“Khủng bố” tài chính (kỳ 3): Châu Âu - Thị dân lao đao

Khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng nợ công khiến các chính phủ khắp châu Âu triển khai hết kế hoạch khắc khổ này đến kế hoạch khắc khổ khác nhằm chỉnh đốn tình trạng thâm hụt ngân sách, bất chấp sự sa sút trong mức sống của người dân, đặc biệt người thành thị.

Khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng nợ công khiến các chính phủ khắp châu Âu triển khai hết kế hoạch khắc khổ này đến kế hoạch khắc khổ khác nhằm chỉnh đốn tình trạng thâm hụt ngân sách, bất chấp sự sa sút trong mức sống của người dân, đặc biệt người thành thị.

Xuống phố

Ngày 1-10, hàng trăm nhà hoạt động, các thành viên nghiệp đoàn thương mại và chính trị gia cấp tiến trên khắp châu Âu đã tập trung lại ở London (Anh) để tham gia một cuộc hội nghị chống các chính sách khắc khổ đang triển khai trên khắp lục địa già. Hội nghị Chống khắc khổ châu Âu (EAAC) được chủ trì bởi Liên minh Chống cắt giảm và tư hữu hóa (CRACP), được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức phi chính phủ và các liên minh chống cắt giảm khác.

Khoảng 35.000 người tham gia biểu tình chống các biện pháp khắc khổ ở Manchester, Anh hôm 2-10.

Khoảng 35.000 người tham gia biểu tình chống
các biện pháp khắc khổ ở Manchester, Anh hôm 2-10.

Theo sau hội nghị, các nhà hoạt động ở Anh đã kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối các chính sách khắc khổ của Chính phủ. Cuộc biểu tình quy tụ khoảng 35.000 người tham gia ở Manchester, nơi Chính phủ của Thủ tướng David Cameron đang có một cuộc họp thường niên.

Nhà tổ chức Trade Union Congress (TUC) cho biết cuộc biểu tình nhằm phản đối những chính sách khắc khổ của Chính phủ như đóng băng tiền lương, cắt giảm các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.

“Những biện pháp đó sẽ làm gia tăng thất nghiệp, hạ mức sống và khiến kinh tế đình trệ” - đại diện của TUC nói.

Không chỉ ở Anh, hầu hết các nước đang nặng nợ khác đều phải đối mặt với sự giận dữ của người dân. Tại Bồ Đào Nha hôm 1-10, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ở thủ đô Lisbon và thành phố Porto. Nhà tổ chức cho biết có tới 130.000 người tham gia biểu tình ở Lisbon, trong khi 50.000 người xuống phố ở Porto.

Để đổi lấy gói ứng cứu 78 tỷ EUR, Chính phủ Bồ Đào Nha đã triển khai nhiều chính sách khắc khổ, mới nhất là quyết định sa thải 1.700 vị trí quản lý ở 137 công ty công. Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở Tây Ban Nha, Hungary, Italia và đặc biệt là Hy Lạp - “con nợ” đang trong tình trạng nguy kịch.

Di dân ngược

Khi những cuộc xuống đường và hành vi phản kháng khác tỏ ra vô dụng, người dân sẽ chọn một con đường tiêu cực hơn: bỏ của chạy lấy người. Tại Hy Lạp, những chính sách khắc khổ của chính quyền đang làm gia tăng làn sóng di cư ngược.

Hàng nghìn người dân thành thị quyết định bỏ lại phố xá để tìm về các vùng quê, nơi ít chịu tác động của các chính sách khắc khổ hơn. Yiannis Dikiakos, một doanh nhân trẻ người Athens, đã cùng một nhóm bạn 10 người thu gom đồ đạc vượt 273km về vùng quê Andritsaina để xây dựng lại cuộc sống mới. Họ là một phần của cuộc di cư ngược tại Hy Lạp hiện nay.

