Khủng hoảng Brexit-Kỳ 1: Gian nan tìm lối thoát

(ĐTTCO) - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ đến hạn nước Anh buộc phải rời khỏi EU (Brexit), nhưng thỏa thuận Brexit do chính phủ của Thủ tướng Theresa May dày công đàm phán đã 2 lần bị Quốc hội bác bỏ.

 Các nghị sĩ cũng bỏ phiếu chống lại một Brexit không thỏa thuận. Nghĩa là, thỏa thuận Brexit hiện nay không có, nhưng Brexit không thỏa thuận cũng không được chấp nhận. Điều này khiến tình hình chính trị ở Anh hiện như trong một cuộc khủng hoảng.

Trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý năm 2016, những chính trị gia ủng hộ rời EU đã hứa với cử tri rằng Brexit sẽ là lối thoát dễ dàng vì Anh nắm trong tay tất cả các thẻ bài. Tuy nhiên, dường như lối thoát đó đang ngày càng khó tiếp cận.
Bác bỏ lần thứ hai
Ngày 12-3, Quốc hội Anh một lần nữa bày tỏ sự bất mãn với thỏa thuận Brexit Thủ tướng Theresa May đã dành cả 2 năm qua để đàm phán tại Brussels, bằng việc bác bỏ nó lần thứ hai với 149 phiếu bầu, trở thành thất bại lớn thứ tư của chính phủ trong lịch sử Quốc hội hiện đại. Ngày kế tiếp, các nghị sĩ lại từ chối những gì đã từng là kế hoạch dự phòng của bà May về một Brexit không thỏa thuận.
4 bộ trưởng nội các đã không ủng hộ bà May trong cuộc bỏ phiếu quan trọng cùng ngày (13-3). Cả 2 đảng chính, từ lâu đã chia rẽ về Brexit, đang chứng kiến các phe phái của họ chia rẽ thành những nhóm ngày càng kích động. Tất cả điều này diễn ra chỉ 2 tuần trước ngày Anh buộc phải rời EU theo dự kiến.
Hậu quả ngay lập tức của cuộc nổi loạn ở Westminster là Brexit phải bị trì hoãn. Quốc hội đã bỏ phiếu gia hạn thời hạn 29-3. Việc dời lại hạn chót còn phải được EU đồng ý. Nhưng giới quan sát tin rằng vì lợi ích riêng của mình, EU nhiều khả năng sẽ phê chuẩn. Một Brexit không có thỏa thuận sẽ làm tổn thương nước Anh một cách đau buồn, nhưng nó cũng sẽ làm tổn thương người EU và Ireland theo cách như vậy.
Khủng hoảng Brexit-Kỳ 1: Gian nan tìm lối thoát ảnh 1  
Kế hoạch của bà May là sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác về thỏa thuận của mình và lôi kéo những người ủng hộ Brexit bằng cách đe dọa rằng việc gia hạn ngày rời EU quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ hủy bỏ Brexit hoàn toàn. Đồng thời, bà cũng nói Brexit không có thỏa thuận vẫn có thể xảy ra, bởi vì điều đó phụ thuộc vào EU có đồng ý gia hạn cho Anh hay không, trong khi EU đang ngày càng mất kiên nhẫn.
Theo giới quan sát, đây là một "chiến thuật tuyệt vọng". Nó buộc các nghị sĩ phải lựa chọn "quả sâu trong những quả sâu", trong khi họ tin rằng vẫn có sẵn "những quả tốt". Tờ Economist cho rằng, ngay cả khi "chiến thuật tuyệt vọng" của bà May thành công, nó cũng khiến nước Anh mất đi sự ổn định, sẽ ảnh hưởng đến sự đồng thuận cần thiết vốn có vai trò là nền tảng cho hàng loạt cuộc bỏ phiếu về sau để ban hành Brexit và cho các cuộc đàm phán thậm chí khó khăn hơn về mối quan hệ tương lai với EU.

