Khủng hoảng NH mới (kỳ 1): Những dấu hiệu đen

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008 tưởng đã đi vào dĩ vãng sau khi các nền kinh tế lớn lần lượt tuyên bố thoát khỏi suy thoái vào cuối năm 2009. Nhưng 2 năm đã trôi qua, thế giới dường như vẫn không khá hơn. Các nền kinh tế lớn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu đến Trung Quốc, Ấn Độ đều tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn. Giới quan sát tin rằng thế giới có nguy cơ phải hứng chịu một làn sóng khủng hoảng ngân hàng mới.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008 tưởng đã đi vào dĩ vãng sau khi các nền kinh tế lớn lần lượt tuyên bố thoát khỏi suy thoái vào cuối năm 2009. Nhưng 2 năm đã trôi qua, thế giới dường như vẫn không khá hơn. Các nền kinh tế lớn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu đến Trung Quốc, Ấn Độ đều tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn. Giới quan sát tin rằng thế giới có nguy cơ phải hứng chịu một làn sóng khủng hoảng ngân hàng mới.

Trong năm 2011, hàng loạt diễn biến xấu đã xảy ra trên thị trường tài chính thế giới, từ việc Hoa Kỳ bị mất hạng tín nhiệm đến hàng loạt ngân hàng lớn ở Anh và Hoa Kỳ bị hạ bậc tín nhiệm, hay sự sụp đổ của đại gia môi giới chứng khoán MF Global và tình thế nguy kịch của đồng tiền chung châu Âu.… Tất cả như những nhát cuốc đang đào phá nền móng tòa tháp tài chính toàn cầu.

Tương tự năm 2008

Hồi tháng 9, CEO Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, ông Josef Ackermann cho rằng sự hỗn loạn của thị trường hiện nay làm ông nhớ lại những ngày sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers - “ngòi nổ” của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhận định của Ackermann bị nhiều người chỉ trích là quá bi quan và làm trầm trọng hơn sự bất ổn của thị trường. Tuy nhiên, nhận định của ông không hẳn xa rời thực tiễn.

Những dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới?

Những dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới?

Tờ Financial Times (FT) trước đó có bài viết cho biết các ngân hàng châu Âu đang chịu sức ép rất lớn về vốn. “Việc phát hành ròng nợ của các ngân hàng châu Âu có nguy cơ xuống dưới không, khi bị âm 3 tháng liên tiếp” - FT viết. Theo số liệu của Dealogic, phát hành ròng nợ ngân hàng đã bị âm 41 tỷ USD (tính tới tháng 9-2011).

Trong khi đó, lợi suất thêm mà giới đầu tư yêu cầu ngày một tăng. Chỉ số Markit’s iTraxx Europe Senior Financial chuyên theo dõi 25 ngân hàng lớn ở châu Âu cho thấy lợi suất thêm tăng chạm mức kỷ lục 276 điểm vào ngày 8-9, cao hơn mức kỷ lục từng chạm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khi Hy Lạp được ứng cứu năm 2010.

Cho đến nay, cổ phiếu các ngành tài chính trên các TTCK toàn cầu là nhóm cổ phiếu bị rớt giá thảm hại nhất, trong đó cổ phiếu của Bank of America (BoA) tính đến cuối tháng 11 giảm hơn 20%. Hầu hết các đại gia ngân hàng đang bị thị trường định giá thấp hơn giá kế toán, thậm chí thấp hơn số tiền mặt họ đang nắm giữ.

Thí dụ, Citigroup Inc. có 186 tỷ USD tiền mặt trong bảng cân đối, nhưng thị trường định giá chỉ 86 tỷ USD. BoA có 140 tỷ USD tiền mặt nhưng giá thị trường 63 tỷ USD. Đây là một nghịch lý vì giá trị thị trường thường cao hơn giá kế toán và giá kế toán lớn hơn số tiền mặt mà công ty đang có.