Giorgos Galos, giáo viên ở Proti Serron thuộc đồng bằng Macedonia ở miền Bắc Hy Lạp, cho biết: “Đó là quyết định lớn nhưng nhiều người đã thực hiện. Tôi biết nhiều người ở Thessaloniki (thành phố lớn thứ 2 Hy Lạp) muốn quay lại với cuộc sống thôn dã. Cuộc khủng hoảng đã ăn mòn các giá trị sống của người dân thành thị và họ không chịu đựng nổi. Số người về quê sẽ ngày càng nhiều hơn vì mọi thứ đều rẻ hơn nhiều so với ở Thessaloniki”. 

Ra nước ngoài

Tình trạng di dân ngược chưa phải là điều tệ nhất. Việc triển khai liên hoàn những chính sách khắc khổ ở những nước phải nhận ứng cứu từ bên ngoài như Hy Lạp và Ireland đang khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn và nhiều người đã chọn đến phương án cuối cùng: rời bỏ đất nước.

Cách đây không lâu, ở những nước như Hy Lạp và Ireland, người ta từng cho rằng những “thời kỳ tươi đẹp” kéo dài suốt một hoặc hai thập niên trước cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho sự di cư, những người trẻ giỏi giang không còn bao giờ nghĩ đến chuyện phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm sự nghiệp. Nhưng nay không ai tin vào điều đó nữa.

Tại chợ Athens có một “người bán cá thông thái” tên Filippos Katampouris. Có lẽ anh là một trong những phụ tá bán cá có trình độ cao nhất từng được biết. Anh có bằng cử nhân của một đại học Hy Lạp và một bằng Thạc sĩ quản lý công nghệ lấy ở Anh. Khi từ bỏ công việc ở nước Anh để quay về Hy Lạp, anh được xem như một hình tượng cho sự thịnh vượng của đất nước, nơi đã thu hút được những trí thức trẻ nhờ những điều kiện tốt.

“Tôi muốn sống ở nước tôi và không muốn sống quãng đời còn lại ở nước ngoài” - Katampouris nói khi quay về đất nước. Nhưng đến nay, anh cho rằng đó là một quyết định “cực kỳ sai lầm”. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu ảnh hưởng đến Hy Lạp, anh mất việc trong một cơ quan nghiên cứu thị trường.

Tất cả những gì anh có thể làm hiện nay là phụ giúp cha mình bán cá ở chợ để mưu sinh. Katampouris không phải là cá biệt. Hàng nghìn người Hy Lạp đang đối mặt với tình trạng này. Liệu họ sẽ ở lại, chịu thiếu thốn và thất nghiệp, hay sẽ trở thành thế hệ di cư ồ ạt mới sang Australia, Anh và Hoa Kỳ?

Tại Ireland, sự hồi sinh của phong trào di cư đang khởi  động mạnh mẽ. Tại trụ sở của cơ quan cấp hộ chiếu chính ở Dublin, những đám đông giận dữ xếp hàng bên ngoài mỗi buổi sáng khi mọi người mong muốn có được passport, một số ít để đi nghỉ mát, nhưng đa phần để di cư.

“Tôi có một lời mời đến Hoa Kỳ và tôi đang nghĩ đến chuyện miễn sao rời khỏi nước là được. Dĩ nhiên tôi không muốn rời đất nước, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Giới chủ giảm lương và giảm lương. Và nếu tôi ra đi, tôi sẽ không quay về” - một người đang xếp hàng nói.

Cách đó vài phút đi bộ là khu Đại học Trinity College Dublin, nơi người lãnh đạo liên đoàn sinh viên Conan O'Broin cũng đang tỏ ra rất chán nản: “Tôi đã chào tạm biệt khoảng 5-6 người bạn thân trong vòng vài tháng gần đây. Miền đất hứa đã tiêu tan, chúng tôi đang có ý định rời bỏ nó” - Conan thừa nhận.

Các tin khác