Khiếu kiện đất đai Trung Quốc (kỳ 2): Nguyên nhân sâu xa

Tham nhũng có thể là một trong những yếu tố đằng sau những vụ thu hồi đất gây bức xúc cho người dân. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để xảy ra tình trạng này còn xuất phát từ những bất cập trong luật đất đai và phân bổ nguồn lực tài chính một cách thiên lệch.

Tham nhũng có thể là một trong những yếu tố đằng sau những vụ thu hồi đất gây bức xúc cho người dân. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để xảy ra tình trạng này còn xuất phát từ những bất cập trong luật đất đai và phân bổ nguồn lực tài chính một cách thiên lệch.

> Khiếu kiện đất đai Trung Quốc (kỳ 1): Những vụ nổi cộm

Sức ép ngân sách

Theo nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây, ngoài vấn đề tham nhũng, nạn thu hồi đất bừa bãi và thiếu minh bạch là hậu quả của sức ép ngân sách đối với các chính quyền địa phương. Trong khi đó, sự phân chia giữa lợi nhuận tài chính và trách nhiệm ở Trung Quốc dường như không hợp lý.

Thí dụ, năm 2010 chi tiêu của các chính quyền địa phương chiếm tới 80% GDP, nhưng tiền thu thuế chỉ đạt 4.100 tỷ NDT (600 tỷ USD), hay hơn 10% GDP. Để bù đắp sự thiếu hụt này, ngoài ngân sách chi thêm của trung ương, các chính quyền địa phương thường huy động tài chính từ nguồn lực nằm dưới chân họ: đất đai.

Theo luật định, đất đai thành thị ở Trung Quốc thuộc về nhà nước, trong khi đất nông thôn được sở hữu “có chọn lọc”. Định nghĩa mập mờ này khiến các quan chức địa phương có thể sử dụng quyền của họ để giải tỏa dân cư trong làng, xã gần các khu đô thị.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (giữa) đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi nông dân sau các vụ bạo động vì đất đai.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (giữa) đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi
nông dân sau các vụ bạo động vì đất đai.

Từ năm 2006-2010, chính quyền địa phương Trung Quốc đã bán quyền sử dụng đất của hơn 22.000km2 đất, tương đương với diện tích của cả tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 43% nông dân Trung Quốc là nạn nhân của những vụ thu hồi đất, với số người có đất bị chính quyền chiếm dụng tới 4 triệu người mỗi năm.

Tân Hoa xã, hãng tin chính thức của chính quyền Bắc Kinh, cho biết hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện chính sách “giải tán thôn làng”. Giới phân tích ước tính thu nhập từ việc bán đất đai của nông dân chiếm 60-70% thu ngân sách của chính quyền địa phương.

Thống kê tại hội nghị tổng kết các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho thấy tổng thu nhập từ bán đất của chính phủ nước này tăng 51,4 tỷ NDT trong năm 1999 lên 2.900 tỷ NDT (460,1 tỷ USD) năm 2010 và 2.590 tỷ NDT (410,9 tỷ USD) trong 10 tháng năm 2011.

Việc bán đất đem lại nguồn tiền khổng lồ, nhưng cũng gây chia rẽ. Giá đền bù cho người dân bị thu hồi đất rất thấp, chỉ ngang ngửa giá đất nông nghiệp, trong khi bán lại cho các công ty với giá thị trường. Thí dụ nông dân được trả tiền đền bù một lần với giá bình quân 18.739NDT/ha, trong khi chính quyền thu được 778.000NDT, cao hơn 40 lần.

Những hành vi nhân danh nhà nước để chiếm dụng đất rồi bán lại kiếm lời bất chính đã làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn, tạo ra những cuộc xung đột giữa người dân bị mất đất với chính quyền địa phương, với mức độ ngày càng trầm trọng.

An dân

Theo sau những vụ việc ở Ô Khảm, Vọng Cương… Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái vỗ yên lòng dân. Trong chuyến thị sát Quảng Đông vào đầu tháng 2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh cần cấp bách bảo vệ quyền đất đai của nông dân.

“Sự chiếm dụng độc đoán đất đai của nông dân, khiến nông dân khiếu nại, tố cáo, là căn nguyên của hàng loạt vụ việc vừa qua. Quyền quản lý hợp đồng về đất, sử dụng hiện trạng nhà cửa và chia sẻ những nguồn thu nhập của nông dân phải được luật pháp bảo vệ, không ai được quyền lấy đi các quyền đó. Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản của nông dân trong những cải cách liên quan đến việc sung công đất đai ở nông thôn” - ông Ôn nói trong cuộc họp hôm 4-2.

Phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo khiến nhiều người hy vọng về một sự thay đổi ở nông thôn Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại tỏ ra hoài nghi rằng những nỗ lực của ông sẽ khó đạt được hiệu quả bởi ông dự kiến sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay để bàn giao quyền lãnh đạo cho một thế hệ mới. Những người này lo rằng ông Ôn khó có thể cải thiện gì nhiều về tình hình tham nhũng đất đã tồn tại từ lâu.

Trong khi đó, trong báo cáo nghiên cứu của mình, Viện Phát triển nông thôn Landesa ở Seattle (Hoa Kỳ) cảnh báo Trung Quốc cần nhanh chóng có những cải cách sâu rộng trong vấn đề quản lý và cho thuê đất đai để cải thiện cuộc sống 700 triệu người sống ở nông thôn.

Bắc Kinh cũng đã có những chuyển biến tích cực. Ngày 1-2, lần đầu tiên Trung Quốc ban hành tài liệu về chính sách đất đai liên quan đến đất nông nghiệp ở nông thôn. Chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ nhanh chóng xem xét lại các luật có liên quan nhằm cải thiện các chính sách về đất đai ở nông thôn.

Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai phải dựa trên cơ sở đền bù thỏa đáng và sự tự nguyện của người dân theo đúng luật pháp quy định.

Một số thành phố “cấp tiến” ở Trung Quốc như Trùng Khánh và Thượng Hải đã ban hành một số hạng mục thuế liên quan đến việc mua bán và sở hữu bất động sản như một cách thức giảm chênh lệch xã hội, đồng thời giảm sức ép ngân sách lên chính quyền địa phương, qua đó gián tiếp ngăn chặn tệ nạn thu hồi đất bừa bãi.

Cách đây 1 năm, chính quyền Trùng Khánh đi tiên phong trong việc đánh thuế những ngôi nhà lớn và những căn hộ xa xỉ. Thật ra, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã nói đến việc triển khai một loại thuế liên quan đến việc sở hữu nhà. Nhưng khó khăn là chính phủ phải xác định được ai sở hữu cái gì và định giá được bất động sản đó.

Việc định giá công bằng cần các chuyên gia và một cơ quan định giá độc lập, nhưng cả 2 điều này đều thiếu ở Trung Quốc. Trong khi đó, việc định giá không đúng đã dẫn đến những vụ khiếu nại kéo dài, gây bất ổn xã hội.

Hiện nay, nhờ sự can thiệp của chính phủ, sóng gió tạm thời qua nhưng dư luận vẫn băn khoăn không biết tới khi nào đất đai đã bị thu hồi bừa bãi mới được trả về cho cố chủ.

Các tin khác