Chỉ số SPDR KBW Bank - chuyên dùng để đo “sức khỏe” các ngân hàng trong chỉ số S&P 500 - mất tới 26% so với đầu năm. Trong vòng 3 năm qua, cổ phiếu của Citigroup và BoA lần lượt mất 91 và 86% giá trị.

16.000 tỷ USD bỏ biển

Việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tung ra 16.000 tỷ USD để ứng cứu các ngân hàng lớn trong nước bị nhiều người nghi ngờ là chiêu “bịa chuyện gây sốc” để thu hút sự chú ý của một số chuyên gia thuộc hàng “phọt phẹt”. Nhưng đây là những con số chính thức và một phần trong số đó đã được Bloomberg News công bố gần đây.

Hai bài viết ngày 22-8 và 27-11 của Bloomberg cho biết: “FED và các đại ngân hàng đã nỗ lực trong hơn 2 năm qua để ém nhẹm chi tiết về một chương trình ứng cứu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. FED đã không hề hé lộ thông tin về những ngân hàng đã quá nguy kịch đến nỗi phải yêu cầu tổng cộng 1.200 tỷ USD ứng cứu vào ngày 5-12-2008. Các nhà ngân hàng cũng không hé môi về việc họ nhận hàng chục tỷ USD ứng cứu trong khi vẫn bảo đảm với giới đầu tư rằng họ đang khỏe mạnh”.

Ngay cả Quốc hội Hoa Kỳ cũng không được biết chi tiết. Mãi gần đây sự việc mới vỡ lở sau khi hơn 29.000 trang tài liệu của FED bị công bố theo Đạo luật tự do thông tin. Và khi người ta phát hiện ra con số kinh hoàng 7.700 tỷ USD, FED đã phải thừa nhận tính đến tháng 3-2009 họ đã chi số tiền trên để ứng cứu các đại ngân hàng. Số tiền gây sốc này cao hơn gấp nhiều lần so với quỹ ứng cứu 700 tỷ USD (TARP) được Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông qua năm 2008.

Nhưng ngay cả Bloomberg cũng không muốn phơi bày toàn bộ bức tranh khủng khiếp mà họ đã thấy. Theo một báo cáo kiểm toán, tổng số tiền FED đã vung ra cho Phố Wall trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua (từ ngày 1-12-2007 đến 21-7-2010) lên đến 16.100 tỷ USD! Con số này lớn hơn GDP Hoa Kỳ năm 2010 (14.580 tỷ USD) và tổng số nợ công của họ (15.000 tỷ USD).

Ở trang 131 của báo cáo kiểm toán này có ghi rõ tên các ngân hàng và số tiền ứng cứu. Trong đó, Citigroup nhận 2.513 tỷ USD, Morgan Stanley nhận 2.041 tỷ USD, Merrill Lynch 1.949 tỷ USD, BoA 1.344 tỷ USD, Barclays PLC 868 tỷ USD, Bear Sterns 853 tỷ USD, Goldman Sachs 814 tỷ USD…

Nhận định về việc FED tung tiền ra ứng cứu các đại gia ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng FED đã “vứt ra biển” số tiền khổng lồ vì hầu như không cải thiện được tình hình. Merrill Lynch và Bear Sterns đã bị mua lại hoặc phá sản. Trong khi Citigroup hay BoA đều bị thị trường đánh giá thấp hơn cả số tiền mặt họ đang nắm giữ.

Ngành ngân hàng Hoa Kỳ vẫn lâm nguy, điển hình là việc vừa qua S&P hạ tín nhiệm một loạt các ngân hàng lớn. Thế nhưng, 16.000 tỷ USD chưa phải là điều tệ nhất. Giới phân tích dự báo thế giới sẽ mất 30.000 tỷ USD từ nay đến năm 2013!

-----------

Kỳ 2: Những dự báo kinh hoàng

Các tin khác