ cho rằng vụ việc Mỹ thông qua Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bộ Tài chính Mỹ tập trung giải quyết vấn đề rửa tiền của Trung Quốc, nghiêm khắc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
 Khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu lẫn nhau, mọi bên đều sẽ gánh chịu những tổn hại. Kinh tế Mỹ dù đang trong đà tăng trưởng, cũng sẽ phải chịu những tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo IMF, kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại ở mức 2,5% so với 2,9% như 2018.
Maurice Obstfeld, 
nhà kinh tế hàng đầu của IMF
Sự thực là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp thuế khoảng một nửa số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump tiếp tục đe dọa sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế thứ 2 thế giới nhằm giảm thâm hụt nhập siêu khổng lồ từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đánh thuế lượng hàng hóa hơn 110 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng đây không phải là chìa khóa của vấn đề kinh tế Mỹ. Họ chỉ ra rằng, trong vòng vài tháng cuối năm 2018, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm mạnh, riêng trong tháng 11 đã giảm 25%, trong khi đó hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Phần lớn các công ty Mỹ được Phòng Thương mại Mỹ phỏng vấn tại Thượng Hải, cho biết chiến tranh thương mại gây tổn thất lợi nhuận và các rào cản phi thương mại đã tăng thêm. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy an ninh mạng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp tại Mỹ được cải thiện. Sụt giảm thương mại và giá hàng hóa Trung Quốc tăng, đồng nghĩa với thuế tiêu dùng tại Mỹ tăng lên.
Thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chắc chắn sẽ làm giảm lượng hàng hóa vận chuyển tới Trung Quốc, và do đó tăng thâm hụt thương mại. Thuế quan Mỹ và biện pháp trả đũa qua lại sẽ không thể tránh khỏi, cản trở kế hoạch “hồi hương sản xuất” về Mỹ của ông Trump do chi phí tăng. 
Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao? - Kỳ 1: Tổn hại là điều khó tránh ảnh 1 Hàng loạt chỉ số chứng khoán Mỹ đã thủng đáy và xuống mức thấp nhất trong năm 2018. 
Vấn đề của FED và thị trường chứng khoán 
Báo chí Mỹ cho rằng, Tổng thống Trump luôn mâu thuẫn với nỗ lực ổn định tình hình của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, khi ông Trump thường mô tả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là vấn đề duy nhất của nền kinh tế Mỹ. Trong năm 2018, FED đã tăng lãi suất ngắn hạn 4 lần và dự định tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Các nhà kinh tế cảnh báo nếu FED tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Trong năm qua, việc FED tăng lãi suất đã siết chặt các điều kiện kinh tế toàn cầu và tác động sang cả các nền kinh tế mới nổi. 
Một mặt ra lệnh cho ông Mnuchin phải tập hợp nhóm các quan chức tài chính hàng đầu, nhằm tìm ra cách ổn định thị trường chứng khoán vốn liên tục bị chao đảo, mặt khác Tổng thống Trump liên tiếp tấn công FED và Chủ tịch Jerome Powell. Kết quả, trong phiên giao dịch ngày 24-12-2018, hơn 650 điểm đã bị bay khỏi Dow Jones. Các chỉ số khác cũng rơi mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, chính phủ đóng cửa cũng như báo cáo cho biết Tổng thống Trump đã tính tới việc sa thải Chủ tịch FED Jerome Powell, người ông nhiều lần chỉ trích vì tăng lãi suất.
Hàng loạt chỉ số đã liên tục thủng đáy và tụt xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Thậm chí, S&P 500 còn đang đứng trước nguy cơ trải qua tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1939. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tổ chức cuộc họp với nhóm làm việc về thị trường tài chính thường được biết tới với cái tên "Plunge Protection team", vốn chỉ được triệu tập trong thời gian thị trường biến động nặng nề. Trước đó, ông Mnuchin đã gọi điện cho CEO của 6 ngân hàng lớn nhất Mỹ để củng cố niềm tin và trấn an thị trường.
Bất chấp những nỗ lực trấn an thị trường của Bộ trưởng Tài chính Mnuchin, ông Trump lại khơi dậy sóng gió. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Anh Reuters, ông Trump chỉ trích tính truyền thống của Mỹ về sự độc lập của FED, ông Trump còn đổ lỗi cho cơ quan này là vấn đề duy nhất với nền kinh tế Mỹ, gây ra những diễn biến tồi tệ trên thị trường. "Vấn đề duy nhất với nền kinh tế của chúng ta là FED. Họ chẳng có chút cảm giác gì với thị trường. FED giống như một tay golf mạnh mẽ, người không thể ghi điểm bởi chỉ biết đánh mạnh" - ông Trump cho hay.
Ngoài việc thường xuyên chỉ trích FED tăng lãi suất, ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích ông Powell. Trong phiên giao dịch trước nghỉ lễ Giáng sinh 2018, tất cả các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều mất hơn 2% giá trị. S&P 500 đóng cửa với mức giảm 19,8% so với đỉnh hồi tháng 9, xấp xỉ mức 20% để rơi vào thị trường gấu. Giá dầu cũng rơi vào cảnh tương tự khi mất tới 6% giá trị chỉ trong một phiên, tụt xuống mức thấp nhất trong một năm qua.
(Còn tiếp)

Các tin khác