“Khủng bố” tài chính (kỳ 2): Cuộc khủng hoảng thứ 3

“Đã đến lúc chúng ta đứng lên chống lại 400 tỷ phú Hoa Kỳ và buộc họ phải có trách nhiệm hơn trước cuộc khủng hoảng kinh tế” - nhà kinh tế David DeGraw kêu gọi trong cuốn sách mang tựa đề “Con đường đến năm 2012: Cách mạng hay Thế chiến III”.

“Đã đến lúc chúng ta đứng lên chống lại 400 tỷ phú Hoa Kỳ và buộc họ phải có trách nhiệm hơn trước cuộc khủng hoảng kinh tế” - nhà kinh tế David DeGraw kêu gọi trong cuốn sách mang tựa đề “Con đường đến năm 2012: Cách mạng hay Thế chiến III”.

Khốn đốn vì nợ

Theo một dự báo gần đây, nợ thẻ tín dụng của người dân Hoa Kỳ sẽ tăng tới 54 tỷ USD trong năm nay, so với mức tăng 9 tỷ USD năm 2010. Tổng nợ thẻ tín dụng của người dân Hoa Kỳ hiện lên tới 772 tỷ USD.

Khủng hoảng tài chính làm gia tăng tình trạng mất cân bằng trong xã hội (Nguồn: Matichon.co.th).
Khủng hoảng tài chính làm gia tăng tình trạng mất cân bằng trong xã hội
(Nguồn: Matichon.co.th).

Trong khi đó, tỷ lệ vỡ nợ của sinh viên cũng tăng đột biến hồi năm ngoái. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, số vụ vỡ nợ sinh viên tăng tới 15% trong năm 2010, con số này là 11,6% năm 2009.

“Người đi vay đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện tại. Chúng ta dễ dàng nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng vỡ nợ sinh viên và tỷ lệ thất nghiệp” - theo James Kvaal, Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Tờ Daily Mail số tháng 9 có một bài viết khiến nhiều người phải suy nghĩ, khi đăng câu chuyện một nữ luật sư phải đi múa thoát y để kiếm tiền trả các hóa đơn nợ trong khi chờ xin việc bên ngành luật.

Nữ luật sư, được biết đến với tên Carla, đă tốt nghiệp cách nay 10 năm, nhưng sau khi bị tinh giảm năm 2009, cô phải tìm đủ việc để khỏi bị chìm vào các khoản vay sinh viên và những loại nợ khác.

Một báo cáo của các nhà kiểm toán bang California công bố tháng trước cho biết, hệ thống phúc lợi hưu trí giáo viên của California (CalSTRS) đang có “nguy cơ cao”. CalSTRS là quỹ hưu trí lớn thứ 8 trên thế giới và là quỹ hưu trí giáo viên lớn nhất Hoa Kỳ. Giáo viên và Nhà nước đóng góp một phần lương của họ vào quỹ này hàng năm để có thể hưởng phúc lợi khi về hưu.

Để xem là đầy đủ, CalSTRS phải được cấp ngân sách ít nhất 80%, nhưng mức ngân sách hiện tại chỉ 71%. Với xu hướng này, CalSTRS có thể sẽ bị giải tán trong vòng 30 năm. Theo Kevin Wesbroom, trưởng cố vấn rủi ro toàn cầu Công ty tư vấn Aon Hewitt, 2011 là năm “ác mộng” của các quỹ hưu trí, nơi đang nắm giữ 35.000 tỷ USD (1/3 tài sản tài chính toàn cầu).

“Chúng ta có một cuộc khủng hoảng tín dụng và khủng hoảng nợ công, nay cuộc khủng hoảng thứ 3 là khủng hoảng quỹ hưu trí” - Wesbroom nói.

Sự lao dốc của TTCK càng khiến tài sản của các quỹ hưu trí teo tóp hơn. Thêm vào đó, chương trình hoán đổi trái phiếu trị giá 400 tỷ USD mới đưa ra của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) khiến lợi suất trái phiếu dài hạn - kênh đầu tư quen thuộc của các quỹ hưu trí - giảm sâu kỷ lục.

Thâm hụt tài sản so với kế hoạch chi trả phúc lợi của 100 quỹ hưu trí lớn nhất Hoa Kỳ trong tháng 7 đã tăng thêm 68 tỷ USD lên 254 tỷ USD.

 Y tế sa sút

Theo ước tính của Ủy ban Dân số, có thêm 1 triệu người dân Hoa Kỳ không có bảo hiểm y tế trong năm 2010, nâng tổng số người không có bảo hiểm y tế lên 49,9 triệu, tương đương 16,3%, mức cao nhất 45 năm và cao nhất kể từ khi các chương trình bảo hiểm y tế như Medicare và Medicaid được triển khai.

Theo Jocelyn Guyer, Phó Giám đốc điều hành của Trung tâm Trẻ em và Gia đình thuộc Đại học Georgetown, cùng với những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, chi phí cho bảo hiểm y tế của các gia đình ngày càng tăng cao.

“Ngay cả gia đình trung lưu cũng khốn đốn với chi phí bảo hiểm y tế theo sau các cải tổ luật kể từ năm 2014” - ông Guyer nói. Dữ liệu mới công bố của Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ cho biết trong năm 2010, người lao động nước này chi trả bình quân 4.940USD cho bảo hiểm y tế, tăng 1.992USD so với năm 1996.

Bình quân mỗi hộ gia đình chi 13.871USD, là một khoản không nhỏ so với thu nhập bình quân 50.000USD/năm. Trong khi đó, các khảo sát của Towers Watson và Mercer cho thấy gần 10% nhà tuyển dụng lớn muốn chấm dứt bao bọc bảo hiểm y tế cho nhân công theo sau cải tổ Luật Y tế của Tổng thống Obama kể từ năm 2014.

Mất cân bằng

Dữ liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) cho biết có hơn 56 triệu người dân nước này đang sống trong nghèo đói, tương đương 18,5% dân số, tức gần 1/5. Theo Ủy ban Dân số, hiện có tới 9 thành phố ở Hoa Kỳ có tỷ lệ nghèo đói từ 25% trở lên. Theo đó, Detroit - thủ phủ xe hơi - là nơi có tỷ lệ nghèo đói cao nhất 36,4%. Kế đến là Cleveland với 35% dân số sống trong cảnh nghèo đói.

Khủng hoảng kinh tế và những đối sách của chính quyền còn làm khoảng cách giàu nghèo ở Hoa Kỳ trong những năm qua tăng nhanh. Nhóm người giàu nhất nước lại được chịu thuế nhẹ hơn so với người thuộc tầng lớp trung lưu.

Vì vậy, việc điều chỉnh lại thuế đối với người giàu đã được Tổng thống Obama chính thức đưa vào nội dung nghị sự trong các cuộc bàn thảo với Quốc hội trong vòng 2 tháng tới để tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Ngoài ra, theo ước tính của Project-Syndicate, trong vòng 5 năm qua, có tới 5.000 tỷ USD đã đổ vào túi các nhà ngân hàng thông qua các khoảng lương và thưởng cao một cách bất thường, dù ngành ngân hàng bị cho là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo ước tính, nhóm 400 người giàu nhất Hoa Kỳ có tài sản tương đương tài sản của 154 triệu dân bình thường, chiếm tới 50% tài sản của đất nước - một khoảng cách giàu nghèo khó tưởng tượng.

----------

Kỳ 3: Châu âu - Thị thành khốn đốn

Các tin khác