Thoát khỏi bà May?
Để vượt qua sự bế tắc hiện nay, một số nhà phân tích chính trị ở Anh thậm chí đề cập tới một phương án gây sốc: thoát khỏi bà May. Theo những người này, thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ đã thất bại và uy tín của bà May đã xuống quá thấp. Ngày càng có nhiều đảng viên Bảo thủ (đảng của bà May) tin rằng, một nhà lãnh đạo mới với nhiệm vụ mới có thể phá vỡ tình trạng bế tắc.
Tuy nhiên, có nguy cơ cao là các thành viên của đảng Bảo thủ sẽ cài đặt người thay thế đưa đất nước theo hướng Brexit cực kỳ "cứng". Hơn nữa, việc thay thế bà May sẽ có tác dụng rất ít trong việc giải quyết thách thức để có thể đạt được thỏa thuận tốt. Các đảng phái hiện đang chia rẽ về cơ bản. Nên nhiều người tin rằng chủ mới ở số 10 Phố Downing có thể đưa các đảng phái trở lại với nhau, nhằm thiết lập một thế lực tương tự những người ủng hộ Brexit.
Do các đảng phái đang chia rẽ, những lời kêu gọi cho một cuộc tổng bầu cử cũng sai lầm như vậy. Việc tiến hành một cuộc tổng bầu cử thứ tư trong vòng vài năm có thể cũng chỉ đưa xứ sở sương mù trở về tình trạng như lúc khởi đầu. Các nghị sĩ Bảo thủ có thể lại rơi vào ngõ cụt nếu họ được bầu trở lại theo tuyên ngôn hứa sẽ ban hành được thỏa thuận. Nhưng liệu đảng Bảo thủ có tham gia cuộc bầu cử dựa trên kế hoạch của bà May, người đã 2 lần bị các nghị sĩ đánh bại?
Để phá vỡ bế tắc này, bà May cần làm 2 việc. Đầu tiên, để tham khảo ý kiến của Quốc hội, bà May phải nắm được hình thức nào của Brexit có thể được đa số nghị sĩ ủng hộ. Thứ hai, kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra lựa chọn hợp pháp. Có chút lợi trong việc này, là những phác thảo của một thỏa hiệp Quốc hội có thể nhìn thấy được.
Đảng Lao động muốn Anh vẫn là thành viên thường trực của Liên minh Hải quan EU, tức gần với EU hơn một chút so với thỏa thuận của bà May. Ngoài ra, các nghị sĩ có thể ủng hộ Brexit theo "mô hình Na Uy" - khi đó Anh sẽ ở ngoài EU nhưng vẫn nằm trong thị trường đơn lẻ EU. EU cho biết họ sẵn lòng chiều Anh ở cả 2 hình thức. Chỉ khi không thể thiết lập sự đồng thuận, bà May mới nên quay lại kế hoạch bị chỉ trích nhiều của mình.
Để làm được những điều này, đòi hỏi các chính trị gia Anh phải suy nghĩ vượt ra ngoài các đảng phái. Điều đó khá khó khăn trong một nền chính trị Anh vốn nặng tính đảng phái và đối kháng. Nhưng theo Economist, truyền thống đó đang bị phá vỡ. Các nhóm ly khai và phe cánh trong các đảng đang hình thành ở cả 2 chính đảng lớn của Quốc hội, có thể thúc đẩy hỗ trợ giữa các bên cách tiếp cận mới.
Khó khăn lúc này là Brexit yêu cầu Anh phải đánh đổi tính độc lập của mình với việc duy trì mối quan hệ có lợi với EU. Bất kỳ kế hoạch Brexit mới nào các nghị sĩ Quốc hội đưa ra cũng sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khiến nhiều cử tri thất vọng. Bà May cho rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ là phi dân chủ. Nhưng cần nhớ rằng, chiến dịch trưng cầu dân ý ban đầu đã hoàn toàn thất bại trong việc giúp cử tri hiểu được sự phức tạp của Brexit. Vì vậy, để công bằng cần tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
 Bất kỳ thỏa thuận nào Quốc hội phê chuẩn phải được đưa ra công chúng để có tiếng nói cuối cùng. Cho dù nó sẽ bị những người theo phái Brexit cứng rắn chê bai là phản quốc, bị những người còn lại xem là quá cứng rắn đến nỗi tự làm hại mình. Hãy để công chúng quyết định việc ủng hộ mối quan hệ mới với EU, hay vẫn muốn gắn bó với những cái cũ.

(Còn tiếp)

Các tin khác